Phiên chợ Âm Dương 'ma mị' nhất xứ Kinh Bắc

Chỉ họp duy nhất một lần vào đêm mồng 4 tháng Giêng, chợ Âm Dương tại làng Ó (nay là làng Xuân Ổ, phường Võ Cường, Bắc Ninh) mang đầy vẻ huyền bí, 'ma mị.'

Đêm 13 rạng sáng 14/2 (Đêm mùng 4, rạng sáng mùng 5 Tết), hàng ngàn người dân đã đổ xô đến phiên chợ đặc biệt nhất trong năm tại thành phố Bắc Ninh. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Chợ Âm Dương là phiên chợ đặc biệt, nơi "mua may, bán rủi" nằm tại Làng Ó (Xuân Ổ), phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh. Theo người xưa tương truyền, mỗi năm chợ chỉ họp một lần vào đêm mùng 4 rạng sáng ngày mùng 5 Tết Nguyên đán. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Bên cạnh việc “mua may bán rủi” phiên chợ Âm Dương còn mang ý nghĩa tâm linh, góp phần cầu siêu cho những sỹ tử đã hy sinh trong chiến trận. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Chợ bắt đầu họp vào lúc chập choạng tối trên một bãi đất trống, cạnh một ngôi miếu có tiếng linh thiêng trong vùng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Nhằm giữ gìn nét văn hóa dân gian từ thời xa xưa, từ năm 2022 chợ Âm Dương được khôi phục lại. Du khách thập phương sẽ được thấy lại một nét đẹp văn hóa truyền thống, tâm linh gắn với miền quê quan họ Bắc ninh. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Du khách đến chợ sẽ ghé qua thắp nhang, cầu siêu cho những sỹ tử đã khuất. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Đây là một hình thức sinh hoạt văn hóa mang đậm màu sắc tín ngưỡng dân gian rất đặc trưng của vùng Kinh Bắc. Người dân vùng Bắc Ninh quan niệm rằng có như vậy thì việc làm ăn hay mùa vụ năm đó mới được thuận lợi. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Chợ không sử dụng một số ngọn nến bé để soi hàng. Chợ cũng có những quy định bất thành văn như những người đi chợ không nói cười ồn ào vì sợ những linh hồn hoảng sợ, làm mất đi sự tôn nghiêm của không gian trong chợ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Người dân tin rằng hòa lẫn trong dòng người đến phiên chợ đêm sẽ có cả hương hồn của ông cha, người thân hiện về tìm gặp lại mọi người. Đi chợ Âm Dương cũng là một hình thức để an ủi, động viên nhau xua tan đi nỗi buồn, thương nhớ người thân đã khuất. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Đến chợ người mua không ai mặc cả, trả tiền tùy tâm. Trong bóng đêm chỉ thấy bóng người đi lại và tiếng thì thào to nhỏ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Người đi chợ chỉ để cầu may, trút bỏ muộn phiền, không quá quan tâm đến việc trao đổi mua bán. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Người dân đốt vàng mã để gửi đến cho người đã khuất tại phiên chợ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Chợ Âm Dương có một loại hàng bán rất đặc biệt, đó chính là gà đen, biểu tượng cho sự thần bí, tâm linh. Số lượng gà có hạn nên nhiều người phải chen chân để mua mang về sau phiên chợ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Cô Nguyễn Thị Thúy Hằng (Bắc Giang) cùng gia đình có mặt tại chợ từ chiều cho hay: "Từ lúc khôi phục lại Chợ Âm Dương, năm nào tôi cũng qua đây để mua cho mình một con gà đen mang về để lấy may." (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Tại phiên chợ người sống sẽ thắp hương, đốt vàng mã, đốt nến hoặc ngọn đèn dầu để kết nối với người đã mất với quan niệm rằng đó là dịp làm phúc, làm điều thiện với người đã chết, mong cuộc sống tâm linh của họ sẽ được thanh thản hơn. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Từ Tết Nhâm Dần 2022, phiên chợ đặc biệt và ý nghĩa này đã được phục dựng lại. Vẻ đẹp huyền bí và câu chuyện xung quanh phiên chợ đã được lan rộng đến nhiều tỉnh thành trên cả nước. Rất nhiều người đã cùng nhau đổ về làng Ó để tham dự. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Bên cạnh ý nghĩa “mua may bán rủi”, chợ Âm Dương còn mang ý nghĩa tâm linh, tạo cơ hội cho người chết và người sống gặp nhau. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/phien-cho-am-duong-ma-mi-nhat-xu-kinh-bac-post927738.vnp