'Phim Việt chưa làm về sự bào mòn đạo đức của người Hà Nội'

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải cho biết chúng ta đang phát triển mạnh về kinh tế và nhiều lĩnh vực, nhưng cốt cách và đạo đức con người nói chung, người Hà Nội nói riêng đang bị bào mòn...

Thời gian gần đây, phim truyền hình Việt được đánh giá là có sự chuyển mình về chất lượng. Nhiều bộ phim gây chú ý, thậm chí được khán giả chờ đón từng tập trong thời gian phát sóng như Tuổi thanh xuân, Khúc hát mặt trời, Hôn nhân trong ngõ hẹp, Zippo, mù tạt và em...

Zing.vn có cuộc trao đổi với đạo diễn, NSƯT Đỗ Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm sản xuất phim truyền hình Đài Truyền hình Việt Nam (VFC) về lý do phim truyền hình Việt có sự thay đổi, chuyển mình.

Zippo, mù tạt và em là bộ phim nhận được nhiều phản hồi tích cực trong thời gian gần đây.

Diễn viên trẻ thu hút khán giả

- Anh nhìn nhận như thế nào về sự chuyển mình của phim truyền hình Việt thời gian gần đây?

- Phim truyền hình Việt Nam trong những năm gần đây đã có những thay đổi đáng kể về chất lượng. Nhiều bộ phim có sự đầu tư lớn về máy móc, thiết bị. Kỹ năng làm phim cũng ngày càng được nâng cao nhờ tăng cường hợp tác sản xuất phim tại nước ngoài.

Khán giả đã và đang được xem những bộ phim có nội dung hấp dẫn và mới mẻ với hình ảnh âm thanh đạt chuẩn cao về chất lượng. Tuy nhiên, đây chỉ là những bước nhỏ trên hành trình đi đến sự chuyên nghiệp như các phim truyền hình quốc tế.

- Theo anh, sự chuyển mình đó có được là nhờ sự cộng hưởng của những yếu tố nào?

- Chất lượng của một bộ phim truyền hình luôn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Do vậy, muốn nâng cao chất lượng phim thì phải nâng cao đồng bộ ở mọi khâu chuyên môn.

Nhiều yếu tố thay đổi rất dễ nhận biết, ví dụ như hình ảnh, từ chất lượng SD trước đây, các bộ phim hiện nay đã đạt được chất lượng full HD, thậm chí một số bộ phim gần đây của VFC còn đạt chất lượng 4K như Người cộng sự, Tuổi thanh xuân.

Bên cạnh đó, việc nâng cao chất lượng nội dung kịch bản cũng là yếu tố rất quan trọng. Nhiều đề tài mới mẻ, không gian câu chuyện được mở rộng đến các vùng miền, thậm chí khai thác cả ở nước ngoài với những câu chuyện gần gũi đời sống Việt Nam, phản ánh tình cảm gia đình, con người đậm tính cách Việt.

Một yếu tố nữa là diễn viên. Càng ngày càng có thêm nhiều diễn viên trẻ có khả năng diễn xuất tốt và ngoại hình đẹp để thu hút khán giả. Không ít gương mặt diễn viên được hâm mộ và trở thành thần tượng của nhiều khán giả trẻ qua các vai diễn truyền hình.

Đạo diễn - NSƯT Đỗ Thanh Hải hiện là Giám đốc VFC.

Thay vì kêu ca sẽ tiếp tục hoàn thiện

- Không khó để nhận thấy, những bộ phim có cảnh quay đẹp hoặc quay tại nước ngoài sẽ dễ dàng nhận được sự chú ý và quan tâm của khán giả. Tại sao?

- Điều này cũng dễ hiểu thôi vì khán giả muốn xem những gì vừa đẹp lại vừa mới lạ, và thường thì những bối cảnh ở nước ngoài sẽ đạt được 2 yếu tố này. Nhưng cũng có khó khăn vì khi quay phim tại nước ngoài, thời gian làm việc phải gấp rút hơn và chi phí đầu tư sản xuất cũng lớn hơn, các khâu sản xuất phải làm việc với đòi hỏi cao nhất.

Tôi nghĩ sau câu chuyện bối cảnh thì phải quan tâm đến chất lượng kịch bản. Sau khi bị thu hút bởi bối cảnh đẹp và lạ, khán giả sẽ quan tâm nhiều hơn đến nội dung của phim. Do vậy, các nhà làm phim phải chuẩn bị kỹ lưỡng để có một nội dung phim hấp dẫn tương đồng với sức hấp dẫn của bối cảnh phim.

