Phòng tránh thai: Những con số đáng giật mình

Những con số thống kê dưới đây chắc hẳn sẽ khiến mỗi người không thể không quan tâm tới vấn đề phòng tránh thai và bảo vệ sức khỏe sinh sản của phụ nữ.

Chi 1 USD cho KHHGĐ thì sẽ tiết kiệm được 31 USD chi cho xã hội

Theo thống kê của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), Bộ Y tế hiện nay, dân số Việt Nam là khoảng 93 triệu người. Tỷ lệ tăng dân số từ trên 2%/năm 1993 đã giảm xuống còn 1,08% năm 2016.

Còn theo số liệu của Tổng cục Thống kê, số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15-49 tuổi) là trên 24,2 triệu người. Trung bình mỗi năm dân số Việt Nam tăng thêm khoảng gần 1 triệu người. Trong những năm tới, số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15-49) vẫn sẽ tiếp tục gia tăng và dự báo sẽ đạt cực đại vào năm 2027 – 2028.

Trong khi đó, tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai (BPTT) năm 2016 là 77,6%, trong đó tỷ lệ sử dụng các BPTT hiện đại là 66,8%. Các kết quả công tác DS-KHHĐ đạt được đó góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là đóng góp vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, thực hiện thành công các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và cải thiện đời sống nhân dân.

Theo các chuyên gia, nhờ thành công của chương trình DS-KHHGĐ đã hạn chế việc tăng thêm 20 triệu người trong những thập kỷ qua, đã tiết kiệm các khoản chi cho các dịch vụ xã hội.

Bởi theo kinh nghiệm của quốc tế, nếu chi 1 USD cho KHHGĐ thì sẽ tiết kiệm được 31 USD chi cho xã hội. Kết quả công tác DS-KHHGĐ đã làm tăng GDP bình quân đầu người khoảng 2%/năm, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo của đất nước. Nhu cầu sử dụng các PTTT tiếp tục tăng.

5 triệu phụ nữ tàn tật mỗi năm do biến chứng nạo phá thai gây ra

Mỗi năm, trên thế giới có khoảng 85 triệu ca có thai ngoài ý muốn, trong đó có 42 triệu ca kết thúc bằng phá thai, 20-22 triệu ca phá thai không an toàn, khiến 5 triệu phụ nữ tàn tật mỗi năm do các biến chứng gây ra. Ở Việt Nam, mỗi năm có khoảng 250.000 – 300.000 ca phá thai được báo cáo chính thức, và chưa thể thống kê được số ca phá thai tại các cơ sở y tế tư nhân.

Đáng chú ý, tỷ lệ phá thai dưới 7 tuần tuổi chiếm gần 80%. Nguyên nhân chính mang thai ngoài ý muốn được chỉ ra là do không sử dụng các biện pháp tránh thai (khoảng 56%), nhiều người không được tiếp cận với các dịch vụ cung cấp biện pháp tránh thai, sử dụng các biện pháp tránh thai sai cách hoặc sử dụng các biện pháp tránh thai truyền thống kém hiệu quả (gần 40%)

Tại sao tỷ lệ sinh giảm

Một trong những nguyên nhân chính khiến mức sinh giảm hẳn từ 2,1 con xuống còn 1,4 là do phụ nữ hiện nay ngày càng làm chủ cuộc sống, không phụ thuộc vào người chồng, quyết định được lấy chồng và thời điểm có con.

Điều đó cho thấy rằng có thể sinh con hay không phần lớn nằm trong quyết định của người phụ nữ. Theo TS Lê Cảnh Nhạc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số: “Thực tế, phụ nữ độc thân bây giờ rất nhiều, nhiều người không muốn lấy chồng. Bởi vì hiện nay lấy được một người chồng tử tế không phải lúc nào cũng kiếm được. Nếu lấy để cho có chồng, người phụ nữ cho rằng không cần thiết. Những người phụ nữ ấy chỉ cần có con, và thường mẹ đơn thân chỉ có một đứa con”.

