Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang: Phân cấp không khéo sẽ mất cán bộ

Theo Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, nguyên tắc lớn nhất của 8 cơ chế đặc thù cho các chương trình mục tiêu quốc gia là phân cấp mạnh. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng đặt vấn đề, không phải cái nào cũng giao được, 'nếu không khéo chúng ta sẽ mất cán bộ'.

Ngày 16/1, sau khi nghe các tờ trình, báo cáo thẩm tra tại hội trường, Quốc hội đã thảo luận tại tổ và hội trường cùng ngày về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG).

Làm rõ mức vốn cấp tỉnh, huyện được quyết định

Đại biểu Lò Thị Luyến khẳng định kết quả giám sát 3 CTMTQG là cuộc giám sát được các địa phương và cử tri rất quan tâm.

Kết quả cuộc giám sát cho thấy Quốc hội, Chính phủ đã rất cầu thị, lắng nghe, tiếp thu, ghi nhận ý kiến, kiến nghị của các địa phương và đã có nhiều giải pháp kịp thời để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện với mục tiêu là đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả của các chương trình, nhằm cải thiện, nâng cao đời sống cho người dân vùng khó khăn.

Chính phủ, các bộ, ngành đã kịp thời sửa đổi, bổ sung 11 văn bản quan trọng gồm Nghị định 27/2022/NĐ-CP về cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các CTMTQG và nhiều thông tư hướng dẫn khác, tạo thuận lợi cho các địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện

Góp ý về các cơ chế này, đại biểu Lò Thị Luyến (đoàn Điện Biên), Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên cho biết, dự thảo Nghị quyết quy định “HĐND cấp tỉnh quyết định phân bổ dự toán chi thường xuyên NSTW hằng năm của từng CTMTQG chi tiết đến dự án thành phần. Trường hợp cần thiết, HĐND cấp tỉnh quyết định phân cấp cho HĐND cấp huyện quyết định phân bổ chi tiết đến từng dự án thành phần thuộc CTMTQG”.

Băn khoăn về quy định này, đại biểu nêu câu hỏi “Trường hợp cần thiết là trường hợp nào, khi nào là cần thiết và khi nào là không cần thiết?”. Đại biểu đề nghị phân cấp cho HĐND cấp huyện quyết định phân bổ chi tiết đến từng dự án thành phần vì việc điều chỉnh các dự án thành phần thường xuyên, nếu chờ HĐND tỉnh họp thì rất ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân.

Liên quan đến cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các CTMTQG, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên đề nghị lựa chọn Phương án 2, thí điểm áp dụng tại 1 huyện trong giai đoạn 2024 - 2025 để cụ thể hóa yêu cầu của Quốc hội tại các Nghị quyết số 100/2023/QH15 và số 108/2023/QH15, làm cơ sở để ban hành và triển khai các CTMTQG giai đoạn 2026 - 2030.

Đại biểu Lê Kim Toàn (đoàn Bình Định)

Cũng quan tâm đến cơ chế thí điểm phân cấp, đại biểu Lê Kim Toàn (đoàn Bình Định) đồng tình phân cấp, nhưng băn khoăn việc thí điểm. Bởi theo tờ trình Chính phủ đề nghị giao mỗi tỉnh chọn 1 huyện để thí điểm, trong khi thời gian tới 2025, thời gian còn rất ngắn, nên tính hiệu quả, tác động không cao.

Do đó, ông Toàn đề nghị có quy định mở là có thể thực hiện theo quy định hiện hành, hoặc phân cấp quyền quyết định sử dụng vốn cho UBND hoặc HĐND cấp tỉnh quyết định. Từ đó, giao đơn vị nào thực hiện mức độ ra sao sẽ do địa phương quyết định phù hợp thực tế, chứ không thí điểm cho cấp huyện.

Đại biểu Lê Kim Toàn cũng cho hay, người dân có tư tưởng chưa yên tâm thoát khỏi hộ nghèo, vì khoảng cách thu nhập giữa hộ nghèo và cận nghèo theo chuẩn đa chiều mới, vẫn còn mong manh. “Nếu không có hỗ trợ từ Nhà nước, khả năng tái nghèo có thể xảy ra”, đại biểu nói và đề nghị kéo dài chính sách hỗ trợ an ninh với hộ nghèo trong giai đoạn đầu mới thoát nghèo, thời gian 3-5 năm, như hỗ trợ bảo hiểm y tế, học phí và các chính sách an sinh xã hội khác.

