Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Minh Tuấn là tân Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam

Đại hội V Hội Xuất bản Việt Nam (nhiệm kỳ 2023-2028) đã nhất trí bầu PGS.TS Phạm Minh Tuấn, Phó Tổng Biên tập Phụ trách Tạp chí Cộng sản là tân Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam.

Đại hội V Hội Xuất bản Việt Nam. Ảnh: Việt Linh

Ngày 12-7, Đại hội V Hội Xuất bản Việt Nam (nhiệm kỳ 2023-2028) với chủ đề “Đổi mới, hội nhập và phát triển” đã diễn ra trang trọng tại Hà Nội, với gần 250 đại biểu chính thức tham dự.

Đại hội vinh dự được nhận lẵng hoa chúc mừng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Dự đại hội có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa.

Một trong 30 Hội quần chúng được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương chúc mừng Ban Chấp hành Hội Xuất bản Việt Nam nhiệm kỳ 2023-2028.

Hội Xuất bản Việt Nam hiện có 187 hội viên, trong đó có 167 hội viên tổ chức là nhà xuất bản, các cơ sở phát hành trên cả nước, với số lượng tham gia sinh hoạt thực tế hơn 11.000 người. Với hoạt động tích cực và sáng tạo, Hội góp phần đưa ngành Xuất bản phát triển về quy mô, công nghệ, trình độ, năng lực, với hệ thống 57 nhà xuất bản, hơn 450 triệu bản sách/năm, đưa mức bình quân sách/đầu người đạt 6 bản sách/người/năm.

Báo cáo kết quả hoạt động của Hội Xuất bản Việt Nam khóa IV (nhiệm kỳ 2017-2023) và phương hướng hoạt động nhiệm kỳ 2023-2028, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam Hoàng Phong Hà nhấn mạnh, từ năm 2017 đến nay, Hội Xuất bản Việt Nam đã thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đề ra, trong đó kiện toàn 5 ban chuyên môn và xây dựng được bộ quy chế hoạt động; phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức thành công Giải thưởng Sách quốc gia; đóng góp tích cực trong Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại và Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”...

Hội Xuất bản Việt Nam đã đại diện cho hội viên tích cực tham gia ý kiến vào các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến nội dung hoạt động của Hội và của ngành Xuất bản, bảo vệ quyền lợi chính đáng của hội viên. Hội triển khai tích cực các hoạt động đối ngoại, là Chủ tịch luân phiên Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á nhiệm kỳ 2022-2023. Thông qua hoạt động tích cực của mình, Hội Xuất bản Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ngành Xuất bản, là một trong 30 Hội quần chúng được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ.

Trong nhiệm kỳ 2023-2028, Hội Xuất bản Việt Nam tập trung đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của tổ chức quần chúng được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ; tăng cường công tác động viên, tuyên truyền, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội V Hội Xuất bản Việt Nam; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động các Ban chuyên môn của Hội đáp ứng với yêu cầu về mô hình và quy trình của xuất bản, phát hành sách trong quá trình chuyển đổi số; chăm lo và bảo vệ lợi ích của hội viên, tích cực đóng góp xây dựng ngành Xuất bản Việt Nam theo hướng “tinh gọn, chất lượng, hiện đại hóa” như Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Đổi mới, nâng tầm, bứt phá hơn

Phát biểu chỉ đạo tại đại hội, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa biểu dương, chúc mừng Hội Xuất bản Việt Nam và đội ngũ những người làm xuất bản cả nước trong nhiệm kỳ vừa qua đã không ngừng đổi mới, sáng tạo, hoạt động tích cực, góp phần xây dựng một nền xuất bản mạnh.

