Phòng, chống dịch ngày tết: Giám sát kỹ, không chủ quan

Đó là tinh thần chỉ đạo của ngành y tế trong việc theo dõi sát sao các dịch bệnh đông - xuân cùng dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi theo khuyến cáo…

Đo thân nhiệt hành khách nhập cảnh qua Cảng hàng không quốc tế Phú Bài. Ảnh: CDC

Chuẩn bị thuốc men, vật tư, nhân lực

Tiết trời nắng mưa xen kẽ những ngày cận tết là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển và gia tăng mật độ muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết (SXH). Tình hình dịch bệnh này có giảm so với năm trước, song vẫn nổi lên địa bàn có nhiều ca bệnh, như An Cựu, Tây Lộc, Phước Vĩnh… Trước Tết Nguyên đán, Trung tâm Y tế (TTYT) TP. Huế phối hợp với trạm y tế 12 xã, phường tổ chức thau vét bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi, ở những địa bàn nguy cơ dịch bùng phát. Đợt này, đơn vị cũng tiến hành thau vét bọ gậy và phun chủ động hóa chất diệt muỗi tại 36 tổ của 12 xã, phường với hơn 11 ngàn hộ dân.

Bên cạnh đó, lực lượng chức năng còn tuyên truyền, hướng dẫn cộng đồng triển khai các biện pháp phòng, chống SXH tại gia đình như diệt muỗi, loại trừ loăng quăng/bọ gậy ở các vật dụng chứa nước, dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi. Nếu có thành viên nghi ngờ mắc SXH, phải đến ngay cơ sở y tế để thăm khám và điều trị.

Thời gian tới, TTYT TP. Huế tiếp tục điều tra chỉ số bọ gậy tại các khu vực nguy cơ cao, tham mưu chính quyền các phường, xã triển khai các giải pháp khi chỉ số vượt mức an toàn, nhằm khống chế và giảm tỷ lệ mắc SXH trên địa bàn. BSCKI. Trần Ngọc Thành Nhân, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật và HIV/AIDS TTYT TP. Huế thông tin: “Ngày tết, khoa đều phân công trực tết, báo cáo ca bệnh hàng ngày theo biểu mẫu. Trường hợp cần thiết/tình huống khẩn cấp sẽ huy động nhân lực hỗ trợ. Chúng tôi vẫn duy trì giám sát các ca bệnh SXH ghi nhận, tay chân miệng, liên cầu lợn… như thường lệ”.

Không chỉ TTYT TP. Huế, ngành y tế các huyện, thị xã đều đã triển khai công tác phòng, chống dịch và ký kết với các ban ngành liên quan trong kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh ở người. Các TTYT đều chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất, thuốc, nhân lực đảm bảo cho công tác phòng, chống các loại dịch bệnh.

Theo ThS.BSCKII. Nguyễn Lê Tâm, Phó Giám đốc phụ trách CDC tỉnh, giáp tết, đơn vị đã thành lập các đoàn kiểm tra giám sát công tác phòng, chống dịch ngày tết. Mục đích là rà soát lại vật tư, thuốc men, hóa chất ở các huyện, thị xã và các phương án xử lý khi tình huống dịch xảy ra; theo dõi các bệnh truyền nhiễm thường xuyên, ngộ độc thực phẩm, mặt bệnh mới nổi. Thời tiết giao mùa cũng khiến các ca mắc cúm gia tăng, cùng với đó là các bệnh liên quan đến đường hô hấp, nguy cơ ngộ độc thực phẩm… Vì vậy, các chuyên gia y tế khuyến cáo duy trì đeo khẩu trang ở những nơi đông người, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; súc miệng, họng. Ăn uống đủ chất, giữ ấm cơ thể và thể dục thể thao. Người cao tuổi, có bệnh lý nền, thai phụ… khi có dấu hiệu mắc bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Chốt cửa khẩu, giám sát ca bệnh COVID-19

