Phiên xử trực tuyến vụ mua bán người kết nối gần 800 điểm cầu trên cả nước

Phiên xét xử phúc thẩm trực tuyến vụ mua bán người được kết nối đến gần 800 điểm cầu của toàn hệ thống TAND và VKSND trên toàn quốc.

Ngày 22-9, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng xử phúc thẩm vụ mua bán người và mua bán người dưới 16 tuổi đối với hai bị cáo Trần Quang Quyết (22 tuổi, ngụ Kon Tum) và Phan Ngọc Đức (33 tuổi, ngụ Nghệ An).

Phiên tòa xét xử trực tuyến có điểm cầu trung tâm tại TAND Cấp cao tại Đà Nẵng, điểm cầu thành phần tại trụ sở TAND tỉnh Gia Lai. Ông Nguyễn Văn Bường, Chánh án TAND Cấp cao tại Đà Nẵng là chủ tọa.

Phiên tòa trực tuyến được kết nối đến gần 800 điểm cầu của toàn hệ thống TAND và VKSND toàn quốc cùng tham dự và góp ý, rút kinh nghiệm.

Chánh án TAND cấp cao tại Đà Nẵng trực tiếp làm chủ tọa phiên tòa xét xử vụ án tại điểm cầu Đà Nẵng. Ảnh: H.H

Theo nội dung vụ án, khoảng tháng 10-2021, Đức qua Campuchia làm việc cho một sòng bài. Trong khoảng thời gian làm việc tại Campuchia, Đức đã xảy ra đánh nhau nên người quản lý của sòng bài yêu cầu Đức gọi điện thoại cho gia đình gửi tiền chuộc. Khi nhận được tiền chuộc, Đức không quay về Việt Nam mà vẫn tiếp tục ở lại Campuchia.

Ngày 20-11-2021, Quyết bị lừa bán vào công ty game ở Campuchia nhưng sau đó đã nộp tiền chuộc và quay về Việt Nam.

Đến ngày 14-4-2022, Quyết tiếp tục qua Campuchia làm việc trong một công ty khác. Làm được khoảng hai tháng, Quyết bị đuổi việc, bị đòi tiền chuộc 90 triệu đồng. Do gia đình chỉ gửi được 70 triệu đồng nên quản lý nói với Quyết nếu tuyển được người vào làm thì công ty sẽ trừ hết số tiền nợ còn lại. Quyết đồng ý.

Hai bị cáo tại phiên tòa ở đầu cầu Gia Lai. Ảnh: H.H

Ngày 18-6-2022, Quyết lên Facebook nói chuyện với Cầm Bá Sáu (28 tuổi, ngụ Gia Lai) nhờ tìm người đi làm, hứa trả hoa hồng 1 triệu đồng/người. Sáu giới thiệu cho Quyết năm người. Tối 19-6-2022, Quyết thuê người chở năm người trên vào TP.HCM giá 8,5 triệu đồng.

Tuy nhiên, khi biết nhóm trên là người dân tộc thiểu số, quản lý công ty từ chối không nhận. Do không có tiền để trả tiền xe nên Quyết nhờ người giới thiệu với Phan Ngọc Đức.

Đức đồng ý nhận đưa nhóm người trên sang Campuchia và thỏa thuận sẽ trả cho Quyết số tiền 700 USD/người. Chuyển tiền xong, Đức đưa năm người lên xe ô tô chở đi.

Khi biết tin về chuyện năm người đi làm lương cao, hai người cùng làng đã liên hệ với Sáu xin đi làm cùng. Cũng với thủ đoạn tương tự, Quyết và Đức phối hợp thuê người đưa hai người này qua Campuchia và nhận được thù lao 3.000 USD.

Trong số bảy nạn nhân có một người chưa đủ 16 tuổi.

Phiên tòa trực tuyến được kết nối đến gần 800 điểm cầu của toàn hệ thống TAND và VKSND toàn quốc cùng tham dự và góp ý rút kinh nghiệm. Ảnh: H.H

Xử sơ thẩm, TAND tỉnh Gia Lai đã tuyên phạt Quyết 15 năm tù về tội mua bán người, 14 năm tù về tội mua bán người dưới 16 tuổi, tổng hợp hình phạt chung là 29 năm tù. Còn Đức bị phạt 28 năm tù về hai tội danh trên.

Hai bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ, xin xem xét về tội danh mua bán người dưới 16 tuổi.

Sau khi xem xét, HĐXX phúc thẩm đã chấp nhận một phần kháng cáo, tuyên phạt bị cáo Quyết 13 năm về tội mua bán người, 11 năm tù về tội mua bán người dưới 16 tuổi, tổng hợp hình phạt chung là 24 năm tù, Đức 23 năm tù cho hai tội danh trên.

HẢI HIẾU

Nguồn PLO: https://plo.vn/phien-xu-truc-tuyen-vu-mua-ban-nguoi-ket-noi-gan-800-diem-cau-tren-ca-nuoc-post752791.html