Phía sau sản phẩm là nhân cách

Trên sân khấu buổi tọa đàm, khi Vincent Mourou Rochebois đang kể chuyện làm sôcôla, nhìn từ những hàng ghế chỗ khán giả ngồi, chàng trai Nguyễn Văn Chung chăm chú lắng nghe, xót xa trước sự khiếm khuyết...

Cảm giác đau buốt chạy dọc sống lưng khi hình dung cảnh chân vịt máy bơm nước cắt mất đôi chân và cuốn anh vào guồng hút nước dù đó là chuyện của 15 năm trước. Một tay bơi giỏi như Chung lại bị nạn trong dòng nước, chỉ có thể giải thích số phận thách thức tới mức khắc nghiệt đối với con người này.

Nguyễn Văn Chung giới thiệu xà bông thân thiện môi trường. Ảnh: Hoàng Lan.

Bố mất năm Chung học lớp 1, người mẹ chật vật nuôi sáu anh em. Trong khi các anh chị chỉ học hết bậc tiểu học, thì cậu út Chung được mẹ ươm hy vọng học hết cấp 3 để đi tiếp vào đại học. Vậy mà, tai họa ập đến đột ngột, Chung coi như mất đi đôi chân, giấc mơ của cả nhà coi như bị nhấn chìm theo dòng nước. Suốt sáu tháng liền, Chung nhìn mẹ, anh chị khóc trong tuyệt vọng.

Thoát chết từ dòng nước, không thể cứ chìm trong nước mắt; phải lấy lại sức sống từ dòng nước. Tay bơi Nguyễn Văn Chung thấy mình trơn tuột, nhẹ nhàng trong dòng nước, như có ai đó mượn dòng nước mách bảo với anh phải sống như người bình thường từ đây. Lần đầu tiên, Chung xỏ dép vào tay tập đi, ngã một lần thấy đau, ngã riết lại bật lên nghị lực. Anh tập đi bằng tay, bằng nạng và bắt đầu bơi. Một năm sau, Chung xin tham gia câu lạc bộ Thể thao người khuyết tật (TP Hà Nội) ở ba bộ môn ném lao, cử tạ và bơi lội. Đôi vai đầy dặn, cơ bắp chắc khỏe và ý chí sống lại giúp anh tạo những kết quả bứt phá bất ngờ. Chung được chọn vào đội tuyển người khuyết tật Việt Nam tham gia Para Games 2003, giành được hai huy chương bạc. Số tiền thưởng anh xây cho mẹ ngôi nhà ở Thường Tín. Chung tiếp tục giành huy chương vàng ở kỳ thi Para Games tại Thái Lan, rồi huy chương đồng ở Indonesia…

Khi bơi, nước trong hồ nhiều javel ảnh hưởng đến tóc, răng và da. Một người bạn học Bách Khoa là chủ nhiệm hợp tác xã Xuân Dược, đã nghiên cứu về tinh dầu và cả hai trùng hợp trong cách nghĩ làm xà bông từ những nguyên liệu bản địa sẵn có chung quanh mình để tránh tác động không tốt từ hóa chất. Đã hai năm nay, Chung từ không biết gì về tinh dầu, về xà bông đã rành rẽ cách chưng cất lấy tinh dầu từ sả, chanh… làm xà bông thân thiện môi trường.

Vincent Mourou Rochebois, anh chàng người Pháp bỏ thế gian đến Việt Nam làm sôcôla Mourou “ngon nhất thế giới” chia sẻ: nếu không dám làm điều khác biệt thì người suy nghĩ giống bạn sẽ làm như bạn.

Bản thân anh cũng làm điều khác biệt khi ở đất nước này, để thay đổi quan niệm sính ngoại của người tiêu dùng: cứ gì sôcôla ngon phải nhập từ nước ngoài? Có thể làm sôcôla ở Việt Nam với chất lượng tốt được chứ. Vậy là, 60 người trong công ty Mourou tập trung sản xuất sôcôla chất lượng cao, dù sẽ không dễ gì chống lại các thương hiệu nổi tiếng thế giới đang hiện diện ở xứ này? Hai người bạn cùng tạo dựng thương hiệu cho Mourou sau khi điều nghiên cách làm sôcôla truyền thống ở châu Âu. “Không phải chỉ học làm sôcôla mà còn nhiều thứ khác từ cacao”, anh nói.

Khó khăn nhất là việc lựa chọn các hạt cacao làm nên chất lượng sôcôla, làm thương hiệu trên toàn thế giới để người tiêu dùng chọn sôcôla từ Việt Nam. Thế là chàng trai người Pháp này tìm tới sáu tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long có ưu thế trồng cacao tìm hạt có chất lượng như mong muốn, tốn nhiều thời gian để chọn hạt ngon nhất cho dòng sản phẩm không có đường, không có chất hóa học.

“Tôi muốn thế giới biết Việt Nam có vườn cacao và sôcôla ngon đến vậy”, anh nói về thương hiệu sôcôla Mourou. “Khi người ta chọn sôcôla Mourou, đương nhiên tác động đến rất nhiều người trồng cacao. Các thương hiệu sôcôla thế giới từng chọn mua nguyên liệu rẻ tiền làm ra sôcôla đắt tiền sẽ phải thay đổi. Giá trị thương hiệu cacao của Mourou, vì vậy đã tạo sự thách thức. Lúc trước các công ty đó thường mua cacao ở châu Phi và ép giá, cách làm đó không tích cực và tạo hiệu quả xấu”.

Nếu bề ngoài tốt nhưng chất lượng sản phẩm bên trong không tốt thì người ta chỉ mua một lần. Ngược lại sẽ mua nhiều lần. Lúc đầu, tôi không có thị phần nhiều ở Việt Nam nên chỉ xuất khẩu sang nước ngoài. Năm năm trở lại đây tôi đã giành 60% sản lượng cho người Việt Nam. Ở Việt Nam, sôcôla phải có sữa, ngọt, còn loại sôcôla đen, đắng thời gian tới có thể mọi người sẽ thích. Mỗi vùng miền ở Việt Nam đều có khẩu vị rất khác biệt, mỗi màu trong hộp sôcôla đại diện cho một tỉnh như Bến Tre, Tiền Giang, Đồng Tháp…

“Khi bạn làm sản phẩm tốt thì mọi người sẽ vui vì điều đó”, anh nhấn mạnh: “Không chỉ làm tốt cho sản phẩm mà còn cách tổ chức sản xuất bảo vệ môi trường và tôi sẽ tiếp tục làm nữa ở vùng đất mới”.

Theo Khánh An – Nam Việt (Thế Giới Tiếp Thị)

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/kinh-te/phia-sau-san-pham-la-nhan-cach-769549.html