Phòng tránh kháng thuốc

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm thế giới có khoảng 700.000 người tử vong do kháng thuốc. Dự báo, đến năm 2050, cứ 3 giây sẽ có 1 người tử vong do các siêu vi khuẩn kháng thuốc, tương đương với khoảng 10 triệu người mỗi năm. Khi đó, thậm chí các bệnh thông thường như ho cũng có thể gây tử vong.

Ảnh: minh họa

Kháng thuốc là tình trạng các vi sinh vật như vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng... kháng lại thuốc kháng sinh khiến các loại thuốc này giảm tác dụng, thậm chí không còn tác dụng. Tình trạng này đang gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng, đặc biệt là với các bệnh truyền nhiễm như: nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, đường hô hấp, các bệnh lây truyền qua đường tình dục và nhiễm khuẩn bệnh viện..., trở thành gánh nặng của nhiều quốc gia vì sự gia tăng chi phí do phải bắt buộc thay thế các kháng sinh cũ bằng các kháng sinh mới đắt tiền.

WHO xếp Việt Nam vào nhóm các nước có tỉ lệ kháng kháng sinh cao nhất thế giới với tỷ lệ kháng kháng sinh chiếm 40%. Việt Nam đã xuất hiện vi khuẩn đa kháng (kháng 2 nhóm kháng sinh) và toàn kháng (kháng với tất cả kháng sinh). Ở nước ta có nhiều loại vi khuẩn thông dụng, nguy hiểm, nhưng có tỷ lệ kháng thuốc cao đến rất cao, như nhóm vi khuẩn E.coli (vi khuẩn đường ruột), tỷ kháng thuốc lên tới 40%, thậm chí có địa phương lên đến 70%, kháng cả kháng sinh mạnh nhất là colistin. Hay như vi khuẩn A.baumannii, vi khuẩn gây nhiễm khuẩn bệnh viện, tỷ lệ kháng với hầu hết các loại kháng sinh lên đến trên 90%.

Theo chuyên gia y tế, sự lạm dụng thuốc kháng sinh quá mức chính là nguyên nhân gây ra tình trạng kháng kháng sinh đáng báo động như hiện nay. Bởi, hầu hết người bệnh chủ quan và tâm lý ngại đến cơ sở y tế khám, nên khi có những triệu chứng bệnh tật điều đầu tiên họ nghĩ đến là ra hiệu thuốc để mua. Trong khi hầu hết các cửa hàng thuốc sẵn sàng, tư vấn cho người bệnh để bán thuốc dù là thuốc kê đơn hay thuốc thông thường, dù đã có quy định rõ ràng đối với nhóm thuốc kháng sinh, biệt dược chỉ được bán khi có đơn của bác sĩ.

Thế nên, có tới 88% kháng sinh tại thành thị được bán ra mà không cần kê đơn, ở nông thôn tỉ lệ lên đến 91%. Kháng sinh cũng là một trong những thuốc sử dụng khá thường xuyên, khoảng 50% trong tổng số các kê đơn ở bệnh viện liên quan đến kháng sinh.

Những hệ lụy từ việc sử dụng kháng sinh bừa bãi, không đúng cách, không đủ liều đã làm tăng tình trạng kháng thuốc kháng sinh. Kháng kháng sinh làm giảm tính thấm của thuốc, thay đổi các đích tác động của thuốc hoặc là nó có thể ảnh hưởng đến vấn đề về thay đổi trao đổi chất. Chính vì vậy, trong khi tại nhiều nước, việc sử dụng kháng sinh thế hệ 1 vẫn điều trị hiệu quả, tại Việt Nam đã phải dùng kháng sinh thế hệ 3 và 4.

Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về phòng chống kháng thuốc giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhằm kéo giảm tình trạng kháng thuốc. Tuy nhiên, để ngăn chặn được tình trạng kháng thuốc nghiêm trọng hiện nay, trước hết ngành y tế cần tăng cường phổ biến, tuyên truyền, giáo dục về sử dụng thuốc an toàn trong nhân dân. Qua đó, nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền địa phương và hiểu biết của nhân viên y tế và người dân về phòng, chống kháng thuốc; nhất là thay đổi quan niệm coi thuốc kháng sinh như một loại thuốc thông thường, để người bệnh chỉ sử dụng thuốc khi có đơn của bác sĩ.

Kinh nghiệm của nhiều quốc gia cũng phải đối diện với vấn đề kháng thuốc cho thấy cần triển khai thực thi quyết liệt Hệ thống giám sát quốc gia về kháng thuốc, sử dụng và tiêu thụ thuốc kháng vi sinh vật, tăng cường quản lý sử dụng kháng sinh trong y tế. Hệ thống y tế cần triển khai đồng bộ chương trình quản lý sử dụng kháng sinh, quản lý kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn, thực hiện giám sát bán thuốc kháng sinh theo đơn tại các cơ sở bán lẻ thuốc.

Thiết nghĩ, để ngăn ngừa tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh, các cơ quan chức năng cần siết chặt việc cấp giấy phép kinh doanh dược phẩm, xử lý nghiêm các nhà thuốc bán thuốc không có đơn của bác sĩ.

Thanh Thảo

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/phong-tranh-khang-thuoc-post469594.html