Phó Giám đốc Bệnh viện K lý giải vì sao ngày càng nhiều người trẻ mắc ung thư

Tại Bệnh viện K, có bệnh nhân ung thư dạ dày, cổ tử cung mới chỉ 15 tuổi, ung thư đại trực tràng chưa tới 20 tuổi, ung thư vú khi 30 tuổi.

Phó giáo sư Phạm Văn Bình - Phó Giám đốc Bệnh viện K (Hà Nội) cho biết, vào những năm 1960-1980, hầu hết người bệnh ung thư đều trên 60 tuổi, liên quan tới lão hóa do tuổi tác. Nhưng hiện tại, Bệnh viện K đang ghi nhận tình trạng trẻ hóa trong một số bệnh ung thư.

Theo bác sĩ Bình, có bệnh nhân ung thư dạ dày, cổ tử cung mới chỉ 15 tuổi, ung thư đại trực tràng chưa tới 20 tuổi, ung thư vú khi 30 tuổi.

Với sự phát triển của khoa học công nghệ, các chuyên gia đã lý giải được nhiều yếu tố khiến ung thư trẻ hóa. Trong đó, lối sống hiện nay của nhiều bạn trẻ, nhất là dân văn phòng, như ăn nhanh, lười vận động là tác nhân thúc đẩy ung thư sớm.

Các bác sĩ Bệnh viện K phẫu thuật một ca ung thư phổi. Ảnh: Hà Trần

Chế độ ăn uống thiếu khoa học

Chế độ ăn nhiều chất béo, thiếu rau quả, thiếu chất, tiêu thụ quá nhiều thịt nguội và thịt chế biến sẵn làm tăng nguy cơ ung thư đường tiêu hóa; gây tình trạng thừa cân, béo phì là tác nhân gây một số loại ung thư khác.

Uống rượu

Đây là tác nhân gây ung thư khoang miệng, thanh quản, hầu họng, thực quản. Hai chất ethanol và acetaldehyde trong đồ uống có cồn có thể làm thay đổi ADN của tế bào trên màng nhầy của các cơ quan trên.

Ít vận động

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng lười vận động là nguyên nhân gây ra khoảng 21-25% trường hợp ung thư vú và ung thư ruột. Vận động thể lực là yếu tố quan trọng góp phần phòng chống các bệnh ung thư.

Các vi khuẩn, virus

Virus Epstein-Barr (EBV) có liên quan đến ung thư vòm mũi họng. Virus viêm gan B gây ung thư gan nguyên phát. Virus Papiloma Human (HPV) là nguyên nhân gây 70% ung thư tử cung ở phụ nữ, gây ung thư dương vật ở nam giới.Vi khuẩn Helicobacter Pylory (HP) là yếu tố gây viêm loét dạ dày - tá tràng và ung thư dạ dày.

Phó giáo sư Phạm Văn Bình - Phó Giám đốc Bệnh viện K.

Các lý giải khác như tính chất gene, cá thể hóa vẫn cần phải nghiên cứu thêm

Phó giáo sư Bình cho rằng phát hiện sớm ung thư rất quan trọng. Khoa học công nghệ hiện nay có thể giúp chúng ta làm điều đó từ giai đoạn tiền ung thư như ung thư cổ tử cung, ung thư vú qua hệ thống chụp nhũ ảnh; ung thư đường tiêu hóa với công nghệ nội soi tìm rõ các tổn thương từ giai đoạn sớm nhất.

Theo Phó giáo sư Bình, tuyên truyền để người dân chủ động phòng chống ung thư qua việc thay đổi lối sống, tầm soát sớm ung thư sẽ là chìa khóa ngăn chặn đại dịch này và cũng mang lại lợi ích kinh tế, thời gian sống thêm của bệnh nhân.

Bên cạnh yếu tố không thay đổi được như tuổi tác, di truyền, PGS Bình khuyến cáo nên chủ động phòng ngừa từ lối sống, chế độ ăn uống lành mạnh. Mỗi ngày, người trưởng thành ăn đa dạng 8 nhóm chất, 500-600 gram rau củ quả mỗi ngày để góp phần phòng ung thư và các bệnh không lây nhiễm khác.

Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày, 2-3 lần mỗi tuần giúp tăng cường sức đề kháng của cơ thể, duy trì cân nặng phù hợp, tinh thần thoải mái. Hạn chế rượu bia, không hút thuốc lá cũng có thể giảm một nửa nguy cơ mắc ung thư.

Ngoài ra, do ung thư ngày càng trẻ hóa nên độ tuổi tầm soát một số loại ung thư cũng sớm hơn trước đây. Ví dụ: trước đây khuyến cáo tầm soát ung thư đại trực tràng ở tuổi 50 tuổi thì nay vào khoảng 40-45 tuổi. Những người thuộc nhóm đối tượng nguy cơ cao như tiền sử gia đình có người thân cận bậc một (cha mẹ, anh chị em ruột) nên tầm soát sớm để theo dõi và điều trị kịp thời nếu mắc bệnh.

Mọi người nên khám sức khỏe định kỳ mỗi 6 tháng đến một năm. Những người có chế độ ăn uống, lối sống thiếu lành mạnh khi có những dấu hiệu bất thường như sụt cân, chán ăn, mệt mỏi, kèm theo những dấu hiệu đặc trưng của một số loại ung thư nhất định nên đến bệnh viện thăm khám sớm.

Diệu Thu

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/pho-giam-oc-benh-vien-k-ly-giai-vi-sao-ngay-cang-nhieu-nguoi-tre-mac-ung-thu-a635633.html