Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Nguyễn Xuân Thanh:Thêm không gian văn hóa cho Biên Hòa

Phó chủ tịch UBND TP. Biên Hòa Nguyễn Xuân Thanh. Ảnh: Huy Anh

Năm 2023 đánh dấu mốc 325 năm việc thiết lập bộ máy hành chính ở đất Đồng Nai và Sài Gòn, một cột mốc có ý nghĩa rất quan trọng trong tiến trình hình thành và phát triển của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai nói riêng và phương Nam nói chung.

Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Nguyễn Xuân Thanh đã có cuộc trao đổi với Đồng Nai cuối tuần xung quanh các hoạt động kỷ niệm sự kiện chính trị có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống văn hóa - tinh thần này.

Một nhiệm vụ chính trị, sự kiện trọng đại

* Thưa ông, ông có thể chia sẻ rõ hơn về ý nghĩa của các hoạt động kỷ niệm 325 năm hình thành và phát triển vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai?

- Việc tổ chức Tuần lễ Văn hóa chào mừng kỷ niệm Biên Hòa, Đồng Nai 325 năm hình thành và phát triển được xác định là chương trình mục tiêu, nhiệm vụ chính trị và là sự kiện trọng đại của thành phố trong năm nay. Do đó, ngay từ đầu năm 2023, UBND TP.Biên Hòa đã xây dựng kế hoạch, tuyên truyền, cho đăng ký các công trình thực hiện để cả hệ thống chính trị và người dân đều biết đến sự kiện này để cùng tham gia; các hoạt động thiết thực, ý nghĩa được tổ chức xuyên suốt và càng quy mô hơn, sôi nổi hơn trong những tháng cuối năm.

Từ đầu năm 2023 đến nay, TP.Biên Hòa đã tổ chức các tuần lễ văn hóa với chủ đề gắn với các sự kiện trong năm, với mục tiêu hướng về việc chăm lo đời sống vật chất tinh thần, tạo sân chơi thiết thực, bổ ích cho người dân thành phố, nhất là thanh niên công nhân, người dân khu vực nhà trọ… Đó là các chương trình triển lãm sách và văn hóa đọc, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, nhiều hội thi, hội thao. Thành phố còn tổ chức Tuần lễ thanh niên văn hóa, Tuần lễ văn hóa - Ngày giải phóng miền Nam thống nhất tổ quốc; Tuần lễ văn hóa - đồng hành cùng em đến trường; Tuần lễ chăm sóc sức khỏe cho người dân. Và đặc biệt, trong tháng 12, TP.Biên Hòa sẽ tổ chức Tuần lễ Văn hóa chào mừng kỷ niệm 325 năm hình thành và phát triển vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai… với nhiều hoạt động đặc sắc, nhiều công trình mang dấu ấn của vùng đất Biên Hòa sẽ được ra mắt và phục vụ người dân.

“Đây là dịp để mỗi người dân đang sinh sống trên vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai hiểu thêm về lịch sử, truyền thống, từ đó thể hiện lòng biết ơn đối với các bậc tiền nhân, bồi đắp thêm tình yêu quê hương xứ sở”.

Tất cả các hoạt động này đều mang ý nghĩa sâu sắc, giáo dục về lòng biết ơn đối với các bậc tiền nhân đã có công mở cõi; tôn vinh và tưởng nhớ nhà quân sự kiệt xuất, nhà chính trị tài ba, nhà kinh tế xã hội - Chưởng cơ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh đã làm cho bờ cõi Việt Nam được mở rộng và ổn định đến vùng cực Nam của Tổ quốc. Đây cũng là dịp để nhân dân ôn lại quá khứ hào hùng của dân tộc trong việc dựng nước và giữ nước, thể hiện lòng biết ơn với các bậc tiền nhân.

Đồng thời, các hoạt động ý nghĩa này cũng nhằm tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, đất nước con người của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai, giới thiệu các tiềm năng, thế mạnh của thành phố với bạn bè, đối tác trong và ngoài tỉnh; các đơn vị kết nghĩa, ký kết thỏa thuận hợp tác trong và ngoài nước đồng thời phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, truyền thống lịch sử, hiền hòa, mến khách của người dân Biên Hòa - Đồng Nai.

* Như ông đã chia sẻ ở trên, trong quý 4 này, thành phố sẽ tổ chức Tuần lễ Văn hóa chào mừng kỷ niệm 325 năm hình thành và phát triển vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai. Tuần lễ này có điểm nhấn gì, thưa ông?

