Phim 'Đất rừng phương Nam' gây tranh cãi: Ranh giới nào cho sự sáng tạo của người nghệ sĩ?

Mặc dù được chuẩn bị kỹ lưỡng và được đầu tư 'khủng', nhưng ngay sau khi công chiếu, 'Đất rừng phương Nam' đã gây ra những tranh cãi; trong đó ý kiến gay gắt nhất quy kết bộ phim 'làm sai lệch' so với tác phẩm gốc.

Câu hỏi đặt ra là, trong quá trình sáng tạo tác phẩm nghệ thuật, người nghệ sĩ có cần phải tuân thủ theo một quy chuẩn nào?

1. Bộ phim “Đất rừng phương Nam” của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng là một trong những tác phẩm điện ảnh Việt được chờ đón nhất của năm 2023. Tuy nhiên, ngay từ những suất chiếu sớm, phim đã tạo ra những tranh luận trái chiều.

Lấy cảm hứng từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Đoàn Giỏi và bộ phim truyền hình “Đất phương Nam” ra đời năm 1987, “Đất rừng phương Nam” kể về hành trình tìm cha qua Nam Kỳ lục tỉnh của cậu bé An. Trong chuyến đi đó, An nhận được sự giúp đỡ, cưu mang của những con người miền Tây giàu nghĩa tình; trải qua một hành trình khám phá vùng đất Nam Bộ tươi đẹp, giàu sản vật…

Đại cảnh chợ nổi miền Tây trong phim “Đất rừng phương Nam”.

Dù có những ý kiến khác nhau, nhưng ngay cả những ý kiến phê bình gay gắt nhất cũng đánh giá “Đất rừng phương Nam” là một bộ phim giải trí “có tầm vóc”. Dễ nhận thấy nhất là những đại cảnh trong phim đều được dàn dựng công phu, kỹ lưỡng.

Đặc biệt, những pha hành động vốn là điểm yếu của phim Việt thì ở “Đất rừng phương Nam” lại là điểm sáng, đem lại cảm xúc khá chân thực và hiệu ứng thẩm mỹ. Phim được đầu tư chỉn chu, mang đến hình ảnh đẹp, gợi nhớ về vùng đất phương Nam trù phú. Những cảnh quay mãn nhãn, những khuôn hình như mơ cho thấy những vẻ đẹp khác nhau của vùng đất phóng khoáng và hoang sơ nơi cực Nam Tổ quốc.

Một điểm cộng khác là dàn diễn viên diễn xuất khá đồng đều, ở mức từ tròn vai đến tốt. Trong đó, ấn tượng nhất là Tuấn Trần với vai Út Lục Lâm, Băng Di vai Tư Mắm, Tiến Luật vai ông Tiều đã để lại thiện cảm nơi khán giả. Phần âm nhạc vẫn sử dụng bài hát cũ nhưng được phối mới, mang âm hưởng hào hùng, thống nhất với không khí của cả bộ phim. Nhìn chung, ê-kíp làm phim đã nỗ lực tìm một hướng tiếp cận tác phẩm của nhà văn Đoàn Giỏi bằng một góc nhìn khác về mảnh đất phương Nam huyền thoại.

2. Điện ảnh Việt Nam đã có không ít bộ phim được chuyển thể hoặc lấy cảm hứng từ những tác phẩm văn học nổi tiếng. Có thể kể đến “Làng Vũ Đại ngày ấy” (chuyển thể từ một số truyện ngắn của Nam Cao); “Chị Dậu” (chuyển thể từ tiểu thuyết “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố); “Vợ chồng A Phủ” (dựa trên tác phẩm cùng tên của Tô Hoài)...

Gần đây hơn, có các phim như: “Chuyện của Pao” được chuyển thể từ tác phẩm “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá” của Đỗ Bích Thúy; “Cậu Vàng”, bộ phim cũng dựa trên các truyện ngắn của nhà văn Nam Cao; “Kiều”, phim được lấy cảm hứng từ tác phẩm của Nguyễn Du…

Các nhân vật trong “Đất rừng phương Nam”.

Tuy nhiên, cùng là tác phẩm chuyển thể nhưng có phim thì thành công, nhưng cũng có không ít bộ phim bị khán giả phê phán gay gắt, thất bại về doanh thu. Trong số những bộ phim thành công có thể kể đến “Làng Vũ Đại ngày ấy” (1982). Cùng với “Chị Dậu” (1980), hai bộ phim này của đạo diễn, NSND Phạm Văn Khoa được xếp vào hàng những tác phẩm kinh điển của nền điện ảnh Việt Nam thế kỷ XX. Dù là tác phẩm chuyển thể, đạo diễn Phạm Văn Khoa vẫn cho thấy cá tính sáng tạo và sự đột phá trong nghệ thuật làm phim của ông.

Ở phía bên kia, phim “Cậu Vàng” bị chê vì nội dung phóng tác quá đà, không phản ánh đúng tinh thần của tác phẩm văn học, thậm chí “xúc phạm” nguyên tác của nhà văn Nam Cao. Cũng là một dự án phim thất bại, năm 2021, bộ phim “Kiều” được ấp ủ suốt 10 năm mới ra mắt với câu chuyện tình tay ba giữa Thúy Kiều, Thúc Sinh, Hoạn Thư. Nhưng ngay khi công chiếu, phim đã bị chê tơi tả là “món lẩu phim chưởng”. Mạch phim nhạt nhòa, chóng vánh và “Kiều” đã thất bại thảm hại khi chỉ đạt doanh thu hơn 2,5 tỷ đồng sau 2 tuần ra rạp.

