Phòng, chống sạt lở đất - Nỗi lo vẫn còn

Những năm qua, huyện Định Hóa đã triển khai nhiều giải pháp phòng, chống sạt lở đất để đảm bảo an toàn tài sản, tính mạng và ổn định cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, với địa hình đồi núi chia cắt, người dân sinh sống dưới các ta luy dương khá lớn nên nguy cơ sạt, trượt đất đá vào nhà ở vẫn còn cao.

Ngôi nhà của gia đình chị Hoàng Thị Thắm (ở xóm Thái Trung, xã Quy Kỳ, Định Hóa) bị đất đá sạt trượt vùi lấp một phần phía sau.

Những ngày cuối tháng 3 vừa qua, thời tiết mưa lớn đã khiến gia đình anh Bùi Xuân Tiệp (ở xóm Thái Trung, xã Quy Kỳ) thấp thỏm lo lắng, sợ đất đá từ trên đồi cao sạt trượt vào nhà. Ngôi nhà anh đang ở chỉ cách ta luy dương (35-40m) hơn 2m.

Anh Tiệp cho biết: Từ năm 2021 đến nay, đất trên đồi liên tục trượt xuống, có lần lượng đất đá lớn tràn cả vào nhà. Hiện nay, gia đình tôi phải xây tường chắn tạm thời để ngăn đất. Sợ nhất khi mưa to sẽ tiềm ẩn mối nguy hiểm.

Nhà chị Hoàng Thị Thắm ở gần đó cũng đang bị vùi lấp quá nửa nên gia đình không dám ở mà phải dựng một ngôi nhà tạm (cách nhà cũ khoảng 7-8m). Chị Thắm chia sẻ: Ngôi nhà cũ bị đất đá vùi lấp 1 phần, nơi ở mới vẫn có nguy cơ sạt lở nhưng vì không còn nơi nào khác nên gia đình tôi phải bám trụ lại đây. Cả khu vực này hiện có 5 hộ bị ảnh hưởng bởi sạt lở đất. Năm trước, huyện Định Hóa đã thực hiện cải tạo, giật cấp ta luy dương, di chuyển hàng nghìn m3 đất sạt trượt đi nơi khác. Tuy nhiên, liên kết địa chất kém và ta luy dương cao nên nguy cơ sạt trượt đất, đá vẫn rất cao.

Ông Lâm Đức Quỳnh, Chủ tịch UBND xã Quy Kỳ, cho biết: Qua rà soát, trên địa bàn xã có 51 hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét. Trong đó, điểm nguy hiểm, cấp bách nhất là ở xóm Thái Trung. Nếu muốn xử lý triệt để thì phải hạ gần như hết quả đồi cao khoảng 35m, với chiều dài 70-80m. Hiện tại, chính quyền địa phương không cho người dân xây nhà mới tại khu vực này. Chúng tôi đẩy mạnh tuyên truyền để những hộ nếu có đất ở nơi khác thì di dời và nâng cao cảnh giác, nhất là vào thời điểm mưa bão.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng huyện Định Hóa, khu vực các xã phía Bắc của huyện gồm: Quy Kỳ, Linh Thông, Tân Thịnh, Kim Phượng, Lam Vỹ… có nguy cơ sạt lở, lũ quét nhiều hơn cả bởi địa hình đồi núi dốc. Từ năm 2022 đến nay, trên địa bàn huyện Định Hóa xảy ra hàng chục vụ sạt trượt, tuy không làm ai bị thương, nhưng ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân.

Ông Mông Đình Tinh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Định Hóa, cho biết: Trên địa bàn huyện có một điểm sạt lở nguy hiểm, trong đó điểm sạt lở đá ở xóm Nà Khao, xã Trung Hội, đã được xử lý đảm bảo an toàn. Còn khu vực đèo So, nằm trên Quốc lộ 3C; xóm Thái Trung (xã Quy Kỳ) và một số khu vực khác mặc dù đã xử lý bằng cách giật cấp, hạ độ cao ta luy dương, nhưng vẫn tiềm ẩn nguy hiểm. Hàng năm, huyện đều rà soát các hộ nằm trong vùng bị ảnh hưởng để đưa ra phương án phòng chống sạt, trượt nhằm đảm bảo an toàn tài sản và tính mạng của người dân. Trước đây, có 28 hộ dân ở xã Kim Phượng làm đơn được di chuyển nhà ở khỏi nơi có nguy cơ sạt lở, lũ quét, nhưng vừa qua lại xin ở lại và mong muốn được san gạt, hạ độ cao ta luy dương. Huyện đang xem xét các phương án để đảm bảo an toàn cho người dân.

Mặc dù các hộ dân có nhà ở dưới chân ta luy dương nguy hiểm, nhưng việc di dời đến nơi ở khác rất khó khăn do quỹ đất hạn chế và nguồn vốn đầu tư lớn. Đặc biệt, người dân sinh sống gắn liền với đất canh tác nên việc di chuyển đến nơi ở khác, cách xa nương rẫy sẽ không thuận tiện. Việc san gạt, giật cấp, hạ độ cao ta luy dương được cho là giải pháp thuận tiện hơn, nhưng chi phí khá lớn nên rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/thoi-su-thai-nguyen/202404/phong-chong-sat-lo-dat-noi-lo-van-con-0e91d5d/