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu. Ảnh: Việt Linh

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ nhiệm vụ cần sắp xếp ngành Xuất bản, In và Phát hành theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại hóa. Trong Thư gửi ngành nhân kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống ngành Xuất bản, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giao nhiệm vụ: “Giữ vững định hướng chính trị, tư tưởng, bảo đảm hài hòa giữa nhiệm vụ chính trị và sản xuất kinh doanh, phục hồi và phát triển mạnh mẽ văn hóa đọc; xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác xuất bản, in và phát hành sách có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng, chuyên môn, nghiệp vụ giỏi, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển và hội nhập quốc tế sâu rộng, góp phần khẳng định vị thế, vai trò là một trong những hoạt động tư tưởng sắc bén của Đảng, Nhà nước và nhân dân; là một bộ phận quan trọng của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Đây là nội dung quan trọng, vừa mang tính định hướng, vừa khẳng định vai trò của xuất bản với tư cách là thành tố của văn hóa trong phát triển ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa, qua đó giới thiệu tri thức thuộc các lĩnh vực của đời sống xã hội, giá trị văn hóa dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại, góp phần xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, tạo động lực to lớn cho sự phát triển nhanh, bền vững đất nước trong thời gian tới.

Để Hội Xuất bản Việt Nam nâng cao vị trí, vai trò, trở thành tổ chức hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả, có nhiều đổi mới, nâng tầm, bứt phá hơn nữa, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa yêu cầu ngành Xuất bản và Hội Xuất bản Việt Nam cần có những giải pháp, biện pháp cụ thể, mạnh mẽ, khả thi để đưa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống, đóng góp tích cực vào Tổng kết 20 năm thực hiện Chỉ thị 42-CT/TƯ về Nâng cao chất lượng toàn diện hoạt động xuất bản.

Theo Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Xuất bản Việt Nam cần đổi mới nội dung, phương thức, đa dạng hóa các nội dung hoạt động phù hợp trong bối cảnh thời đại 4.0, ngành Xuất bản phải triển khai hiệu quả việc chuyển đổi số, tiếp tục phát triển và thích ứng với thế giới số hóa ngày càng phát triển; chú trọng triển khai nhóm nhiệm vụ gắn với yêu cầu về phát triển văn hóa đọc và chuyển đổi số trên cơ sở nhận thức văn hóa đọc là giải pháp căn bản, chuyển đổi số là giải pháp đột phá, xây dựng ngành Xuất bản thành một ngành kinh tế - công nghệ phát triển toàn diện, vững chắc.

Bên cạnh đó, Hội cần tạo lập thêm các hình thức sinh hoạt nghề nghiệp như câu lạc bộ biên tập viên, câu lạc bộ những người làm sách trẻ, câu lạc bộ phát hành sách; tích cực tham gia các hoạt động phát triển văn hóa đọc do các bộ, ngành, địa phương tổ chức; tích cực phối hợp với các địa phương để xây dựng các phố sách...

Theo đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Hội phải tiếp tục kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực hoạt động, đáp ứng bước phát triển nhanh của xuất bản; đồng thời cần quan tâm hơn nữa đến công tác phát triển hội viên... Hội cần đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong Hội và trong các nhà xuất bản, công ty phát hành sách; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng chính trị, nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp cho hội viên.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa tặng hoa chúc mừng tân Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam Phạm Minh Tuấn. Ảnh: Việt Linh

Đại hội đã thống nhất bầu Ban Chấp hành Hội Xuất bản Việt Nam nhiệm kỳ mới gồm 37 ủy viên. Trong đó, PGS.TS Phạm Minh Tuấn, Phó Tổng Biên tập Phụ trách Tạp chí Cộng sản (nguyên Giám đốc, nguyên Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật) được tín nhiệm bầu là Chủ tịch Hội.

PGS.TS Phạm Minh Tuấn, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam phát biểu. Ảnh: Việt Linh

Các Phó Chủ tịch Hội gồm nguyên Phó Giám đốc, nguyên Phó Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật Đỗ Quang Dũng; Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Nguyên; Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương) Tống Văn Thanh; Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh Đinh Thị Thanh Thủy.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/pho-giao-su-tien-si-pham-minh-tuan-la-tan-chu-tich-hoi-xuat-ban-viet-nam-634906.html