Về cơ chế thanh toán, đại biểu Lê Kim Toàn cho rằng, cần có cơ chế linh hoạt trong dự toán, thanh quyết toán ngân sách trong cả giai đoạn cho 3 CTMTQG, để khi cần điều chỉnh thì không vướng.

Đồng ý cần phải có nghị quyết với cơ chế đặc thù, đại biểu Nguyễn Minh Đức (đoàn TP. HCM) cho biết, qua giám sát việc thực hiện CTMTQG thấy có nhiều vướng mắc, bất cập.

Về ủy thác vốn cân đối ngân sách cho địa phương, dự thảo Nghị quyết nêu HĐND cấp tỉnh, huyện được bố trí vốn cân đối. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, cần phải đối chiếu so sánh với Luật Đầu tư công, làm rõ việc cấp tỉnh và huyện sẽ được quyết định số vốn là bao nhiêu. “Quy định hiện nay là lửng lơ sẽ khó triển khai”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nêu quan điểm.

Nguyên tắc lớn nhất của các cơ chế đặc thù là phân cấp mạnh

Phát biểu thảo luận tại tổ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nêu rõ, dự thảo nghị quyết thể hiện các cơ chế mạnh mẽ chưa từng có mà các cán bộ phải làm “ngày đêm” để có. “Nếu Quốc hội bấm nút thông qua, cho dù có lựa chọn phương án nào, chúng tôi vẫn cho là thành công. Bởi 8 cơ chế trình đều khác với luật, vượt lên trên luật” - Phó Thủ tướng nói.

Bởi, theo Phó Thủ tướng, 3 CTMTQG được tổng hợp từ rất nhiều chính sách, nhiều quy định đan xen, cực kỳ phức tạp, thậm chí xung đột, nếu không gỡ không làm được. Với Nghị định 38 thay thế Nghị định 27 đã giải quyết được một phần, nay nếu thông qua chính sách đặc thù này sẽ giải quyết cơ bản được nhiều vấn đề, chỉ còn một số vấn đề của chương trình phát triển kinh tế - xã hội của đồng bào miền núi.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại tổ

Nguyên tắc lớn nhất của 8 cơ chế Chính phủ kiến nghị Quốc hội là phân cấp mạnh, tăng cường năng lực của cơ sở và đòi hỏi tăng cường kiểm tra, giám sát, trong đó có trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, vai trò của Mặt trận Tổ quốc.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng đặt vấn đề, phân cấp cho huyện, xã có kham nổi hay không? “Nếu không khéo chúng ta sẽ mất cán bộ. Điện thoại của tôi nhận được rất nhiều tin nhắn của các cán bộ ở huyện, xã gửi “xin Phó Thủ tướng đừng giao cho em, giao là em đứt”. Nên đâu đó cũng có sự phân vân về phân cấp đến đâu. Nhưng nguyên tắc phải có tính khả thi và anh em bên dưới phải làm được. Cho nên, có thể có những điều mong muốn của đại biểu mà chúng tôi cân nhắc rất kỹ nhưng chưa dám phân cấp” - Phó Thủ tướng nêu vấn đề.

Đề cập đến ý kiến của đại biểu Quốc hội đặt ra về việc phân cấp mạnh mẽ hơn cho cấp huyện, xã, Phó Thủ tướng cho biết, không phải cái nào cũng dám giao, “giao mà anh em căng quá là buông luôn”. Về phân cấp cho cấp huyện, nếu Quốc hội thông qua thì cũng phải chọn huyện đủ khả năng, cũng như có khó khăn đặc thù cần chính sách thúc đẩy.

"Hiện các tỉnh hiện đã rất linh hoạt, họp bất thường liên tục để kịp thời giải quyết. Giao cho cấp tỉnh, thành phố sẽ có cái nhìn tổng thể hơn giao cho cấp huyện, dễ phân bì" - Phó Thủ tướng nhận xét./.

Hoàng Yến

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/pho-thu-tuong-tran-luu-quang-phan-cap-khong-kheo-se-mat-can-bo-143636.html