PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN ĐỨC HẢI: XÁC ĐỊNH TÍNH CHÍNH XÁC CỦA SỐ LIỆU QUYẾT TOÁN TRƯỚC KHI TRÌNH QUỐC HỘI

Tiếp tục Phiên họp thứ 33, chiều 15/5, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022. Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các cơ quan phối hợp xác định tính chính xác của số liệu quyết toán, không đưa vào quyết toán trình Quốc hội nếu không có căn cứ pháp lý, không đúng quy định.

Toàn cảnh Phiên họp

Toàn cảnh Phiên họp

Tại phiên họp, Chính phủ và Kiểm toán nhà nước đã có báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022 (trong đó có nội dung báo cáo thực hiện quy định tại khoản 6 Điều 3 của Nghị quyết số 91/2023/QH15 về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021; Nghị quyết số 94/2019/QH14 ngày 26/11/2019 của Quốc hội khóa XIV về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước).

Sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách (TCNS) của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về nội dung này.

Phát biểu gợi ý thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung thảo luận về hồ sơ quyết toán NSNN năm 2022 đã đảm bảo quy định, điều kiện trình Quốc hội hay chưa? Đánh giá về tình hình thực hiện chính sách tài khóa năm 2022, thực hiện các chỉ tiêu thu chi ngân sách, vay trả nợ trong báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban TCNS, báo cáo kiểm toán của Kiểm toán nhà nước đã phù hợp hay chưa, những nội dung nào cần làm rõ hoặc cần hoàn thiện, bổ sung.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu gợi ý thảo luận

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu gợi ý thảo luận

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc thực hiện quy định tại khoản 6 Điều 3 của Nghị quyết 91/2023/QH15 của Quốc hội về phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2022; việc thực hiện Nghị quyết số 94/2019/QH14 của Quốc hội về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp NSNN và tình hình xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt năm 2022 theo quy định tại khoản 5 Điều 87 Luật Quản lý thuế.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về số liệu quyết toán thu chi ngân sách nhà nước, bội chi và các khoản vay của ngân sách nhà nước. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, hiện nay, Chính phủ chưa điều chỉnh một số số liệu quyết toán theo kiến nghị của Kiểm toán nhà nước; Kiểm toán nhà nước chưa trình số liệu quyết toán theo quan điểm của Kiểm toán nhà nước; cơ quan thẩm tra cũng chưa nêu số liệu đề nghị quyết toán trình Quốc hội và đề nghị làm rõ thêm nhiều nội dung. Vì vậy, đề nghị ba cơ quan nêu rõ chính kiến về số liệu đề nghị quyết toán để Ủy ban Thường vụ Quốc hội có căn cứ thảo luận và báo cáo Quốc hội phê chuẩn quyết toán.

Đối với chi thường xuyên sự nghiệp khoa học công nghệ các bộ ngành sử dụng chi cho các dự án tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, hiện nay Chính phủ đã loại khỏi quyết toán chi theo kiến nghị của Kiểm toán nhà nước nhưng Chính phủ lại đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép báo cáo Quốc hội để đưa vào quyết toán. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và luật có liên quan không có quy định nào cấm sử dụng chi thường xuyên để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng tài trợ, nâng cấp mở rộng dự án đầu tư xây dựng mua sắm tài sản, sửa chữa nâng cấp trang thiết bị máy móc. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có thông báo kết luận về vấn đề này tuy nhiên việc sử dụng kinh phí chi thường xuyên để chi cho dự án tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học là sử dụng sai mục đích. Vì vậy, đề nghị đại diện Chính phủ, Kiểm toán nhà nước, cơ quan thẩm tra nêu rõ quan điểm, phương án xử lý nhiệm vụ chi này để Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận và báo cáo Quốc hội quyết định.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu

Cho ý kiến về Báo cáo quyết toán ngân sách, đa số ý kiến đánh giá cao báo cáo của Chính phủ, Kiểm toán nhà nước và báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội. Các báo cáo được chuẩn bị nghiêm túc, đầy đủ theo các nội dung quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý thuế, các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban TCNS cụ thể, rõ ràng, có ý kiến vào từng nội dung thu, chi ngân sách nhà nước, chỉ ra kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế trong công tác điều hành, quyết toán NSNN.

