Philippines đau đầu với làn sóng lao động Trung Quốc

Chính quyền Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đang chịu áp lực chỉ trích của phe đối lập trong nước trước làn sóng người lao động Trung Quốc đổ xô đến Philippines làm việc, làm dấy lên các lo ngại 'cướp' việc của người dân địa phương, theo tờ Nikkei Asian Review.

Công nhân xây dựng Trung Quốc ở Manila. Ảnh: Nikkei Asian Review

Lao động Trung Quốc đổ xô đến Philippines

Trong một ngày gần đây, sảnh trụ sở của Cục Di trú Philippines ở Manila như muốn vỡ tung bởi đám đông người Trung Quốc đang xin thị thực lao động.

Trong khi đó, ở tầng hai của trụ sở, 276 người lao động bất hợp pháp đang bị tạm giữ. Những người này chủ yếu đến đến từ Trung Quốc và làm việc chui ở các công ty kinh doanh sòng bài trực tuyến ở khu Makati, Manila. Họ bị bắt vào tháng trước trong một cuộc đột kích lớn của cảnh sát và đang đối mặt với khả năng bị trục xuất.

Cuộc đột kích này là một phần trong chiến dịch truy quét những lao động Trung Quốc làm việc bất hợp pháp ở Philippines trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Rodrigo Duterte đang khẩn cấp khống chế một hậu quả không mong đợi trong quyết sách xoay trục kinh tế về phía Trung Quốc.

Số du khách và lao động Trung Quốc đến Philippines làm việc tăng nhanh kể từ sau khi ông Duterte lên nắm quyền vào năm 2016. Sau khi nhậm chức hồi tháng 6-2016, ông Duterte đã có nhiều nỗ lực lấy lại sự tin tưởng của Bắc Kinh.

Đổi lại, Bắc Kinh cam kết tài trợ vốn cho nhiều dự án hạ tầng ở Philippines, tăng nhập khẩu trái cây của Philippines và dỡ bỏ khuyến cáo công dân không nên du lịch đến Philippines. Sau đó, Manila cho phép du khách Trung Quốc tham gia chương trình cấp thị thực nhập cảnh tại sân bay của Philippines.

Nhờ vậy, Trung Quốc nhanh chóng trở thành nước đóng góp lượng du khách nước ngoài lớn nhất cho Philippines. Năm ngoái, Philippines tiếp nhận 1,26 triệu du khách Trung Quốc, tăng gần gấp ba lần so với năm 2015.

Năm 2016, chính phủ ông Duterte đồng ý cấp phép cho các công ty kinh doanh sòng bài trực tuyến phục vụ những người đánh bạc nước ngoài. Các công ty có liên quan đến Trung Quốc chiếm phần lớn trong 54 công ty ở Philippines được cấp giấy phép kinh doanh này.

Các công ty này kéo theo hàng chục công ty khác cung cấp các dịch vụ hỗ trợ công nghệ và tổng đài sử dụng nhân viên Trung Quốc nói tiếng Trung.

Cũng trong năm 2016, ông Duterte sang thăm Trung Quốc mang về các thỏa thuận đầu tư và cung cấp tín dụng trị giá 24 tỉ đô la bao gồm những khoản tài trợ vốn dành cho các dự án hạ tầng ở Philippines, cho phép các công ty Trung Quốc đưa các công nhân của họ sang Philippines làm việc.

Trong giai đoạn 2016-2018, khoảng 335.800 thị thực lao động và giấy phép lao động đặc biệt (có thời hạn làm việc sáu tháng) được cấp cho các lao động Trung Quốc. Hơn 50% lao động này làm các công việc liên quan đến ngành kinh doanh sòng bài trực tuyến. Số còn lại làm việc ở các ngành xây dựng, thông tin và truyền thông.

Cục trưởng Cục Di trú Philippines Jaime Morente cho rằng làn sóng lao động Trung Quốc là hậu quả trực tiếp của sự tăng trưởng ngành kinh doanh sòng bài trực tuyến dành cho người nước ngoài. Doanh thu của ngành kinh doanh này đã phình lên 7,35 tỉ peso vào năm ngoái, tăng 11 lần so với hồi năm 2016.

Những hệ lụy từ làn sóng lao động Trung Quốc

Người Trung Quốc đến xin thị thực lao động tại trụ sở của Cục Di trú Philippines ở Manila. Ảnh: Nikkei Asian Review

Du khách và lao động Trung Quốc mang lại những nguồn thu quan trọng trong ngành khách sạn, ngành bán lẻ của Philippines nhưng kèm theo đó, nỗi bất bình của người dân địa phương cũng tăng cao do họ lo người lao động Trung Quốc “cướp” việc, trốn thuế và có những hành vi phạm pháp khác.

“Tôi lo ngại các băng nhóm mafia đã xâm nhập vào đất nước chúng ta”, Chủ tịch Ủy ban Lao động của Thượng viện Philippines Joel Villanueva nói tại cuộc điều trần về tình trạng lao động Trung Quốc gia tăng đột biến ở nước này hôm 21-2.