- Tuần lễ Văn hóa chào mừng kỷ niệm 325 năm hình thành và phát triển vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai diễn ra từ ngày 23 đến 31-12-2023 với rất nhiều hoạt động nổi bật như: Tổ chức triển lãm hình ảnh về vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai qua 325 năm hình thành, phát triển và các thành tựu kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh mà Đảng bộ và nhân dân TP.Biên Hòa và tỉnh Đồng Nai đạt được trong công cuộc đổi mới, xây dựng quê hương, đất nước; chiếu phim tư liệu về hào khí Biên Hòa - Đồng Nai 325 năm; chương trình biểu diễn nghệ thuật; biểu diễn dân vũ; Liên hoan nghệ thuật áo dài Việt Nam; chương trình ca cổ Vầng trăng cổ nhạc; chương trình sân khấu nghệ thuật chào đón năm mới 2024…

Trong đó có 2 dự án lớn là công trình Con đường ánh sáng, đại cảnh giai đoạn 1 gắn với phố đi bộ Nguyễn Văn Trị và công trình Không gian văn hóa đọc (không gian sách) tại công viên Biên Hùng.

* Ông có thể nói rõ hơn về 2 công trình trên?

- Tôi cho rằng đây là 2 công trình có ý nghĩa đối với đời sống tinh thần, không gian văn hóa thiết thực với người dân. Biên Hòa - Đồng Nai chúng ta có đoạn Sông Phố rất nên thơ và khi thực hiện Con đường ánh sáng sẽ càng làm tăng giá trị của đoạn sông này, gắn với công viên Nguyễn Văn Trị, từ đó tạo thêm vẻ duyên dáng của thành phố bên sông. Công trình trước mắt là phục vụ nhu cầu vui chơi, thư giãn của người dân và hướng đến là phát triển du lịch địa phương.

Phối cảnh công trình Con đường ánh sáng ở công viên Nguyễn Văn Trị

Còn đối với công trình Không gian văn sách ở công viên Biên Hùng đã được nhiều chuyên gia, nhà quản lý luận bàn, cho ý kiến; chúng tôi cũng đã đi học tập kinh nghiệm mô hình đường sách ở Bà Rịa - Vũng Tàu và TP.HCM. Theo kế hoạch, ngoài không gian sách, chúng tôi sẽ phối hợp với một số đơn vị như: Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai tổ chức giới thiệu về di sản gốm Biên Hòa, phối hợp với Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật Đồng Nai giới thiệu các nhạc cụ truyền thống; phối hợp với các doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm)… để công trình này đáp ứng nhu cầu của người dân, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai 325 năm hình thành và phát triển.

Người dân sẽ đến và hưởng thụ không gian văn hóa một cách lâu dài

* Theo ông, các công trình văn hóa trên có thực sự cần thiết và làm sao để các công trình này phát huy tính hiệu quả?

- Hiện nay, theo đánh giá chung, TP.Biên Hòa mặc dù đã có những cải thiện trong việc mở rộng các công viên, nơi vui chơi, giải trí của cộng đồng, nhưng trước áp lực dân số đông, công tác này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Người dân vẫn rất mong chờ có thêm nhiều công trình, không gian văn hóa, sinh hoạt cộng đồng để đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí.

Việc tổ chức, thực hiện các công trình đều đúng quy định, tiết kiệm, mang ý nghĩa thiết thực, phục vụ cho người dân và hiệu quả sử dụng lâu dài, không chỉ trong dịp chào mừng 325 năm hình thành và phát triển vùng đất mà còn phát huy công năng trong việc giúp người dân đến và hưởng thụ không gian văn hóa này mỗi ngày và nhiều dịp khác.

* Mong muốn của ông cũng như chính quyền thành phố là gì thông qua các sự kiện chào mừng 325 năm Biên Hòa - Đồng Nai?

- Chúng tôi mong muốn người dân thành phố ở nhiều độ tuổi đều có không gian vui chơi, thư giãn, điểm sinh hoạt văn hóa thiết thực, ý nghĩa sau những giờ đi học, đi làm. Đồng thời mong muốn từ những công viên văn hóa này, thành phố sẽ có thêm nhiều điểm sinh hoạt văn hóa nữa được lan tỏa trong cộng đồng, góp phần xây dựng một thành phố Biên Hòa xanh sạch đẹp - thành phố thông minh - thành phố tri thức - là thành phố đáng sống của người dân.

* Xin cảm ơn ông!

Lâm Viên (thực hiện)

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202310/pho-chu-tich-ubnd-tpbien-hoa-nguyen-xuan-thanhthem-khong-gian-van-hoa-cho-bien-hoa-87010d0/