Đại biểu cũng cho rằng, năm 2022 mặc dù thực hiện nhiều chính sách miễn giảm thuế, phí nhưng mức tăng thu NSNN năm 2022 vượt khá so với dự toán. Công tác xây dựng dự toán thu thấp là vấn đề tồn tại nhiều năm nhưng chưa được khắc phục, đặt ra yêu cầu cần khẩn trương sửa đổi quy trình lập dự toán NSNN hàng năm và sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, kết quả thu năm 2022 tăng cao cũng phản ánh sự phục hồi của nền kinh tế trong năm 2022, cho thấy các giải pháp kích cầu tiêu dùng tại Nghị quyết số 43 của Quốc hội, Nghị quyết số 11 của Chính phủ phát huy hiệu quả. Đại biểu đề nghị trong báo cáo của Chính phủ cũng như báo cáo thẩm tra nhấn mạnh nội dung này, làm rõ sự nỗ lực trong lãnh đạo chỉ đạo của Trung ương, của Bộ Chính trị, Quốc hội và sự điều hành quyết liệt của Chính phủ.

Có ý kiến quan tâm đến số chi chuyển nguồn năm 2022 sang năm 2023 tăng cả về quy mô và tỷ trọng và cho rằng khi đánh giá so sánh số chuyển nguồn với các năm trước nên loại trừ khoản đặc thù phát sinh như nguồn tăng thu tiết kiệm chi của năm 2022…

Một số ý kiến cho rằng, cần có sự thống nhất về số liệu giữa Kiểm toán nhà nước và Chính phủ, làm cơ sở để Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội thẩm tra và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội cho ý kiến. Đối với chi thường xuyên nhiệm vụ khoa học công nghệ đối với các dự án đầu tư tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học công nghệ của ba đơn vị, đại biểu đề nghị Chính phủ và Kiểm toán nhà nước báo cáo thêm để Ủy ban Thường vụ Quốc hội có ý kiến xác đáng hơn.

Tại Phiên họp, lãnh đạo Kiểm toán nhà nước và Bộ Tài chính đã giải trình, cung cấp thêm một số thông tin làm làm rõ vấn đề đại biểu quan tâm liên quan đến chênh lệnh số liệu giữa Kiểm toán nhà nước và Chính phủ về số chuyển nguồn và chi thường xuyên khoa học và Công nghệ cho hoạt động mua sắm trang thiết bị của các Dự án tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học và công nghệ của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận nội dung thảo luận

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận nội dung thảo luận

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với báo cáo của các cơ quan. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương rút kinh nghiệm về thời gian gửi quyết toán. Bộ Tài chính, Kiểm toán nhà nước, Ủy ban TCNS cần phối hợp chặt chẽ để thống nhất số liệu quyết toán khi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của Chính Phủ trong điều kiện tình hình kinh tế chính trị thế giới, khu vực biến động nhanh, phức tạp, khó lường; trong nước nền kinh tế phát sinh nhiều khó khăn, thách thức, phải thực hiện chính sách miễn, giãn, giảm thuế, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân nhưng thu ngân sách vượt cao so với dự toán (vượt 28%); tỷ trọng thu nội địa đạt 79,5% tổng số thu NSNN. Các nhiệm vụ thu chủ yếu đều vượt khá cao so với dự toán; chi ngân sách cơ bản đảm bảo nhiệm vụ của nhà nước; chi thường xuyên bằng 59% tổng chi NSNN; bội chi NSNN thấp hơn dự toán Quốc hội giao; nợ công trong giới hạn cho phép; kỷ luật thu, chi ngân sách từng bước được cải thiện; công tác quyết toán NSNN có nhiều chuyển biến; thực hiện kiến nghị của Kiểm toán nhà nước có nhiều tiến bộ.

Các nội dung yêu cầu tại Nghị quyết 91 của Quốc hội về phê chuẩn quyết toán ngân sách năm 2021 đã được Chính phủ tổ chức thực hiện, nhiều nội dung đạt kết quả tích cực. Thực hiện Nghị quyết 94 của Quốc hội đã khoanh nợ thuế, xóa nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp cho nhiều người nộp thuế.

