Phối hợp, gỡ khó cùng các hãng hàng không quốc tế

Đại diện Hiệp hội các hãng hàng không (AOC) vừa kiến nghị ngành hàng không Việt Nam thành lập Ủy ban phối hợp ra quyết định điều hành bay tại cảng hàng không (CDM) nhằm điều phối hoạt động của tàu bay tại cảng đạt hiệu quả cao, giảm tình trạng chậm chuyến vì lý do điều hành bay.

Kiến nghị thành lập Ủy ban phối hợp điều hành bay

Hiện có 55 hãng hàng không nước ngoài với gần 100 đường bay quốc tế đi/đến Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng về hành khách, hàng hóa luôn đạt mức trung bình 14-15% trong giai đoạn 20 năm qua. Với tốc độ tăng trưởng khá cao như trên, đại diện AOC kiến nghị ngành hàng không Việt Nam thành lập Ủy ban phối hợp ra quyết định điều hành bay tại CDM nhằm điều phối hoạt động của tàu bay tại cảng đạt hiệu quả cao, giảm thiểu tình trạng chậm chuyến vì lý do điều hành bay.

Theo thông lệ trên thế giới, tại các sân bay lớn đều phải có Hội đồng chung gồm 3 bên: Hãng hàng không, đơn vị quản lý cảng và nhà chức trách hàng không để chia sẻ thông tin, phối hợp trong điều hành bay. Cơ quan chịu trách nhiệm chính là đơn vị khai thác sân bay.

Đồng tình với kiến nghị này, ông Đinh Việt Thắng, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) cho biết, hiện nhiều sân bay lớn trên thế giới như Singapore, Trung Quốc, châu Âu đều đã có CDM, trong khi Việt Nam chưa triển khai dù VATM đã kiến nghị.

“Tại các nước trên thế giới, cơ quan chịu trách nhiệm đầu mối tại sân bay chính là đơn vị khai thác sân bay. Tuy nhiên, tại Việt Nam, nếu Tổng Công ty Cảng hàng không (ACV) không đảm nhận được việc điều hành này thì VATM sẽ đảm nhận việc quản trị CDM. Còn nếu cứ để tình trạng như hiện nay, một chuyến bay có quá nhiều đối tượng tham gia như đơn vị cung ứng xăng dầu, suất ăn, phục vụ mặt đất, hãng hàng không, quản lý sân bay rồi điều hành bay thì khó có thể vận hành tốt được”, ông Đinh Việt Thắng nhận định.

Liên quan đến kiến nghị này, ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam thông tin, hiện Trung tâm Quản lý luồng không lưu đã được thành lập tại VATM, CDM là một nội dung quan trọng của công tác quản lý luồng không lưu. Việc phối hợp ra quyết định cho tàu bay cất cánh tại sân bay liên quan đến cơ quan cấp phép bay, điều hành bay, cảng hàng không và hãng hàng không nhưng nội dung này chưa được thực hiện tại Việt Nam. Tuy nhiên, một số quốc gia đã phối hợp thử nghiệm và thực hiện, Việt Nam dự kiến sẽ tham gia thử nghiệm. Dự thảo Thông tư quy định về Quản lý và bảo đảm hoạt động bay đã đưa nội dung này vào.

“Nóng ruột” chờ mở cửa bầu trời

Mặc dù tốc độ tăng trưởng khách quốc tế do các hãng hàng không nước ngoài khai thác đến/đi Việt Nam đều ở mức tốt, nhưng nhiều hãng hàng không cũng kiến nghị Cục Hàng không Việt Nam tiến tới “mở cửa bầu trời”, cấp thương quyền 5 (quyền nhận hành khách, hàng hóa, thư tín từ quốc gia của hãng chuyển chở tới lãnh thổ nước ngoài).

Đại diện Hãng hàng không Kenya Airways cho biết, Hãng bắt đầu mở đường bay tới Việt Nam vào 31/3/2015, đây là hãng hàng không đầu tiên mở đường bay thẳng từ châu Phi tới Việt Nam nên Hãng rất mong muốn phát triển ở thị trường này.

“Hiện, Kenya Airways chỉ bay 3 chuyến/tuần tới Hà Nội, vì khách từ Hà Nội đi không đủ nên hãng thường xuyên phải bay tới Quảng Châu (Trung Quốc) để gom khách đủ chuyến đến châu Phi. Hơn một năm nay, Hãng đã kiến nghị lãnh đạo Bộ GTVT xin cấp thương quyền 5 chặng Hà Nội-Quảng Châu nhưng chưa được giải quyết”, đại diện hãng hàng không Kenya Airways bày tỏ.

Tương tự, đại diện Hãng hàng không China Airlines (Đài Loan) cũng đề nghị Cục Hàng không sớm có lộ trình “mở cửa bầu trời”, cấp thương quyền 5 cho các hãng.

Ông Lại Xuân Thanh cho biết, Việt Nam đã có chủ trương và lộ trình tự do hóa bầu trời. Tuy nhiên, việc cấp thương quyền cho các hãng hàng không nước ngoài còn phụ thuộc vào hiệp định giữa các quốc gia, trên cơ sở bảo đảm lợi ích hài hòa của các bên. Đã có hãng được cấp thương quyền 5, có hãng chưa được cấp, vì việc cấp thương quyền 5 như thế nào còn dựa trên sự đàm phán giữa các nhà chức trách với nhau.

Kế hoạch sửa chữa đường băng tại 2 sân bay lớn của Việt Nam là Nội Bài và Tân Sơn Nhất cũng đang khiến các hãng hàng không cả nội địa và quốc tế sốt ruột.

Ông Trịnh Ngọc Thành, Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines bày tỏ, để sửa chữa 2 đường băng Tân Sơn Nhất và Nội Bài, mỗi nơi mất 4 tháng, vậy mất 8 tháng trong năm sẽ ảnh hưởng đến việc phân bổ slot cho các hãng hàng không. Do đó, đề nghị Cục Hàng không đưa ra lịch sớm, thông báo cho các hãng vì việc này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch khai thác.

Ông Lại Xuân Thanh thông tin, Cục sẽ có kế hoạch sớm để gửi cho các hãng. Hơn nữa, sân bay Tân Sơn Nhất cũng đã có kế hoạch mở rộng thêm 21 ha, tăng diện tích đỗ tàu bay cũng như tăng thêm slot cho các hãng.

Phan Trang

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/doanh-nghiep/phoi-hop-go-kho-cung-cac-hang-hang-khong-quoc-te/291991.vgp