Phía sau những con số đẹp của doanh nghiệp

Việc quản vốn nhà nước tại Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) không đơn thuần chỉ hướng đến mục tiêu bảo toàn, mà còn chú trọng đến khả năng tăng trưởng. Câu chuyện của SCIC cho thấy, không dễ có chuyện ngồi mát ăn bát vàng với các doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu y tế Domesco

Tại Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu y tế Domesco, doanh nghiệp có vốn điều lệ 267 tỷ đồng, SCIC chiếm 34,71% vốn, Tổng công ty đã hỗ trợ tái cấu trúc toàn diện Công ty thành công.

Đứng trước thực trạng sản xuất - kinh doanh của Domesco những năm 2010 - 2011 với doanh thu, lợi nhuận không tăng trưởng, năng lực sản xuất đã đạt đến giới hạn của thiết bị, SCIC đã trực tiếp cử lãnh đạo làm Chủ tịch Hội đồng quản trị doanh nghiệp này, cán bộ SCIC tham gia Ban Kiểm soát và người đại diện nắm giữ vị trí thành viên Hội đồng quản trị kiêm Phó tổng giám đốc tài chính để phối hợp với các thành viên Hội đồng quản trị, Ban giám đốc nghiên cứu và đưa ra các giải pháp, sáng kiến để khắc phục tình trạng “chững lại” của Domesco.

Trước hết, về mặt sản xuất, Domesco đã thực hiện nhiều thay đổi về cỡ lô sản phẩm, cơ cấu sản phẩm, thời gian chạy máy… Nhờ vậy, sản lượng hàng sản xuất: tăng từ 1,1 tỷ đơn vị sản phẩm năm 2013 lên 1,7 tỷ đơn vị sản phẩm năm 2015 (tăng 50%). Doanh thu hàng xuất khẩu tăng từ 730.000 USD lên 1,7 triệu USD (tăng 140%). Đồng thời, Công ty thực hiện tái cơ cấu danh mục sản phẩm, cắt giảm các sản phẩm hiệu quả thấp để tập trung vào nhóm các sản phẩm cao cấp, hiệu quả cao.

Sau 6 quý thực hiện, lợi nhuận gộp đã tăng dần qua các quý; trong đó, lợi nhuận gộp nhóm hàng kinh doanh tăng từ 4,79% trong quý I/2014 lên 14,06% trong quý IV/2015; lãi gộp nhóm hàng sản xuất tăng từ 34,25% lên 37,69%. Lợi nhuận sau thuế của Công ty đã tăng từ 107 tỷ đồng năm 2013 lên 170 tỷ đồng năm 2016.

Ngoài ra, Domesco còn thực hiện tái cơ cấu thị trường, kênh bán hàng, tái cơ cấu mô hình tổ chức, đầu tư ngoài ngành và đặc biệt tái cơ cấu cổ đông với việc có đối tác chiến lược nước ngoài là Tập đoàn Abbott (Hoa Kỳ). Kết quả của chiến dịch trên là Domesco đã có sự phát triển vượt bậc: Lợi nhuận tăng trưởng 40% so với thời điểm tái cơ cấu; vốn điều lệ tăng từ 178 tỷ đồng lên 267 tỷ đồng (tăng 50%); giá trị vốn hóa Công ty hiện nay là 2.292 tỷ đồng, tăng 100%; tỷ lệ cổ tức luôn đạt mức trên 20% bằng tiền mặt và cổ phiếu thưởng để gia tăng lợi ích cho cổ đông.

Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Sa Giang

Tại Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Sa Giang, sau khi tiếp nhận phần vốn nhà nước, SCIC đã từng bước tiến hành cơ cấu tổ chức quản lý, tư vấn và hỗ trợ hoàn thiện hệ thống thể chế nội bộ nhằm đổi mới và nâng cao năng lực quản trị, điều hành doanh nghiệp.

Những thay đổi này đã mang lại kết quả tích cực, Công ty hoạt động ổn định và hiệu quả tương đối cao với ROA, ROE bình quân cả giai đoạn 2007 - 2015 lần lượt là 16% và 20%/năm. Toàn bộ giá trị lợi nhuận Công ty tạo ra trong các năm đều được phân phối hết, chủ yếu là cổ tức trong giai đoạn 2007 - 2015 là 210% mệnh giá.

Tổng công ty cổ phần Bảo Minh

Vai trò cổ đông năng động của SCIC cũng thể hiện khá rõ tại Tổng công ty cổ phần Bảo Minh. Sau khi nhận bàn giao vốn nhà nước tại đây, SCIC đã cử người đại diện tham gia vào Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát Bảo Minh để nắm bắt tình hình tại công ty và có các định hướng xử lý kịp thời về các tồn tại trong Công ty như công nợ; tiền lương; hiệu quả đầu tư; tái cơ cấu, tăng cường năng lực quản trị điều hành).

