Phối hợp kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu: Còn sự 'lệch nhịp' giữa các ngành

Ngành Hải quan là ngành tiên phong, đi trước, đi đầu trong cải cách, hiện đại hóa hoạt động nghiệp vụ. Tuy nhiên, việc giảm thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu chưa thực sự bứt phá. Nguyên nhân là do sự 'lệch nhịp' giữa các bộ, ngành trong vấn đề quản lý, kiểm tra chuyên ngành.

Giảm thời gian thông quan hàng hóa, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp là mục tiêu mà ngành Hải quan hướng đến. Ảnh: Châu Anh

Chồng chéo giảm nhưng vẫn còn

Theo phân tích của Ngân hàng Thế giới (WB) về thời gian, chi phí giao dịch thương mại qua biên giới, thời gian thuộc trách nhiệm của cơ quan hải quan chỉ chiếm 11% với hàng nhập khẩu và 4% với hàng xuất khẩu trong tổng thời gian xuất nhập khẩu (XNK) qua biên giới. Phần còn lại là thời gian thuộc trách nhiệm của cơ quan kiểm tra chuyên ngành (KTCN), doanh nghiệp cảng, cũng như logistics.

Đề án cải cách tác động tích cực cho doanh nghiệp và nền kinh tế

Với những nội dung cải cách quyết liệt của đề án “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu” và được thể chế hóa tại dự thảo nghị định, theo kết quả đánh giá tác động độc lập của Dự án Tạo thuận lợi thương mại do USAID tài trợ, khi nghị định được triển khai thi hành sẽ có tác động tích cực cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Ước tính trong 1 năm tiết kiệm gần 1.376 tỷ đồng cho doanh nghiệp và 9.285 tỷ đồng cho nền kinh tế.

Ghi nhận phản ánh của doanh nghiệp (DN) XNK có thể thấy, hiện nay, số lượng mặt hàng thuộc diện quản lý, KTCN còn nhiều, chưa đáp ứng yêu cầu, chỉ đạo của Chính phủ (cắt giảm 50% danh mục hàng hóa thuộc diện KTCN). Có quá nhiều văn bản quy định về quản lý, KTCN đối với hàng hóa XNK dẫn đến khó khăn trong việc tra cứu, thực hiện. Quy định nhiều nhưng chưa thống nhất giữa các văn bản, giữa quy định và thực tế triển khai.

Ngoài ra, trình tự, thủ tục còn phức tạp, chưa áp dụng hoặc áp dụng nhưng chưa hiệu quả công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính dẫn đến DN phải thực hiện nhiều bước, làm thủ tục tại nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan… Cùng một thủ tục kiểm tra nhưng có cơ quan đã xử lý trên hệ thống điện tử nhưng cũng có cơ quan vẫn thực hiện thủ công; thậm chí cùng một thủ tục của 1 nhưng các cơ quan trong cùng bộ lại thực hiện không thống nhất.

Một bất cập nữa chính là việc nguyên tắc quản lý rủi ro đã được áp dụng nhưng chưa đầy đủ, thực chất. Theo ông Âu Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Giám sát, quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan), các bộ, ngành chưa áp dụng các nguyên tắc quản lý rủi ro. Các lô hàng NK đã đạt chất lượng thì các lô hàng NK tiếp theo của cùng người NK, cùng mặt hàng đó, cùng xuất xứ, cùng tên gọi, cùng nhãn hiệu thì lại không được áp dụng kết quả của lô hàng trước. Điều này dẫn đến các lô hàng phải kiểm tra mang tính chất tràn lan và không có hiệu quả.

Đặc biệt, so với trước, sự chồng chéo trong quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa XNK có giảm, nhưng vẫn còn nhiều tồn tại. Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế của Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), nêu ra ví dụ “dở khóc dở cười” của một DN thuộc lĩnh vực nông nghiệp.

Cụ thể, liên quan đến mặt hàng đông trùng hạ thảo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý vì cho rằng hàng hóa có nguồn gốc thực vật, nhưng Bộ Y tế cũng quản lý vì cho rằng đây là dược phẩm. Ngay trong Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Cục Bảo vệ thực vật cho rằng thuộc quyền quản lý, vì liên quan đến nguồn gốc thực vật, nhưng một cơ quan khác cũng quản lý vì cho rằng có yếu tố động vật.

Kỳ vọng vẫn chỉ là kỳ vọng

Vướng mắc về KTCN đã trở thành "nút thắt" lớn nhất trong thủ tục XNK của Việt Nam và đáng nói, thực trạng này đã diễn ra từ lâu, nhắc tới nhiều lần, đã triển khai một số cải cách nhưng chưa giải quyết được căn cơ vấn đề.

Mới đây, Chính phủ đã phê duyệt đề án “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu”. Căn cứ đề án, cơ quan hải quan đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng dự thảo nghị định quy định cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra nhà nước về chất lượng và kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.

