Phiên giao dịch việc làm - 'cầu nối' giữa doanh nghiệp và người lao động

Suy thoái kinh tế, lạm phát, chi phí đắt đỏ, sự tham gia của trí tuệ nhân tạo… là những khó khăn mà thị trường lao động phải đối mặt trong năm 2023. Tuy vậy, nhờ cách làm sáng tạo trong tổ chức các phiên giao dịch việc làm, Hà Nội đã giải quyết việc làm cho hơn 200.000 lao động.

Mở ra nhiều cơ hội việc làm

Phạm Thùy Trang (30 tuổi), ở huyện Hoài Đức, TP Hà Nội, thất nghiệp đã gần 3 tháng, nhưng vẫn chưa tìm được việc làm mới phù hợp. Phạm Thùy Trang đã có 5 năm làm ở vị trí chăm sóc khách hàng tại một công ty ở Hà Nội, đợt này công ty làm ăn kém nên cắt giảm nhân sự.

Các phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối với các tỉnh, thành phố phía Bắc cung ứng nguồn lao động cho các nhà tuyển dụng tại các tỉnh

Thời gian qua, Trang đã gửi mấy chục bộ hồ sơ xin việc trực tiếp cho các vị trí chăm sóc khách hàng, hành chính, văn thư lưu trữ nhưng đều không có phản hồi. Đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tìm việc và được hướng dẫn cụ thể với nhiều thông tin hữu ích về cơ hội việc làm, đặc biệt là thông tin về sàn giao dịch việc làm trực tuyến, Trang thấy mở ra nhiều cơ hội hơn cho bản thân.

Cũng như Thùy Trang, chị Nguyễn Thanh Hương (huyện Thạch Thất, TP Hà Nội) đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội để tìm việc làm thời vụ trong khi chưa tìm được việc làm ổn định hơn. Chị Hương cho biết, hơn 40 tuổi, rất khó để chị tìm việc làm mới bởi những yêu cầu của các doanh nghiệp thì cao, khả năng cạnh tranh với những lao động trẻ cũng kém hơn nhiều. Khi đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội để làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp, chị được tư vấn hỗ trợ học nghề mới nhưng rất… e ngại. Một phần vì chưa tìm được nghề mới phù hợp, một phần vì băn khoăn, nếu học nghề sẽ mất thời gian nhất định, điều này gây áp lực tài chính khá lớn cho gia đình chị.

Phạm Thùy Trang và Nguyễn Thanh Hương là những đại diện của nhóm lao động thất nghiệp do nhiều doanh nghiệp lao đao sau đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm nhân sự. Tuy nhiên, việc người không tìm được việc không hoàn toàn do lỗi của doanh nghiệp hay tình hình kinh tế.

Phỏng vấn trực tuyến giúp doanh nghiệp và người lao động rút ngắn được thời gian di chuyển, chờ đợi

Theo số liệu thống kê của Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội, Việt Nam vẫn đang trong thời kỳ dân số vàng, bình quân mỗi năm có khoảng 450.000 người bước vào độ tuổi lao động. Với tỷ lệ tham gia lực lượng lao động khoảng 70%, trung bình mỗi năm trong điều kiện bình thường, sẽ có thêm 315.000 người gia nhập thị trường lao động. Mặc dù, nguồn cung lao động dồi dào, nhưng theo một khảo sát đối với 200 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất, chế biến chế tạo, có hơn 1/5 nhà tuyển dụng cho biết họ gặp khó khăn trong tuyển dụng vì nhiều lý do khác nhau. Trong số đó, vấn đề thiếu hụt kỹ năng được coi là cấp thiết nhất khi có từ 70% doanh nghiệp cho hay các ứng viên không đáp ứng được yêu cầu chuyên môn. Thực trạng “khát” nhân lực giỏi trở thành một bài toán khiến nhiều nhà tuyển dụng đau đầu.

Tại Hà Nội, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho hay, qua tổng hợp số liệu tại các phiên giao dịch việc làm cho thấy, số lượng các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng còn khá nhiều. Năm 2023, toàn thành phố đã giải quyết việc làm cho 200.280 lao động, đạt 123% kế hoạch năm, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2022, tương đương 4.794 lao động.