Cục Di Trú Philippines cho biết năm ngoái có đến 393 trong tổng số 533 lao động bất hợp pháp nước ngoài bị bắt giữ tại Philippines là người Trung Quốc.

Theo cảnh sát Philippines, số người Trung Quốc dính líu đến các tội ác ở đất nước này với tư cách là nghi phạm lẫn nạn nhân đã tăng gấp ba lên 398 người vào năm ngoái, chiếm 40% tất cả vụ án liên quan đến người nước ngoài.

Những vụ án hình sự liên quan đến người Trung Quốc thường gây sự chú ý của báo giới Philippines. Hồi tháng 2, một nữ sinh viên 23 tuổi người Trung Quốc hắt ly đậu hũ vào một cảnh sát sau khi cô bị cấm mang nó lên tàu điện ở Manila. Vụ việc đã châm ngòi cho cơn giận dữ của cộng đồng mạng và làm dâng trào tâm lý chống Trung Quốc. Nữ sinh viên này đang đối mặt với nguy cơ bị trục xuất.

Phó Tổng thống Philippines Leni Robredo, một nhà chính trị thuộc phe đối lập, nói: “Đây không chỉ là một sự lăng mạ đối với nhân viên cảnh sát mà còn là sự lăng mạ đối với đất nước chúng ta”.

Liên đoàn công nhân tự do (FFW), có trụ sở ở Philippines, đang hối thúc chính phủ “tập trung bảo vệ việc làm của chúng ta khỏi bị cướp bởi những người nước ngoài lao động chui”.

Nhiều du khách Trung Quốc đến Philippines không phải vì mục đích tham quan mà là tìm việc làm. Thượng nghị sĩ phe đối lập Franklin Drilon, cựu Bộ trưởng Lao động Philippines, cho biết năm ngoái có khoảng 400.000 lao động Trung Quốc bao gồm lao động chui, làm việc ở nước này.

Cục Di trú Philippines đứng trước áp lực phải hành động cứng rắn vì sức ép chính trị từ phe đối lập cũng như các cáo buộc về các hành động ngược đãi của người Trung Quốc bao gồm vụ một đầu bếp Trung Quốc làm việc chui đánh đập một nữ nhân viên chạy bàn hồi tháng 5-2018.

Hồi tháng 1-2019, Cục Di trú thông báo ngừng cấp giấy phép lao động đặc biệt cho các lao động chân tay người nước ngoài bao gồm công nhân xây dựng, nhân viên phục vụ, nhân viên thu ngân và nhân viên lau dọn.

Bộ Lao động, Bộ Tài chính và Bộ Thương mại Philippines đã thành lập một ủy ban liên ngành để ứng phó làn sóng lao động nước ngoài. Cuộc họp đầu tiên của ủy ban này đã bàn cách ngăn chặn tình trạng trốn thuế của các lao động Trung Quốc.

Bộ trưởng Tài chính Philippines Carlos Dominguez nói ông muốn dừng tiếp nhận lao động nước ngoài làm việc trong ngành kinh doanh sòng bài trực tuyến vì lo ngại sự hiện diện lớn của họ sẽ dẫn đến những hệ lụy an ninh quốc gia.

Chính phủ ông Duterte thận trọng

Nữ sinh viên Trung Quốc (trái) đã hắt ly đậu hũ vào một nhân viên cảnh sát Philippines tại một ga tàu điện ở Manila vì người này không cho cô mang ly đậu hũ lên tàu. Ảnh: Facebook

Tổng thống Duterte đang rất thận trọng về vấn đề lao động Trung Quốc. Giới phân tích cho rằng chính phủ Philippines đang lo ngại nếu hành động cứng rắn với lao động bất hợp pháp Trung Quốc, điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ với Trung Quốc và 30.000 lao động Philippines ở Trung Quốc.

Hồi tháng 11 năm ngoái, ông Duterte nói rằng cần phải trục xuất người lao động chui Trung Quốc nhưng ông lưu ý các cơ quan chức năng phải “cẩn thận” khi xử lý các trường hợp đó. Tháng trước, ông kêu gọi khoan hồng cho lao động bất hợp pháp Trung Quốc và để họ tiếp tục làm việc tại Philippines.

Salvador Panelo, người phát ngôn của Tổng thống Philippines, nói vào hôm 26-2 rằng đại sứ Trung Quốc tại Manila cảnh báo nếu Philippines trục xuất lao động Trung Quốc “một cách hấp tấp” và “không đúng pháp luật”, Trung Quốc sẽ trả đũa theo kiểu tương tự.

Song Đại sứ quán Trung Quốc bác bỏ thông tin này và sau đó ông Panelo cũng rút lại những phát biểu trên. Hạ nghị sĩ Philippines Gary Alejano lo ngại lao động Trung Quốc sẽ tiếp tục tràn vào một khi các dự án hạ tầng lớn do Trung Quốc tài trợ vốn vay khởi công. Ông nói chính phủ đang có vẻ như bắt đầu dọn đường cho những lao động này khi nói rằng Philippines thiếu nhân lực.

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/286021/philippines-dau-dau-voi-lan-song-lao-dong-trung-quoc.html