Trở lại với bộ phim gây nhiều tranh cãi mới đây “Đất rừng phương Nam”. Những ý kiến chỉ trích cho rằng bộ phim này xuyên tạc lịch sử khi đề cao vị thế Thiên Địa hội, trang phục cũng không giống của người dân Nam bộ cách nay một thế kỷ... Có lẽ những tranh cãi này đã không xảy ra, hoặc chí ít là không đến mức gay gắt như vậy nếu như bộ phim không lấy tên đúng như tác phẩm gốc của nhà văn Đoàn Giỏi.

Poster bộ phim “Đất rừng phương Nam”.

Rất nhiều ý kiến cho rằng, việc tên phim được lấy đúng như nguyên tác (ngay cả bộ phim truyền hình vốn được khán giả rất yêu thích cũng chỉ để tên “Đất phương Nam”), cùng với việc nhà sản xuất giữ nguyên tên nhiều nhân vật, kể lại câu chuyện của tác phẩm văn học - điều này đã khiến công chúng “định hướng” bộ phim là một tác phẩm chuyển thể bám sát với tác phẩm gốc.

TS. Hà Thanh Vân - một trong số những người phê phán gay gắt nhất về bộ phim cũng cho rằng, nhà làm phim nên chọn một cái tên khác để không quá lệ thuộc vào nguyên tác cũng như bị quy chiếu từ không gian lịch sử của tác phẩm gốc. Thêm nữa, trong suốt một thời gian dài, “Đất rừng phương Nam” được truyền thông kỹ lưỡng bằng cách “đóng đinh” với tác phẩm gốc và cả bản phim truyền hình trước đó - điều này cũng “vô tình” đem lại những bất lợi cho bộ phim.

3. Giữa tâm bão dư luận, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng lên tiếng cho rằng, phim “Đất rừng phương Nam” lấy cảm hứng từ tiểu thuyết cùng tên và bộ phim truyền hình “Đất phương Nam”. Theo ông, bản thân cuốn tiểu thuyết của nhà văn Đoàn Giỏi cũng như phim “Đất phương Nam” không đại diện cho lịch sử mà chỉ là những sản phẩm sáng tạo để nói lên góc nhìn của nhà làm phim.

Trước đó, ông cũng nói rằng, việc phân định lịch sử thuộc các nhà nghiên cứu, giao trách nhiệm đó cho đoàn làm phim là quá khó và trên thế giới không một bộ phim lịch sử nào làm y chang như lịch sử cả.

Và trên thực tế, đã có không ít người ủng hộ ê-kíp làm phim, họ cho rằng nghệ sĩ được quyền sáng tạo và cần được ủng hộ trong sáng tạo nghệ thuật. PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhìn nhận, cần phải hiểu phim ảnh là nghệ thuật chứ không phải lịch sử: Do đó, cần phải có cách nhìn công bằng, ủng hộ các sản phẩm văn hóa - nghệ thuật để động viên tinh thần, khuyến khích sự sáng tạo của các nhà làm phim.

Theo ông Sơn, những gì thuộc về lịch sử đã được mọi người công nhận là những chi tiết bắt buộc phải tôn trọng; nhưng có rất nhiều những góc khuất, những chi tiết không được nhắc tới trong lịch sử và đây chính là chất liệu tuyệt vời cho sự sáng tạo của người nghệ sĩ.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng chỉ đạo diễn xuất.

Xu hướng chuyển thể hoặc lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học sang điện ảnh là tất yếu, nhất là trong bối cảnh thiếu những kịch bản hay hiện nay. Đem những tác phẩm nổi tiếng để làm mới cho phù hợp với xu thế và thị hiếu của khán giả đương thời sẽ vừa đỡ tốn kém, dễ làm lại tranh thủ được “thương hiệu” của nguyên tác, từ đó kích thích sự tò mò của khán giả, nhằm kéo họ đến rạp.“Đất rừng phương Nam” chỉ là một trong số rất nhiều tác phẩm điện ảnh áp dụng cách làm này và thật dễ hiểu khi nó được đem ra so sánh, đối chiếu với nguyên tác văn học.

Nhiều nhà làm phim thống nhất rằng, phim chuyển thể luôn là một tác phẩm sáng tạo độc lập, cho phép người sáng tạo nội dung thêm bớt nhân vật, tình tiết, thay đổi bối cảnh, thời gian của câu chuyện nên không có ranh giới hay quy chuẩn đúng - sai.

Điều quan trọng là những sáng tạo đó phải tôn trọng tinh thần, giá trị cốt lõi của nguyên tác, nhưng cũng đem đến những giá trị mới mẻ, phù hợp với xu thế thời đại, mang lại sự hấp dẫn đối với công chúng. Ngược lại, nếu sự sáng tạo của nghệ sĩ xa rời tinh thần nguyên tác, đem đến những sản phẩm đi ngược lại những giá trị tốt đẹp, thì những sản phẩm ấy sẽ nhanh chóng bị đào thải, lãng quên.

Khánh Ngọc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/phim-dat-rung-phuong-nam-gay-tranh-cai-ranh-gioi-nao-cho-su-sang-tao-cua-nguoi-nghe-si-post269990.html