Theo ông Âu Anh Tuấn, dự thảo nghị định đã kế thừa các thông lệ tiên tiến nhất trong lĩnh vực kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm trước đây. Đồng thời, dự thảo cũng đưa ra những nội dung cải cách bám theo đề án. Trong đó, cơ quan hải quan sẽ là đầu mối trong việc kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm để hướng tới DN chỉ phải tiếp xúc với một đầu mối duy nhất, trong thực hiện thủ tục KTCN tại cửa khẩu, không phải đi các cơ quan khác tại nhiều địa chỉ khác nhau để thực hiện như hiện nay.

Khi dự thảo nghị định lần đầu tiên được công bố, DN đã rất kỳ vọng đây sẽ là một chương trình cải cách thiết thực nhằm tháo gỡ các vướng mắc về KTCN. Tuy lợi ích rất lớn, nhưng sau hơn 1 năm từ khi bản dự thảo đầu tiên được phát ra, hàng chục lần lấy ý kiến, hàng chục cuộc họp, hội thảo đã được tổ chức với cán bộ, cơ quan, DN để chỉnh lý hoàn thiện. Bộ Tài chính cũng đã chính thức trình Chính phủ 5 lần, họp Thường trực Chính phủ 2 lần, song đến nay dự thảo vẫn chỉ là dự thảo. Kỳ vọng vẫn chỉ là kỳ vọng và người dân, DN vẫn mòn mỏi đợi chờ.

Ông Đậu Anh Tuấn chia sẻ: Hiện nay, dự thảo này đang gặp phải sự phản đối của khá nhiều bộ, ngành. Các đơn vị e ngại sẽ bị mất quyền, không được thực hiện các nhiệm vụ như trước đây khi thực hiện các cải cách, đổi mới cơ chế trong quản lý KTCN trong lĩnh vực an toàn thực phẩm như bản dự thảo nêu ra.

Một bàn tay không thể vỗ thành tiếng. Việc cải cách không bao giờ là dễ dàng. Nhưng để cải thiện Chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới và chỉ số chung về môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia thì việc giảm thời gian thông quan hàng hóa, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp là vô cùng quan trọng. Muốn làm được, sự cố gắng của một ngành là không đủ. Điều cần thiết chính là sự thống nhất, đồng bộ của cả hệ thống.

Ông Lê Duy Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp logistics Việt Nam: Cần sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành để giảm thời gian thông quan

Ông Lê Duy Hiệp

Những bất cập về KTCN đang là rào cản đối với hoạt động XNK hàng hóa. Thời gian thông quan hàng hóa thuộc thẩm quyền của cơ quan hải quan chỉ chiếm khoảng 30%. Điều này cho thấy, giảm thời gian thông quan không chỉ phụ thuộc vào cơ quan hải quan mà cần sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành. Cái lớn nhất là giảm chi phí tuân thủ hành chính của DN, bởi đây là chi phí rất lớn, có liên quan đến KTCN. Về lâu dài, để cải cách khâu này, theo tôi đầu mối cuối cùng nên giao cho cơ quan hải quan để thuận lợi cho DN. Bởi vì, cơ quan đại diện cuối cùng quyết định việc thông quan hàng hóa là cơ quan hải quan. Hiện nay, ở nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc... cơ quan hải quan là đầu mối chấp thuận thông quan.

Trước mắt, KTCN hiện nay chưa thể đưa về một đầu mối thì cần tăng cường chuyển đổi số trong lĩnh vực này để DN không phải in chứng từ giấy về KTCN, không phải đi lại nhiều...

Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, kiêm Trưởng ban Pháp chế VCCI: Nỗ lực chuyển đổi số của ngành Hải quan rất đáng trân trọng

Ông Đậu Anh Tuấn

Mặc dù đã đạt được những thành công và được cộng đồng DN ghi nhận, nhưng thực tế cho thấy, DN vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện các chính sách liên quan đến các hoạt động trong lĩnh vực thương mại qua biên giới, trong đó có KTCN. Trên thực tế, kết quả đo thời gian giải phóng hàng tại cửa khẩu chỉ có trên 30% thời gian thông quan liên quan đến thủ tục hải quan, còn lại của các bộ, ngành khác.

Trong thời gian qua, sự nỗ lực của ngành Hải quan trong chuyển đổi số, ứng dụng quy trình quản lý hiện đại để kéo giảm thời gian thông quan là rất đáng trân trọng. Cơ quan hải quan sẵn sàng lắng nghe để thay đổi và kết quả mang lại rất rõ rệt, được DN đánh giá cao.

Đông Mai (ghi)

Hồng Vân

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/phoi-hop-kiem-tra-chuyen-nganh-hang-hoa-xuat-nhap-khau-con-su-lech-nhip-giua-cac-nganh-130283.html