Phòng, chống tai nạn đuối nước ở trẻ em

Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Tiền Giang, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận hai vụ đuối nước, làm 3 trẻ em tử vong. Nguyên nhân chính do địa bàn tỉnh có nhiều sông, ao, hồ, kênh rạch; trẻ thiếu sự giám sát của cha mẹ, người chăm sóc...

Điển hình là vụ việc đau lòng xảy ra ngày 23/3 vừa qua tại ấp Tây, xã Nhị Bình, huyện Châu Thành làm hai bé N.N.B.T và L.T.K.Y (cùng 9 tuổi) tử vong do đuối nước. Trưa 23/3, trong lúc chơi, bé Y sơ ý rơi xuống ao nước sâu, rộng khoảng 100 m2 cạnh nhà. Khi thấy bé Y bị ngã xuống nước, bé T đưa tay kéo Y lên bờ nhưng vì cả hai còn quá nhỏ nên không đủ sức kéo lên và ngã luôn xuống ao. Khi người nhà phát hiện, hai em đã tử vong.

Thực tế cho thấy, bên cạnh nguyên nhân khách quan dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em, đa số trẻ em chưa được dạy kỹ năng an toàn trong môi trường sống, an toàn trong môi trường nước, cách xử trí tình huống khi rơi, ngã dưới nước.

Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Mỹ Nương cho biết, để phòng, chống đuối nước ở trẻ em đạt hiệu quả, Tiền Giang triển khai nhiều giải pháp, trong đó, tập trung nâng cao nhận thức về phòng, chống đuối nước và trang bị kỹ năng chống đuối nước cho người dân, trẻ em.

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội là đơn vị nòng cốt, phối hợp sở, ngành liên quan thực hiện Chương trình bơi an toàn phòng, chống đuối nước trẻ em trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2030. Chương trình đề ra mục tiêu, các xã, phường, thị trấn phấn đấu đạt 60% trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước vào năm 2025 và 70% vào năm 2030; 50% trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi biết bơi an toàn vào năm 2025 và 60% vào năm 2030; 70% học sinh lớp 3 bậc Tiểu học, lớp 7 bậc Trung học Cơ sở và lớp 10 bậc Trung học Phổ thông được phổ cập bơi vào năm 2025 và 90% vào năm 2030. Cùng với đó là giảm 10% số trẻ em đuối nước vào năm 2025 và 20% vào năm 2030 so với năm 2020.

Để đạt mục tiêu trên, ngành chức năng cùng các địa phương trên địa bàn tỉnh tăng cường phối hợp các ngành trong công tác truyền thông nâng cao nhận thức về phòng, chống đuối nước cho trẻ em trên phương tiện thông tin đại chúng.

Một trong những giải pháp hữu hiệu tỉnh triển khai là phối hợp các ngành, nhà trường mở lớp phổ cập bơi cho trẻ. Sở Giáo dục và Đào tạo được giao nhiệm vụ xây dựng kế hoạch dạy bơi cho học sinh, tổ chức phổ cập bơi cho các em; phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn từng trường học, lớp học, học sinh kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước trẻ em, kỹ năng xử lý tình huống khi gặp nguy hiểm bất ngờ trong môi trường nước.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thị Kim Chi cho biết, hằng năm, đơn vị đều ban hành kế hoạch tổ chức lớp phòng, chống tai nạn đuối nước cho lực lượng giáo viên, cán bộ văn hóa thông tin cơ sở, cộng tác viên thể dục thể thao trên toàn tỉnh (6 lớp với gần 300 học viên). Qua đó, tạo được mạng lưới cộng tác viên bơi lội rộng khắp; cập nhật kiến thức về phổ cập bơi và phòng, chống đuối nước để tổ chức giảng dạy các lớp tại địa phương; khai thác hồ bơi hiện có trên địa bàn cũng như hệ thống hồ bơi được trang bị trong trường học một cách hiệu quả nhất.

Theo thống kê, Tiền Giang hiện có khoảng 52 hồ bơi quy mô nhỏ, trong đó, có 16 hồ bơi cố định trong các trường Tiểu học, Trung học Cơ sở; 36 hồ bơi di động đáp ứng yêu cầu phổ cập bơi phòng, chống đuối nước cho học sinh. Toàn tỉnh có 14 trường Trung học Phổ thông có bể bơi. Tuy còn một số khó khăn trong khai thác, sử dụng, nhưng các hồ bơi đáp ứng phần nào nhu cầu học bơi của học sinh.

Hữu Chí (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/phong-chong-tai-nan-duoi-nuoc-o-tre-em-20240325184419178.htm