Theo cảnh báo của các chuyên gia về dân số, TP.HCM đang ở mức sinh rất thấp. Ước tính, tại thành phố này, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có thời điểm mức sinh thấp xuống chỉ còn 1,4 hoặc tăng lên khoảng 1,45 - 1,5 con, trong khi tỉ lệ sinh thay thế cần thiết là 2,1 con. Hơn thế nữa, tình trạng trồi sụt mức sinh xuống quá thấp hiện cũng trở nên phổ biến ở các đô thị lớn trên cả nước.

Điều dễ nhận thấy nhất, đặc biệt ở các nước phát triển, là khi kinh tế - xã hội phát triển, chất lượng đời sống được nâng cao, mức sinh trở nên trồi sụt. Tại sao, trong khi những vùng khó khăn như nông thôn, vùng sâu vùng xa lại đẻ nhiều?

“Ở những vùng kinh tế kém phát triển, sinh ra một đứa con mang lại một “nguồn lợi vô cùng lớn”, trở thành một lực lượng lao động chính trong gia đình, không chỉ tự nuôi sống mình mà còn có thể nuôi cả gia đình. Lớn lên, đứa con là “bảo hiểm” cho bố mẹ khi về già. Còn người dân sống ở những nơi kinh tế phát triển hiểu rất rõ, sinh một đứa con là “hao tổn kinh tế”. Sinh một đứa con rất tốn kém, nhất là ở một thành phố lớn như TP.HCM, từ tiền chăm sóc, nuôi dưỡng cho đến ăn học, y tế…”, TS. Nhạc giải thích.

Nguyên nhân khác cũng làm giảm mức sinh là tỉ lệ vô sinh hiện nay cũng đang rất đáng ngại. Các trẻ em gái có thể quan hệ tình dục từ rất sớm, phá thai không an toàn, vấn đề sử dụng các biện pháp tránh thai không an toàn và hiệu quả dẫn đến khó có con, thậm chí là vô sinh.

Một đứa trẻ tương lai phải gánh 4 - 6 người

Những tác động do mức sinh sụt giảm là không có nguồn nhân lực, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai; tác động đến cân bằng giới tính vì khi sinh ít như vậy người ta có xu hướng mong sinh con trai hơn con gái; đẩy nhanh tốc độ già hóa dân số, tỉ lệ người già ngày càng nhiều trong khi trẻ em ngày càng ít.

“Hiện nay, Việt Nam vẫn trong giai đoạn “cơ cấu dân số vàng”, nhưng cơ cấu dân số theo tuổi đang biến đổi nhanh với tốc độ chóng mặt. Dự báo của Liên Hiệp Quốc, đến năm 2019, tỉ trọng dân số theo nhóm tuổi ở Việt Nam: 65 tuổi trở lên (6,9%), 0 - 14 tuổi (23,1%), 15 - 64 tuổi (70%). Nhưng đến năm 2050, người từ 65 tuổi trở lên sẽ chiếm đến 21%, còn trẻ em giảm xuống còn 17,2%”- BS. Mai Xuân Phương, Tổng cục Dân số cho biết.

Việt Nam đã bước vào giai đoạn “già hóa dân số” vào năm 2011, khi tỉ lệ những người từ 60 tuổi trở lên đạt 10% tổng dân số và sẽ trở thành nước có “dân số già” vào khoảng năm 2032, khi tỉ lệ này chạm “ngưỡng” 20%. Điều đáng chú ý: quá trình già hóa của nước ta diễn ra chỉ trong khoảng 20 năm (2012-2032). Đến 2050, Việt Nam trở thành quốc gia “siêu già”. Như vậy, hiện nay 2 người nuôi 1 người, nhưng chỉ khoảng hơn chục năm sau, 1 người phải nuôi 2 người (bố mẹ), thậm chí có thể cõng trên vai 4 hay 6 người (bố mẹ, ông bà ngoại hoặc/và ông bà nội).

Một trong giải pháp giúp kéo dài cơ cấu vàng, các chuyên gia dân số nhấn mạnh “giảm sinh ở những tỉnh, thành phố có mức sinh còn cao; duy trì kết quả đã đạt được ở những tỉnh, thành phố đạt mức sinh thay thế; khuyến khích mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp”. Bên cạnh đó, ngành y tế cần phát triển các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người phụ nữ để đảm bảo họ có con theo mong muốn.

Xuân Thanh

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/phong-tranh-thai-nhung-con-so-dang-giat-minh-106486.html