Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng làm việc với Trường ĐHKD&CN Hà Nội

Sáng nay (8-11), đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đã đến thăm và làm việc với Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ (ĐHKD&CN) Hà Nội.

Cùng dự buổi làm việc có các đồng chí: Nguyễn Văn Phong, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội; Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội; đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành thành phố Hà Nội.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng thăm và làm việc với Trường ĐHKD&CN Hà Nội.

GS Trần Phương, Chủ tịch HĐQT, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường ĐHKD&CN Hà Nội được thành lập theo Quyết định số 750/QĐ-TTG, ngày 19-5-2006 của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, nhà trường có tổng số 1.235 cán bộ, giảng viên, công nhân viên; trên 20 nghìn sinh viên với 10 phòng chức năng, 29 khoa cơ bản và đào tạo chuyên ngành, 5 đơn vị đào tạo và quản lý đào tạo, 5 đơn vị phục vụ đào tạo và 6 đơn vị tư vấn và truyền thông. Đảng bộ nhà trường có 345 đảng viên, được tổ chức sinh hoạt thành 32 chi bộ. Đây là một đảng bộ có nhiều đảng viên nhất các trường đại học ngoài công lập…

Quá trình hình thành, phát triển của nhà trường được chia làm 3 giai đoạn: Từ năm 1996-2006 là giai đoạn xây dựng và hình thành thương hiệu, được xã hội thừa nhận. Giai đoạn này trường xây dựng trụ sở tại phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng.

Giai đoạn 2 từ 2006-2011, trường mở rộng ngành nghề đào tạo, từ 8 ngành phát triển thành 14 ngành, trong đó có 6 ngành thuộc khối kỹ thuật – công nghệ. Cũng từ năm 2006 trường được đào tạo trình độ thạc sỹ kinh tế và trở thành một trường đại học đa ngành, đa cấp.

Từ năm 2011 đến nay, trường hoàn thành xây dựng cơ sở 2 tại Từ Sơn – Bắc Ninh, tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo và phát triển hợp tác đào tạo lưu học sinh Lào, Campuchia.

Trải qua hơn 20 năm xây dựng và phát triển, Trường ĐHKD&CN đã đào tạo 110 nghìn sinh viên, trong đó có 1.000 sinh viên Lào và Campuchia; tốt nghiệp ra trường trên 60 nghìn cử nhân kinh tế, kỹ sư thực hành và thạc sỹ kinh tế. Riêng trong giai đoạn 5 năm (2011-2016), trường được mở thêm 4 ngành đào tạo ở bậc đại học, 1 ngành ở bậc cao học và được đào tạo tiến sỹ kinh tế, trở thành 1 trong số ít trường đại học tư thục được đào tạo trình độ tiến sỹ.

Đáng chú ý, trên 80% sinh viên đều nhận được việc làm ngay sau khi ra trường, với mức lương tương đối cao và nhiều sinh viên tự tạo được việc làm, khởi nghiệp thành công. Trường cũng luôn chú trọng đào tạo mũi nhọn, có các lớp sinh viên xuất sắc. Những năm qua, nhà trường có 100 giải cao trong các kỳ thi Olympic quốc gia và quốc tế, trong đó có 8 giải đồng đội và 92 giải cá nhân…

Là trường đại học hoạt động với mục tiêu phi lợi nhuận, nhà trường đã quy tụ đội ngũ cán bộ, giảng viên là những chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành tại các cơ quan Đảng, Nhà nước và tại các cơ sở đào tạo đại học có tiếng đã nghỉ hưu. Hiện, đội ngũ quản lý và giảng dạy cơ hữu của nhà trường gồm 1.217 người, trong đó có 182 Giáo sư, Phó giáo sư, Tiến sỹ. Số giảng viên có trình độ thạc sỹ trở lên chiếm 70%. Với đội ngũ giảng viên, nhà quản lý như vậy, nhà trường đã tập trung vào công tác nghiên cứu khoa học.