Bảo Minh đã ban hành quy chế đầu tư mới sửa đổi, bổ sung những bất cập của quy chế cũ; thuê tư vấn Tanennet thực hiện xây dựng chế độ tiền lương đồng thời có chế độ giao khoán tiền lương phù hợp; thành lập Ban xử lý nợ nhằm rà soát các khoản nợ, đánh giá khả năng thu hồi, phân loại nợ; xử lý rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể; lập dự phòng cho từng khoản nợ phải thu khó đòi…

Nhờ những giải pháp như vậy, vốn điều lệ của Bảo Minh đã tăng từ 434 tỷ đồng năm 2006 lên 830 tỷ đồng năm 2016. Tổng doanh thu 2016 của Bảo Minh đạt trên 3.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đặt trên 2.000 tỷ đồng, hàng năm nộp ngân sách nhà nước trên 150 tỷ đồng. Bảo Minh luôn là 1 trong 3 doanh nghiệp bảo hiểm phí nhân thọ lớn nhất thị trường bảo hiểm Việt Nam. Cổ tức cho cổ đông đều duy trì trên 10%, cổ đông nhà nước nhận được bình quân hàng năm khoảng trên 40 tỷ đồng.

Tổng công ty cổ phần Vinaconex

Năm 2010, Tổng công ty cổ phần Vinaconex, một ông lớn trong ngành xây dựng, bất động sản đứng trước tình trạng mất cân đối nghiêm trọng về dòng tiền khi cả hệ thống làm không đủ trả lãi vay cho một số dự án đầu tư.

Với vai trò là cổ đông nhà nước, chi phối tại Vinaconex, SCIC đã hỗ trợ Vinaconex xây dựng Đề án tái cấu trúc tổng thể giai đoạn 2009 - 2015 trên cơ sở ý kiến tư vấn của Credit Suisse, tổ chức tư vấn uy tín nước ngoài trên thế giới và kiên quyết yêu cầu Vinaconex triển khai quyết liệt.

Kết quả, sau 7 năm thực hiện, đến nay, Vinaconex đã thoái vốn được hơn 50 đơn vị, thu về hơn 3.000 tỷ đồng, lợi nhuận đạt hơn 800 tỷ đồng. Đặc biệt, Vinaconex đã thoái thành công 70% vốn góp tại Công ty cổ phần Xi măng Cẩm Phả, chấm dứt tình trạng Vinaconex cạn kiệt các nguồn lực do phải trả nợ thay doanh nghiệp này.

Với sự hỗ trợ của cổ đông lớn SCIC thông qua việc yêu cầu áp dụng các chính sách hiệu quả về quản lý dòng tiền, quản lý công nợ, quản lý hoạt động đầu tư đã giúp cho Vinaconex thoát khỏi tình trạng mất cân đối tài chính (giảm nợ), thoát khỏi nguy cơ mất khả năng thanh toán. Vinaconex đã nâng cổ tức qua từng năm, 4% năm 2013, 6% năm 2014, 7% năm 2015 và 8% năm 2016.

Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm Quốc gia (Vinare)

Tại Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm Quốc gia (Vinare), SCIC đã tham gia vào quá trình tìm kiếm và đàm phán với đối tác nước ngoài, lựa chọn công ty bảo hiểm Thụy Sĩ Swiss Re là đối tác chiến lược; tham gia vào quá trình định giá liên doanh SVI của Vinare làm tăng giá bán 1 triệu USD cho đối tác Hàn quốc; tham gia vào việc sửa đổi điều lệ, xây dựng chiến lược phát triển của doanh nghiệp…

Hiện Vinare đã tăng vốn điều lệ thành công lên 2.700 tỷ đồng, doanh thu hàng năm ước khoảng 1.500 tỷ đồng. Vinare được AM Best đánh giá năng lực tài chính ở mức B++, là mức cao nhất tại thị trường Việt Nam và giữ vị thế là một trong những công ty tái bảo hiểm hàng đầu trên thị trường Việt Nam.

Như vậy, có thể thấy, trong quản trị và tái cơ cấu doanh nghiệp, cổ đông lớn có vai trò đặc biệt quan trọng, thậm chí có thể quyết định sự thành bại của doanh nghiệp.

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang phát triển và hội nhập mạnh mẽ như hiện nay, giới chuyên gia cho rằng, nhất thiết vốn nhà nước phải giao cho những tổ chức giỏi về mặt chuyên môn, đủ chuyên nghiệp để đảm nhận phần việc của mình.

Nguồn ĐTCK: http://tinnhanhchungkhoan.vn/chuyen-dong-doanh-nghiep/phia-sau-nhung-con-so-dep-cua-doanh-nghiep-182342.html