TP. Hồ Chí Minh vừa phát hiện biến thể phụ JN.1 của SARS-CoV-2, biến thể này được WHO xếp vào nhóm "biến thể đáng quan tâm", bởi nó là nguyên nhân gây ra tình trạng gia tăng ca mắc, ca tử vong ở một số quốc gia. Ngoại trừ biến thể EG.5, các biến thể phụ khác trong 5 biến thể được WHO theo dõi đều xuất hiện TP. Hồ Chí Minh. Trong khoảng 100 bệnh nhân SARS-CoV-2 đang điều trị nội trú thì khoảng 20 ca bệnh phải thở ô-xy thuộc diện có bệnh nền và chưa tiêm đủ các mũi vắc-xin phòng COVID-19.

Như thường lệ, ngày tết, tại sân bay, cảng biển luôn có lực lượng y tế trực làm nhiệm vụ. ThS.BS. Trần Đạo Phong, Trưởng khoa Kiểm dịch Quốc tế CDC thông tin: “Hành khách nhập cảnh đi qua khu vực đo thân nhiệt, nếu có biểu hiện sốt sẽ được chuyển vào phòng cách ly, khai thác tiền sử dịch tễ, khám sơ bộ. Nếu nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A sẽ chuyển trung tâm y tế sở tại cách ly, xét nghiệm khẳng định, đồng thời tiến hành phun khử trùng phương tiện và khu vực cửa khẩu theo quy định”.

Theo kế hoạch, trường hợp nghi ngờ hoặc mắc bệnh viêm phổi cấp, Sở Y tế sẽ chỉ đạo các đơn vị phối hợp triển khai công tác phòng, chống dịch: Đối với Cảng hàng không quốc tế Phú Bài phối hợp tới TTYT TX. Hương Thủy; Cảng Chân Mây, phối hợp với TTYT Phú Lộc; Cửa khẩu Hồng Vân, A Đớt phối hợp với TTYT A Lưới để vận chuyển bệnh nhân về khu cách ly. Sở Y tế chỉ đạo CDC tỉnh theo dõi diễn biến các ca COVID-19 nhập viện, giám sát các biến thể của bệnh này.

TTYT TX. Hương Thủy hướng dẫn các trạm y tế chuẩn bị sẵn sàng cơ số máy móc, hóa chất, trang thiết bị với 11 máy phun, 15 lít hóa chất diệt côn trùng, 50kg cloramin B. Cử nhân Trương Thị Ngọc Diệp, Phó khoa Kiểm soát bệnh tật - Y tế công cộng - An toàn thực phẩm cho biết: “Chúng tôi trang bị sẵn 425 test COVID-19, máy thở, máy tạo ô-xy ở khu vực cách ly tại Khoa truyền nhiễm. Giai đoạn COVID-19, đơn vị đã tiếp nhận cách ly, điều trị các ca nghi ngờ từ Cảng hàng không Phú Bài chuyển về nên đã có nhiều kinh nghiệm trong xử lý, điều trị”.

Bộ Y tế vừa có công văn yêu cầu các địa phương tăng cường rà soát, bảo vệ nhóm nguy cơ lây nhiễm trong bối cảnh xuất hiện biến thể phụ JN.1 của SARS-CoV-2. Hiện, các tỉnh, thành đã tổng hợp trên 100.000 người có nhu cầu tiêm vắc-xin, Bộ Y tế sẽ phân bổ sớm phục vụ tiêm chủng cho đối tượng có nguy cơ. Tại TTYT TP. Huế, một số trường hợp tiêm vắc-xin này trong những ngày giáp tết, trong đó có học sinh và người chưa tiêm đủ mũi phòng COVID-19. Người dân có nhu cầu có thể liên hệ với các trạm y tế nơi mình ở để đăng ký tiêm sớm.

LINH TUỆ

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/chinh-tri-xa-hoi/phong-chong-dich-ngay-tet-giam-sat-ky-khong-chu-quan-137581.html