Phòng chống đuối nước trẻ em: Cần nâng cao kỹ năng bơi lội

Nghỉ hè là thời điểm các em nhỏ tạm gác lại chuyện đèn sách để vui chơi thỏa thích, tự thưởng cho mình những chuyến đi tham quan, dã ngoại... Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm dễ xảy ra những vụ tai nạn đuối nước đáng tiếc, khiến nhiều gia đình bất an, thấp thỏm.

Ảnh minh họa

Do đó, việc phòng chống đuối nước phải xem là chuyện cấp bách nhất, cần thiết nhất. Để làm được điều này, trẻ em cần được trang bị những kiến thức về đuối nước và nâng cao kỹ năng bơi lội an toàn.

Nhiều vụ đuối nước thương tâm

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, đuối nước đã cướp đi hàng nghìn sinh mạng người Việt Nam mỗi năm, trong đó chủ yếu là trẻ nhỏ. Số trẻ tử vong vì đuối nước bằng số lượng trẻ tử vong do các nguyên nhân khác cộng lại. Con số này khiến dư luận và xã hội không khỏi bàng hoàng, lo lắng.

Gần đây nhất, ngày 20/4, 4 học sinh lớp 12 của Trường THPT Huỳnh Ngọc Huệ (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) rủ nhau đi tắm suối tại Khu du lịch Suối Mơ (xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc), và 2 em đã bị đuối nước tử vong.

Trước đó, ngày 11/4, sau khi đi học về, 4 học sinh cấp 2 tại Gia Lai rủ nhau ra hồ nước trên địa bàn chơi đùa. Tại đây, hai em nhỏ khoảng 10 tuổi xuống hồ tắm không may bị đuối nước tử vong. Hồi cuối tháng 3, cũng trên địa bàn tỉnh Gia Lai, một nhóm 5 em học sinh lớp 6 của Trường THCS Chu Văn An, xã Ia O, huyện Ia Grai rủ nhau đi tắm sông, 4 em bị đuối nước không qua khỏi.

Cũng những ngày qua, 2 em nhỏ trong nhóm học sinh Trường THCS Trần Phú, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông thiệt mạng khi rủ nhau xuống hồ nước ở trung tâm thị xã để tắm. Hay trước đó là vụ việc 2 anh em ruột Ưng Hoàng Long (12 tuổi) và Ưng Hoàng Quân (4 tuổi) ở TP. Tam Kỳ tử nạn khi rớt xuống hố nước sâu công trình.

Chắc hẳn dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại vụ đuối nước thương tâm khiến 9 học sinh Trường THCS Nghĩa Hà (tỉnh Quảng Ngãi) tử vong vào năm 2016. Vụ việc xảy ra vào khoảng 12h ngày 15/4/2016 khi người dân xung quanh khu vực sông Trà Khúc thuộc thôn Thanh Khiết, xã Nghĩa Hà nghe tiếng la thất thanh nên chạy đến ứng cứu, khi mọi người chạy đến nơi thì thấy nhóm học sinh chới với giữa dòng sông. Nhiều người dân bất chấp nguy hiểm lao xuống dòng sông để cứu, nhưng không kịp. Vụ việc đã khiến nhiều gia đình chìm trong nỗi đau tột cùng.

Do đó, mùa hè là thời điểm các gia đình cần nâng cao ý thức trong việc tìm hiểu và áp dụng những biện pháp phòng tránh đuối nước cho trẻ nhỏ.

Vậy phòng chống đuối nước như thế nào?

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em, trong đó, nguyên nhân phổ biến dẫn tới những tai nạn đuối nước thương tâm là do thiếu sự giám sát của người lớn, chủ quan của bố mẹ để trẻ tự do vui chơi tại những khu vực nguy hiểm như sông, suối, ao, hồ.

Tai nạn đuối nước cũng một phần do trẻ không biết bơi, chưa được dạy kỹ năng bảo đảm an toàn và xử lý tình huống khi bơi và không có kỹ năng cứu đuối.

