Phiên họp Ban Chỉ đạo Đề án tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác thể chế hóa chủ trương, chính sách về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

* Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chủ trì . Chiều 12.4, tại Nhà Quốc hội, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án 'Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành pháp luật của Nhà nước' tiến hành Phiên họp thứ nhất dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định - Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án.

Tham dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng.

Cùng dự có: Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thanh Hải - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; các thành viên Ban Chỉ đạo; đại diện lãnh đạo Tòa án Nhân dân Tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định - Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án chủ trì phiên họp

Phát biểu mở đầu phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, theo chương trình công tác năm 2024 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Thông báo kết luận số 209-TB/BNCTW của Ban Nội chính Trung ương đã giao Đảng đoàn Quốc hội nhiệm vụ rất quan trọng là nghiên cứu, tham mưu Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành pháp luật của Nhà nước.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định - Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án phát biểu tại phiên họp

Theo đó, Đảng đoàn Quốc hội đã ban hành Kế hoạch số 2272-KH/ĐĐQH để triển khai các nhiệm vụ được giao. Đồng thời, được sự đồng ý, giới thiệu của các cơ quan liên quan, Đảng đoàn Quốc hội đã ban hành Nghị quyết thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án.

Quang cảnh phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án tại phiên họp lần này là thông qua một số văn bản để làm cơ sở cho việc thực hiện các công việc tiếp theo, gồm: dự thảo Quyết định thành lập Tổ biên tập; dự thảo Kế hoạch của Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án; phân công nhiệm vụ các thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án; Đề cương Báo cáo. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các ý kiến phát biểu ngắn gọn, đi thẳng vào trọng tâm vấn đề.

Theo dự thảo Kế hoạch triển khai xây dựng Đề án, nội dung nghiên cứu của Đề án là một số vấn đề lý luận về nội dung thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành pháp luật của Nhà nước; đánh giá tình hình, kết quả công tác thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành pháp luật của Nhà nước từ Đại hội XII của Đảng đến nay (từ năm 2018 đến nay).

Các đại biểu dự phiên họp

Bên cạnh đó, nghiên cứu quan điểm chỉ đạo, mục tiêu và yêu cầu đặt ra đối với việc thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành pháp luật của Nhà nước; chỉ ra những hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân; đề xuất nhiệm vụ, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo để tăng cường công tác thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành pháp luật của Nhà nước trong thời gian tới.

Tại phiên họp, các thành viên Ban Chỉ đạo nhấn mạnh đây là một nhiệm vụ rất lớn và khó; đồng thời đánh giá cao quá trình chuẩn bị khẩn trương, tích cực của Ủy ban Tư pháp - cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo, cơ bản tán thành với nhiều nội dung trong dự thảo các văn bản.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường trình bày các dự thảo trình xin ý kiến Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án

Các đại biểu cũng góp ý thẳng thắn, trực tiếp vào dự thảo Đề cương chi tiết của Đề án, tiến độ thực hiện các nội dung. Đối với dự thảo Kế hoạch triển khai xây dựng Đề án và dự thảo Đề cương, một số đại biểu cho rằng, nội hàm chính là cần tổng kết, đánh giá, làm rõ và đề ra trong Chỉ thị là cần đổi mới, tăng cường phương thức như thế nào cũng như các biện pháp để bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thể chế hóa các chủ trương, chính sách. Cùng với đó, cần chỉ rõ những lĩnh vực nào còn bất cập để chú trọng có giải pháp tăng cường.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, tại phiên họp, các thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án đã cơ bản thông qua Kế hoạch triển khai xây dựng Đề án, Tổ biên tập, phân công nhiệm vụ của các thành viên.

Ghi nhận các đại biểu đã tham gia góp ý rất trách nhiệm, có sự đồng thuận cao, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, cần xác định việc xây dựng Đề án là nhiệm vụ rất quan trọng, đã được giao là phải hoàn thành, thực hiện đúng nhiệm vụ. Về nội dung Đề án, tiếp cận từ yêu cầu của Chỉ thị của Bộ Chính trị, đánh giá tình hình đến xác định yêu cầu, nhiệm vụ, qua đó đặt ra mục tiêu, giải pháp trên các lĩnh vực khác nhau.

Tin và ảnh: Minh Trang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/phien-hop-ban-chi-dao-de-an-tang-cuong-su-lanh-dao-cua-dang-voi-cong-tac-the-che-hoa-chu-truong-chinh-sach-ve-phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc-i366519/