Tuy nhiên, qua báo cáo của Kiểm toán nhà nước, báo cáo thẩm tra của Ủy ban TCNS và ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy còn nhiều bất cập trong quản lý điều hành sử dụng ngân sách kéo dài nhiều năm chưa được khắc phục. Chính phủ cần có giải pháp quyết liệt để xử lý như: lập, gửi báo cáo quyết toán chậm, một số địa phương phê chuẩn quyết toán chậm, chưa điều chỉnh theo số liệu của Kiểm toán nhà nước; ước thực hiện thu chi và lập dự toán không sát kéo dài nhiều năm, ảnh hưởng đến quản lý, điều hành NSNN; quản lý thu của cơ quan thuế còn bất cập; giải ngân vốn đầu tư công, vốn của các Chương trình mục tiêu quốc gia chậm; chi sự nghiệp giáo dục và đào tạo, bảo vệ môi trường, y tế, dân số của ngân sách trung ương đạt thấp; còn tình trạng sử dụng sai mục đích nguồn kinh phí; còn những khoản tạm ứng quá hạn, ứng trước dự toán chưa thu hồi…

Đối với các nội dung về số liệu quyết toán thu chi tài chính, Ủy ban TCNS đang đề nghị Chính phủ, Kiểm toán nhà nước làm rõ, bổ sung thông tin, quan điểm xử lý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Ủy ban TCNS chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, Kiểm toán nhà nước rà soát để thống nhất xử lý theo đúng quy định của pháp luật, xác định tính chính xác của số liệu quyết toán, không đưa vào quyết toán trình Quốc hội nếu không có căn cứ pháp lý, không đúng quy định; lưu ý rà soát số liệu tăng thu NSNN năm 2022 để xử lý theo đúng quy định.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ khẩn trương nghiên cứu tiếp thu ý kiến thẩm tra, ý kiến tham gia của Ủy ban Thường vụ Quốc hội rà soát báo cáo bổ sung các nội dung, số liệu Ủy ban TCNS đề nghị làm rõ, cung cấp thêm thông tin để hoàn thiện Báo cáo quyết toán NSNN; số liệu quyết toán; xây dựng dự thảo nghị quyết của Quốc hội về phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2022. Trong đó, nêu bật kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân vi phạm, đề xuất các giải pháp cụ thể thiết thực để tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính ngân sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quyết toán ngân sách nhà nước, gửi Ủy ban TCNS thẩm tra chính thức, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV.

Kiểm toán nhà nước phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan cung cấp thêm thông tin, tình hình kết luận, kiến nghị kiểm toán, quan điểm xử lý vấn đề còn có ý kiến khác nhau, thống nhất số liệu quyết toán để các cơ quan hoàn thiện báo cáo quyết toán NSNN; đồng thời gửi Quốc hội các báo cáo kiểm toán theo đúng quy định.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải giao Ủy ban TCNS thẩm tra chính thức theo thẩm quyền, đúng quy định. Trường hợp cần xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng văn bản, nêu rõ nội dung xin ý kiến và dự thảo thông báo Kết luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tổng Thư ký Quốc hội gỡ băng ghi âm, tổng hợp các ý kiến tham gia tại Phiên họp, thông báo Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi đến các cơ quan liên quan thực hiện. Tổng Thư ký Quốc hội nghiên cứu bố trí chương trình thảo luận và cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 vào thời gian phù hợp.

Một số hình ảnh tại Phiên họp:

Toàn cảnh Phiên họp

Toàn cảnh Phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu gợi ý thảo luận

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu gợi ý thảo luận

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022

Thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp

Thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp

Đai diện lãnh đạo các bộ, ngành tham dự Phiên họp

Đai diện lãnh đạo các bộ, ngành tham dự Phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy phát biểu

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy phát biểu

Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn phát biểu

Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn phát biểu

Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn phát biểu

Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn phát biểu

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận nội dung thảo luận

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận nội dung thảo luận

Lan Hương - Nghĩa Đức

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=86873