Ngoài ra, phải kể đến một thực trạng là khi các em cứu lẫn nhau, do chưa có kiến thức trong việc cấp cứu, sơ cứu người bị chết đuối, dẫn đến tình trạng số lượng trẻ bị chết đuối tăng lên...

Để phòng đuối nước cho trẻ, việc đầu tiên và quan trọng nhất là dạy trẻ biết bơi. Hiện nay nhận thức của xã hội về tầm quan trọng phải dạy bơi cho trẻ đã nâng cao hơn trước. Khá nhiều trường mở cửa dịp hè và dạy bơi miễn phí cho học sinh. Một số địa phương đã khởi động xây dựng bể bơi, đưa vào hoạt động các trung tâm dạy bơi đã phần nào đáp ứng nhu cầu của xã hội. Thêm vào đó là chủ trương xã hội hóa giáo dục, kêu gọi sự chung tay của gia đình và các đoàn thể xã hội trong việc phổ cập bơi lội đang phát huy vai trò và đem lại những kết quả tích cực.

Tuy nhiên, theo bà Vũ Thị Kim Hoa, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH), công tác phòng, chống đuối nước trẻ em phần lớn vẫn dừng lại ở các văn bản chỉ đạo. “Nhận thức của các cấp, các ngành, của cộng đồng, của cha mẹ, người chăm sóc trẻ và bản thân trẻ vẫn còn hạn chế. Việc dạy bơi cho trẻ gặp nhiều khó khăn do thiếu giáo viên dạy bơi và thiếu bể bơi, đặc biệt là các xã nghèo, vùng khó khăn”, bà Hoa nhận định.

Tình trạng thiếu bể bơi, thiếu kỹ thuật bơi căn bản cũng là yếu tố ảnh hưởng tới việc dạy trẻ kỹ năng này. Vì vậy, một giải pháp là các nhà trường có thể dạy kỹ năng bơi cho trẻ tại trường học như một chương trình bắt buộc. Cần cảnh báo trẻ về những nơi tiềm ẩn nguy cơ đuối nước như sông, suối, ao, hồ, những vùng nước sâu.

Đối với các bể bơi, cần lưu ý các em chỉ bơi ở những nơi có người và phương tiện cứu hộ và đặc biệt phải tuân thủ các quy định của bể bơi, khu vực bơi. Khi trẻ đi bơi cần phải luôn bên cạnh, trông chừng và theo dõi trẻ, tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra. Cần bảo đảm trẻ luôn mang theo phao khi đi bơi và đi tàu thuyền.

Ở nhà có trẻ nhỏ tốt nhất không nên để những lu nước, thùng nước, nếu bắt buộc phải có (như vùng phải tích trữ nước ngọt để dùng) nên đậy thật chặt để trẻ em không mở nắp được.

Bên cạnh đó, việc trang bị kỹ năng cứu đuối cực kỳ quan trọng. Không phải ai cũng có khả năng cứu người đuối nước ngoại trừ những người được đào tạo kỹ lưỡng hoặc gắn bó lâu năm với sông nước. Chính vì vậy, đối với trẻ nhỏ, phải thật bình tĩnh và nhanh chóng tìm sự cứu trợ từ người lớn thay vì cứ lao mình xuống dòng nước.

Bộ LĐ-TB&XH đang xây dựng dự thảo đề xuất chính sách hỗ trợ phòng chống đuối nước trẻ em. Theo đó, mục tiêu đến năm 2020 trên 80% trẻ em từ 6-15 tuổi được học bơi, học kỹ năng an toàn trong môi trường nước. 100% các tỉnh, thành phố kiện toàn mạng lưới dịch vụ dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn cho trẻ em 6-15 tuổi. 100% các tỉnh, thành phố xây dựng được đội ngũ giáo viên dạy bơi theo chương trình bơi an toàn. 100% số xã, phường thực hiện loại bỏ các nguy cơ gây đuối nước trẻ em.

BP

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/doi-song/phong-chong-duoi-nuoc-tre-em-can-nang-cao-ky-nang-boi-loi/303867.vgp