Phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi: Kinh nghiệm của Hữu LũngTin khácThanh niên phát huy vai trò bảo vệ nền tảng tư tưởng của ĐảngNgành ngân hàng: Ngăn chặn kịp thời hành vi lừa đảo chuyển tiền qua mạng

Trên địa bàn tỉnh, bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) từ đầu năm 2022 đến nay tái phát mạnh ở 10 huyện và thành phố. Tuy nhiên trên địa bàn huyện Hữu Lũng, từ đầu năm 2022 đến nay không có ổ bệnh phát sinh.

Theo báo cáo của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp (DVNN) huyện Hữu Lũng, hiện trên địa bàn huyện có tổng đàn lợn khoảng 20.000 con, trong đó có 4 trang trại nuôi lợn với quy mô lớn từ 1.000 đến 2.000 con. Còn lại là các gia trại, hộ gia đình nuôi từ 10 đến 50 con.

Người chăn nuôi lợn tại xã Đồng Tiến chủ động phun thuốc khử trùng chuồng trại

Người chăn nuôi lợn tại xã Đồng Tiến chủ động phun thuốc khử trùng chuồng trại

Trước năm 2022, trên địa bàn huyện đã từng xuất hiện nhiều ổ bệnh DTLCP tại các xã, thị trấn, làm chết hàng nghìn con lợn khiến người chăn nuôi lợn bị thiệt hại nặng nề. Bà Hoàng Thị Nhung, Giám đốc Trung tâm DVNN huyện cho biết: Trong điều kiện chống dịch gặp rất nhiều khó khăn, ngay từ đầu năm, Trung tâm DVNN huyện đã tham mưu cho lãnh đạo UBND huyện chỉ đạo các cấp, ngành chức năng của huyện huy động tổng lực các biện pháp, phòng, chống dịch bệnh.

Cụ thể, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Trung tâm DVNN huyện, chính quyền các xã, thị trấn triển khai các biện pháp phòng bệnh dịch ngay từ cơ sở. Theo đó, các ngành chuyên môn và thú y viên cơ sở tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi tập trung thực hiện các biện pháp vệ sinh, tiêu độc khử trùng, ngăn ngừa virus DTLCP lây lan bằng việc thường xuyên phun thuốc tiêu độc khử trùng khu vực chuồng trại (2 lần/tuần). Chỉ tính riêng từ đầu năm 2022 đến nay, nguồn hóa chất phục vụ khử trùng tiêu độc, hỗ trợ cấp cho các hộ chăn nuôi lợn phòng dịch bệnh lên đến hơn 1.000 lít. Ngoài ra, qua hướng dẫn của cán bộ thú y, các hộ chăn nuôi lợn đã chủ động mua và sử dụng hơn 10 tấn vôi bột phục vụ công tác khử trùng xung quanh khu vực chăn nuôi.

Ông Nông Khắc Tạo, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hữu Lũng cho biết: Với mục tiêu phát triển chăn nuôi lợn đảm bảo an toàn dịch bệnh, thời gian qua, huyện vận động, hướng dẫn các hộ chăn nuôi theo quy mô lớn, tập trung và thực hiện nghiêm quy trình an toàn vệ sinh trong chăn nuôi. Qua đó, hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh của các trang trại, gia trại và hộ gia đình được nâng lên đáng kể.

Với việc định hướng phát triển chăn nuôi lợn theo hướng tập trung, ngoài các trang trại, gia trại, đến nay, trên địa bàn huyện không còn hộ chăn nuôi lợn nào có quy mô dưới 10 con. Ngoài ra, các hộ chăn nuôi lợn đã từng bước thực hiện chăn nuôi tập trung, khép kín. Qua đó, vừa nâng cao hiệu quả chăn nuôi và hạn chế dịch bệnh phát sinh. Đặc biệt, theo thông tin từ Trung tâm DVNN huyện, hầu hết các trang trại, gia trại và hộ chăn nuôi trên địa bàn trong thời gian qua đều đã chủ động được con giống. Cụ thể, các hộ chăn nuôi lợn ở huyện ít nhất cũng nuôi thêm 2 hoặc 3 lợn nái/hộ để chủ động về giống.

Bên cạnh đó, kinh nghiệm rút ra trong phòng, chống DTLCP trên địa bàn huyện chính là sự chủ động từ người dân. Trong đó, khu vực chăn nuôi được được áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học và cách ly nghiêm ngặt tránh mầm bệnh xâm nhiễm. Ông Hoàng Văn Dự, chủ trang trại nuôi lợn tại xã Minh Hòa chia sẻ: Hiện trang trại của tôi đang nuôi khoảng 2.000 con lợn thương phẩm và 200 lợn nái. Hằng ngày công nhân đều thực hiện rải vôi bột quanh khu vực chuồng trại chăn nuôi, lối ra vào chuồng trại. Cùng đó, hóa chất sát trùng được phun định kỳ 3 lần/tuần. Công nhân phụ trách chăn nuôi khi ra vào khu vực chăn nuôi đều phải thực hiện khử trùng và mang bảo hộ đầy đủ. Ngoài người trực tiếp chăn sóc, cho lợn ăn thì người ở các bộ phận khác đều hạn chế tối đa vào khu vực chăn nuôi lợn nhằm không để mầm bệnh từ bên ngoài xâm nhiễm vào khu chăn nuôi.

Qua hơn 7 tháng không phát sinh ổ bệnh DTLCP nào trên địa bàn huyện Hữu Lũng cho thấy việc thực hiện nghiêm các quy trình chăn nuôi an toàn sinh học cùng với việc phát triển chăn nuôi quy mô lớn, tập trung của huyện đã đạt được kết quả bước đầu khả quan. Hướng phát triển chăn nuôi lợn ở Hữu Lũng thời gian qua không chỉ mang lại hiệu quả trong công tác phòng, chống bệnh DTLCP mà còn góp phần thúc đẩy chăn nuôi lợn theo hướng bền vững.

TRÍ DŨNG - HOÀNG CƯỜNG

DƯƠNG DUYÊN

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/xa-hoi/518981-phong-chong-benh-dich-ta-lon-chau-phi-kinh-nghiem-cua-huu-lung.html