Phía sau những chuyến đi tìm đồng đội hy sinh

Phía sau những chuyến đi tìm kiếm, chăm sóc mộ phần các đồng đội đã hy sinh của 2 cựu chiến binh Nguyễn Thành Chung và Phùng Văn Toàn luôn có sự động viên, hỗ trợ tinh thần của vợ, con. Chính sự thấu hiểu, đồng cảm, sẻ chia của gia đình giúp các cựu chiến binh vững tâm trong công việc đầy nghĩa tình của mình.

Đồng hành cùng chồng

Cựu chiến binh Nguyễn Thành Chung ở tổ 8, phường Nghĩa Thành (Gia Nghĩa) nhiều năm nay vẫn miệt mài, phối hợp với lực lượng chức năng để thực hiện công việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Đối với ông, đó là trách nhiệm của những người còn sống, là tiếng gọi của con tim, lý trí của người lính dành cho đồng đội của mình đã ngã xuống trong chiến tranh.

Gần 20 năm tìm hài cốt liệt sĩ, với những chuyến đi kéo dài cả tuần lễ, thậm chí cả tháng trời, ông Chung luôn nhận được sự ủng hộ từ vợ - bà Nguyễn Thị Đào. Trước mỗi ngày ông Chung lên đường, bà Đào luôn tự tay chuẩn bị đồ đạc cá nhân cho chồng. Ông đi xa bà thường xuyên gọi điện, hỏi thăm sức khỏe. Không một lời phàn nàn, không một lần cáu giận, bà Đào tâm niệm, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ chính là công việc cao quý mà chồng mình được thực hiện.

 Bà Nguyễn Thị Đào cùng chồng nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông năm 2021

Bà Nguyễn Thị Đào cùng chồng nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông năm 2021

Chia sẻ về người vợ của mình, ông Chung xúc động kể, năm 2005 ông bắt đầu với hành trình đi tìm kiếm hài cốt của đồng đội. Thời điểm đó, gia đình ở tỉnh Lâm Đồng, nhưng bất cứ khi nào thân nhân liệt sĩ có nhu cầu hỗ trợ tìm kiếm hài cốt, ông đều sẵn sàng vượt 240 km để tới Đắk Nông. Suốt 3 năm ròng, ông không nhớ đã bao nhiêu lần đi về giữa hai tỉnh, với hành trang chỉ là chiếc ba lô đựng quần áo và chiếc xe gắn máy cà tàng.

Năm 2008, thấy chồng vất vả vì mỗi lần phải vượt qua quãng đường 240 km nên bà Đào khuyên ông Chung bán nhà ở Lâm Đồng chuyển sang Đắk Nông sinh sống. "Tôi bất ngờ và hạnh phúc, xen lẫn một chút hãnh diện vì suy nghĩ này của vợ. Bà ấy luôn ủng hộ tôi và quyết định bán nhà, chuyển sang Đắk Nông sinh sống có lẽ là quyết định táo bạo và can đảm nhất của bà ấy”, cựu chiến binh Nguyễn Thành Chung xúc động khi nhắc về vợ mình.

Ông Chung cho rằng trong suốt những năm tháng qua, nếu không có sự chia sẻ của vợ, có lẽ hành trình đi tìm kiếm hài cốt liệt sĩ của ông đã không thể kéo dài đến ngày hôm nay. “Công việc gia đình một mình bà ấy quán xuyến để tôi toàn tâm mỗi khi lên đường tìm đồng đội. Thậm chí, có nhiều đợt bà ấy còn đồng hành cùng tôi khi đi tìm hài cốt liệt sĩ. Bà ấy bảo rằng, thân nhân liệt sĩ là người từ nơi khác đến, họ không có người thân thích ở đây để nhờ vả nên bà ấy đi theo, phụ giúp gia đình người ta chuyện ăn ở, mua sắm. Cũng bởi thế, mỗi lần tôi nhận được bằng khen của cơ quan chức năng, tôi đều nói vui rằng, tấm bằng khen ấy ghi tên tôi, nhưng người có công lớn nhất vẫn là vợ tôi”, ông Chung nói thêm.

Động viên chồng cố gắng

Tương tự, để hoàn thành tốt công việc “chăm lo giấc ngủ” cho đồng đội ở Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh, cựu chiến binh Phùng Văn Toàn ở tổ 5, phường Nghĩa Phú (Gia Nghĩa) cũng được sự động viên, ủng hộ hết mình từ người vợ - bà Nguyễn Thị Hạnh. Những ngày lễ, ngày giỗ của liệt sĩ, bà Hạnh còn tự tay chuẩn bị lễ để thắp hương tại mỗi phần mộ, góp một phần nhỏ vào công việc hàng ngày của chồng.

Ông Phùng Văn Toàn cho biết, ông làm nghề quản trang được 10 năm, với công việc lo hương khói cho những liệt sĩ được quy tập tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Đắk Nông. Chuyện đi sớm, về muộn là không thể tránh khỏi, nhưng ông luôn nhận được sự cảm thông từ vợ. Đặc biệt, sau khi nghỉ công việc nuôi dạy trẻ, bà Hạnh còn phụ giúp chồng công việc tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh.

Chia sẻ công việc hiện tại của cả hai vợ chồng, bà Hạnh tự hào: “Ông nhà tôi may mắn được trở về sau chiến tranh nên đối với tôi đó là điều rất hạnh phúc rồi. Tâm niệm của chồng là được chăm sóc cho những phần mộ của đồng chí, đồng đội nên tôi ủng hộ và hỗ trợ hết mình. Ngày trước khi còn đi làm, thì việc ở nghĩa trang một mình ông ấy lo hết. Sau này có thời gian, tôi mới phụ ông ấy một tay, vừa để đỡ đần chồng, vừa để thể hiện tấm lòng thành kính, biết ơn của mình”.

 10 năm qua, bà Nguyễn Thị Hạnh luôn động viên, hỗ trợ ông Phùng Văn Toàn trong công việc quản trang

10 năm qua, bà Nguyễn Thị Hạnh luôn động viên, hỗ trợ ông Phùng Văn Toàn trong công việc quản trang

Đều đặn hàng tháng, cứ vào ngày mùng một và ngày rằm, bà Hạnh và chồng lại dọn dẹp, vệ sinh sạch đẹp các phần mộ, sắm sửa lễ để hương khói cho những liệt sĩ. Riêng ngày giỗ và ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, ông bà chuẩn bị đồ cúng tươm tất, đầy đặn hơn để các đoàn đến thắp hương tưởng nhớ. Đối với những gia đình ở xa, không có điều kiện thường xuyên đến thăm nom, thắp hương, nếu có nguyện vọng, bà Hạnh đều hỗ trợ chuẩn bị lễ cúng vào ngày giỗ.

Bà Hạnh chia sẻ: “Trong suy nghĩ của vợ chồng tôi, việc làm của mình không thể thấm tháp gì với sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ. Tuy nhiên, với tất cả sự biết ơn, tôi và chồng luôn động viên nhau cùng cố gắng. Mình còn sức khỏe, còn chăm lo hương khói cho các liệt sĩ thì cứ làm. Đây cũng là công việc mà hai vợ chồng tôi coi như niềm vui của tuổi già”.

Thanh Hằng

1,506

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/xa-hoi/phia-sau-nhung-chuyen-di-tim-dong-doi-hy-sinh-94086.html