'Phòng hơn chữa' trong an ninh hàng không

Các cơ quan liên quan phải thường xuyên kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định về an ninh, an toàn hàng không theo trách nhiệm được giao, theo nhiệm vụ được phân công, kịp thời phát hiện sơ hở, thiếu sót, xử lý ngay những nguy cơ có khả năng dẫn đến sự cố uy hiếp an ninh, an toàn hàng không.

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 39/TB-VPCP truyền đạt kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Chủ tịch Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, phương hướng nhiệm vụ năm 2024 của Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia.

Theo thông báo, Phó Thủ tướng kết luận các nguyên tắc bảo đảm an ninh, an toàn hàng không gồm: Quán triệt nguyên tắc "phòng hơn chữa" trong công tác bảo đảm an ninh, an toàn hàng không. Các cơ quan liên quan phải thường xuyên kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định về an ninh, an toàn hàng không theo trách nhiệm được giao, theo nhiệm vụ được phân công. Đồng thời, kịp thời phát hiện sơ hở, thiếu sót, xử lý ngay những nguy cơ có khả năng dẫn đến sự cố uy hiếp an ninh, an toàn hàng không.

Công tác đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ phải được tổ chức thường xuyên, liên tục, nội dung cần bám sát với thực tiễn, mang lại hiệu quả cao. Hoạt động diễn tập cần phải gắn liền với thực tế, mang lại ý nghĩa thiết thực trong bối cảnh ngành hàng không đã và đang có nhiều biến động. Áp dụng kết quả Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 ban hành kèm theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ và ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào lĩnh vực an ninh hàng không.

Cùng với đó, tuyệt đối không để gián đoạn hệ thống điều hành bay, đặc biệt từ nguy cơ tấn công mạng. Các cơ quan, đơn vị trực tiếp tham gia vào chuỗi cung ứng trong ngành hàng không, ngoài việc tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn, còn phải tuyệt đối không vì lợi nhuận mà bỏ qua bất kỳ nguy cơ nào gây mất an ninh, an toàn hàng không.

Phải phối hợp tốt hơn nữa giữa các lực lượng chức năng trong việc kịp thời cung cấp thông tin và trong xử lý sự cố. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức chấp hành quy định pháp luật về an ninh, an toàn hàng không cho người tham gia dịch vụ hàng không.

Các ngành, các địa phương tập trung đầu tư, sớm hoàn thiện các công trình bảo đảm an ninh, an toàn hàng không tại cảng hàng không, sân bay; kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng chống khủng bố địa phương.

Các bộ, ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp hàng không nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 24/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao năng lực bảo đảm an ninh, an toàn hàng không trong tình hình mới, Kế hoạch công tác năm 2023 của Ủy ban An ninh Hàng không ban hành theo Quyết định số 08/QĐ-UBANHK ngày 7/2/2023.

Bộ Giao thông Vận tải, Cơ quan thường trực của Ủy ban An ninh Hàng không nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý về an ninh, an toàn hàng không; chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam trong việc khắc phục theo kiến nghị của ICAO qua Chương trình USAP-CMA năm 2022; triển khai giải pháp ứng dụng công nghệ và ứng dụng mới đối với hệ thống làm thủ tục hàng không tạo thuận lợi cho hành khách, vừa góp phần bảo đảm an ninh, an toàn hàng không dân dụng.

Các cơ quan, đơn vị xây dựng và triển khai phương án nhằm chủ động đối phó với hoạt động sử dụng tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng...

Nguồn CL&XH: https://xahoi.congly.vn/phong-hon-chua-trong-an-ninh-hang-khong-416435.html