- Bên cạnh những nhận xét tích cực, một trong những điểm trừ của các phim truyền hình hiện nay vẫn là lồng tiếng. Tại sao chưa thể thực hiện thu tiếng đồng bộ cho tất cả các dự án phim?

- Đúng vậy, đây là nỗi trăn trở của những người làm phim chúng tôi. Để giải quyết vấn đề này, cần thay đổi quy trình làm phim hiện nay. Thay vì lồng tiếng sẽ thu âm tiếng diễn viên trực tiếp khi quay, tức là chúng ta cần những diễn viên ngoài diễn xuất còn phải có chất giọng tốt, không mắc tật phát âm.

Và quan trọng nhất là phải có phim trường để tác nghiệp, đảm bảo thu âm tiếng hiện trường. Hiện nay, VTV đang thực hiện xây dựng phim trường để làm phim và phải một vài năm nữa mới hoàn thành. Chúng tôi thay vì kêu ca, sẽ phải tiếp tục cải thiện và làm tốt nhất những gì có trong tay, sản xuất phim trong điều kiện thực tế.

Phim chính luận Lựa chọn cuối cùng được giới trong nghề đánh giá cao về chất lượng nhưng chưa đạt được hiệu ứng khán giả như kỳ vọng.

Phim chính luận khó tránh kén khán giả

- VFC đang hướng đến việc đa dạng hóa đề tài để phục nhiều đối tượng khán giả. Còn đề tài nào các anh ấp ủ mà chưa thực hiện được?

- Khán giả truyền hình hôm nay đang đòi hỏi các tác phẩm phải hấp dẫn và mới mẻ về nội dung, hình thức thể hiện. Đặc biệt với phim truyền hình Việt, có thể khai thác các yếu tố thu hút khán giả nhưng không thể gây phản cảm về chuẩn mực thẩm mỹ, về các mối quan hệ xã hội, đạo đức, càng không để bị "Tây hóa".

Nhiều đề tài chúng tôi mong muốn thực hiện nhưng điều kiện kinh phí, thiết bị sản xuất chưa đáp ứng được. Ngoài ra còn phải cân nhắc tính thời điểm khi phát sóng, ví dụ cụ thể nhất là đề tài "Người Hà Nội bị tác động bởi các cuộc chinh chiến, biến cố xã hội".

Chúng ta đang phát triển mạnh về kinh tế và nhiều lĩnh vực, nhưng cốt cách và đạo đức con người nói chung, người Hà Nội nói riêng đang bị bào mòn dần, bị cuốn theo các xu hướng phát triển và mất đi bản sắc thuần Việt. Đó là sự trả giá mà sau này, vào một lúc nào đó chúng ta sẽ phải nuối tiếc vô cùng.

Tôi nghĩ đây là một đề tài thú vị nhưng lại chưa thể thực hiện và phát sóng thời điểm này.

- Không khó để nhận ra có những đề tài nhà làm phim rất tâm huyết nhưng khi thực hiện lại không thể thành hiện tượng. Đơn cử như anh từng chia sẻ “Nếu Lựa chọn cuối cùng không hay VFC sẽ không làm phim nữa” nhưng dường như phim không đạt được hiệu ứng như kỳ vọng. Anh lý giải sao về điều này?

- Tôi đã từng trả lời trên báo chí, hiện nay nhiều chương trình nghệ thuật, tác phẩm của các nghệ sĩ làm ra chưa được đánh giá đúng. Đôi khi truyền thông đang định hướng dư luận chạy theo bề nổi.

Lựa chọn cuối cùng là phim thể loại chính luận, do vậy khó tránh khỏi việc kén khán giả. Vấn đề mà phim đặt ra cũng hướng đến đối tượng khán giả lớn tuổi nên khó có thể thành hiệu ứng trên các phương tiện truyền thông.

Nhưng dưới góc nhìn khách quan của người trong nghề, tôi thấy để làm được phim như Lựa chọn cuối cùng, ê-kíp phải mất rất nhiều công sức và tâm huyết. Công sức ấy không cho phép đoàn làm phim đem các yếu tố câu khách vào để lấn át nội dung.

Và thực tế, đây là phim có lượng khán giả riêng, không ồn ào nhưng mang giá trị thời sự cao.

Quang Đức

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/phim-viet-chua-lam-ve-su-bao-mon-dao-duc-cua-nguoi-ha-noi-post689082.html