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh & Xã hội Hà Nội Nguyễn Tây Nam cho biết, cơ quan này đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức 214 phiên giao dịch việc làm thu hút 6.127 đơn vị, doanh nghiệp tham gia với tổng số nhu cầu tuyển dụng, tuyển sinh 96.725 chỉ tiêu. Đã có 43.476 lao động được phỏng vấn và 15.315 lao động được tuyển dụng tại các phiên giao dịch việc làm.

Đột phá trong việc tuyển dụng trực tuyến

Chia sẻ về hiệu quả hoạt động của phiên giao dịch việc làm với những cách làm sáng tạo, ông Nguyễn Tây Nam cho hay, thực hiện Đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống Sàn giao dịch việc làm thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo” của UBND TP Hà Nội, Sở Lao động - Thương binh & Xã hội Hà Nội đã chuyển đổi tổ chức của sàn giao dịch việc làm tại 144 Trần Phú (quận Hà Đông) và chuyển đổi mô hình hoạt động của 8 điểm giao dịch việc làm. Đến nay, hệ thống sàn giao dịch việc làm thành phố Hà Nội bao gồm sàn trung tâm tại 215 phố Trung Kính (quận Cầu Giấy) và 14 sàn giao dịch việc làm vệ tinh tại các quận, huyện. Các phiên giao dịch việc làm hàng ngày từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần được tổ chức đồng bộ từ sàn trung tâm đến 14 sàn vệ tinh phục vụ các doanh nghiệp tuyển dụng lao động và người lao động đến tìm việc làm.

Bên cạnh việc tổ chức các phiên giao dịch việc làm định kỳ, Sở Lao động - Thương binh & Xã hội Hà Nội tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm theo chuyên đề, lồng ghép, lưu động tại các quận, huyện, thị xã và các cơ sở đào tạo trên địa bàn thành phố để phục vụ nhu cầu tìm việc của nhiều người lao động. Song hành cùng việc tổ chức các phiên giao dịch việc làm, Sở Lao động - Thương binh & Xã hội Hà Nội đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội mở rộng quy mô, phạm vi hoạt động. Cùng với hình thức phỏng vấn tuyển dụng trực tiếp, trung tâm đã tổ chức phỏng vấn online; công tác tư vấn cho người lao động cũng được triển khai theo hai hình thức này.

Chia sẻ về những đột phá trong việc tuyển dụng trực tuyến, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành cho hay, thực tế hiện nay, tuyển dụng lao động của doanh nghiệp và tìm kiếm việc làm của người lao động không chỉ diễn ra trong phạm vi của mỗi địa phương. Việc áp dụng công nghệ thông tin trong giao dịch việc làm là một phương thức cần thiết.

Đối với Hà Nội, các phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối với các tỉnh, thành phố phía Bắc cung ứng nguồn lao động cho các nhà tuyển dụng tại các tỉnh; đồng thời, thu hút, kết nối người lao động các tỉnh lân cận tới làm việc cho các doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô. Phỏng vấn trực tuyến giúp doanh nghiệp và người lao động rút ngắn được rất nhiều thời gian. Điều này trái ngược hẳn với tuyển dụng truyền thống, khi mà nhà tuyển dụng và người lao động phải chờ “dài cổ” để gặp nhau, phỏng vấn trực tiếp hoặc trao đổi qua điện thoại, E-mail.

Dự báo về triển vọng thị trường lao động năm 2024, ông Vũ Quang Thành nhận định, trong điều kiện kinh tế có nhiều biến động tại Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp có thể bị siết lại. Tuy nhiên, khó khăn luôn đi cùng với cơ hội, vẫn có những ngành nghề quan tâm và tìm kiếm nhân sự nếu như người lao động thật sự có năng lực.

Tại Hà Nội, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp có thể lên đến 100.000 người trong quý I-2024. Đây là những tín hiệu cho thấy thị trường lao động khởi sắc, các doanh nghiệp đang tích cực tham gia tuyển dụng.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/phien-giao-dich-viec-lam-cau-noi-giua-doanh-nghiep-va-nguoi-lao-dong-post565743.antd