Trong những năm qua, trường ĐHKD&CN Hà Nội đã xây dựng 47 chương trình đào tạo đại học, 6 chương trình thạc sỹ, 1 chương trình tiến sỹ, biên soạn trên 1 nghìn giáo trình các môn học, thiết kế 12 phần mềm phục vụ giảng dạy và quản lý, nhất là các phần mềm thi trắc nghiệm, đào tạo trực tuyến, quản lý điểm, quản lý sinh viên… được nhiều trường đại học trong nước đến nghiên cứu, học tập.

Đặc biệt, Trường ĐHKD&CN Hà Nội là một trong những đơn vị đi đầu trong thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục. Nhà trường là một tổ chức hợp tác, tự nguyện góp vốn của 823 người với số vốn góp 118 tỉ đồng.

Ngoài ra, Trường ĐHKD&CN Hà Nội cũng là một trong số ít trường đại học ngoài công lập được thực hiện 14 chương trình liên kết đào tạo với các trường đại học của nước ngoài. Trong 5 năm qua, nhà trường đã đào tạo gần 1.000 lưu học sinh Lào và Campuchia với nhiều chính sách ưu đãi như miễn tiền ở ký túc xá 1 năm đầu học tiếng Việt, mức thu học phí của lưu học sinh bằng với sinh viên Việt Nam… Qua đó góp phần củng cố và phát triển tình hữu nghị đặc biệt giữa Việt Nam với Lào và Campuchia.

Giáo sư Trần Phương chia sẻ, là trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực, Trường ĐHKD&CN Hà Nội sẽ tiếp tục nghiên cứu, mở thêm các ngành nghề đào tạo đáp ứng yêu cầu của thị trường. Tới đây, nhà trường sẽ chuẩn bị để mở thêm ngành đào tạo về môi trường, bởi hiện nay, vấn đề môi trường đang rất bức xúc và xã hội đang cần nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này.

Thay mặt lãnh đạo thành phố Hà Nội, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy tặng quà lưu niệm nhà trường.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Trường ĐHKD&CN Hà Nội kiến nghị thành phố Hà Nội quan tâm, giúp trường có cảnh quan bên ngoài xanh, sạch, đẹp, văn minh đô thị để xứng đáng với một cơ sở giáo dục đào tạo lớn của thành phố; quan tâm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhà trường tại cơ sở Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng; giúp nhà trường có lối vào tại cổng số nhà 29 ngõ 124 Vĩnh Tuy và quan tâm, cấp thêm 1 phần diện tích đất trống tại phường Vĩnh Hưng để nhà trường có điều kiện mở rộng, phát triển quy mô đào tạo trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng thay mặt lãnh đạo thành phố gửi lời chúc tốt đẹp đến thầy và trò nhà trường nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11; ghi nhận, biểu dương và chúc mừng những thành tựu to lớn mà nhà trường đã đạt được trong những năm qua. Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, cùng với các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Thủ đô, trường ĐHKD&CN đã góp phần đào tạo đội ngũ trí thức, nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công cuộc đổi mới, CNH-HĐH Thủ đô và đất nước…

Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng đánh giá cao công tác xây dựng Đảng của nhà trường; ghi nhận trách nhiệm, tâm huyết của giáo sư Trần Phương và đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, Đảng bộ nhà trường… Thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng lưu ý, nhà trường cần quan tâm hơn nữa việc phối hợp với thành phố Hà Nội về đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ, công chức Thủ đô, nhất là về công nghệ thông tin để phục vụ mục tiêu xây dựng thành phố thông minh và chính quyền điện tử Thủ đô. Trước mắt, quan tâm đến quận Hai Bà Trưng và quận Hoàng Mai…

Cùng với đó, cần tiếp tục quan tâm hơn nữa đến công tác xây dựng Đảng, phát triển đảng viên là sinh viên; đồng thời, tiếp tục bồi dưỡng chính trị, tư tưởng đội ngũ cán bộ, giảng viên và sinh viên nhà trường để đội ngũ sinh viên khi tốt nghiệp ra trường là điểm sáng đào tạo sinh viên “vừa hồng, vừa chuyên”, trở thành những người có ích cho xã hội và đất nước…

Đức Hải

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Chinh-tri/854451/pho-bi-thu-thuong-truc-thanh-uy-ha-noi-ngo-thi-thanh-hang-lam-viec-voi-truong-dhkdcn-ha-noi