Phi vụ 1 bảng lúc nửa đêm nhằm giải cứu ngân hàng Silicon Valley ở Anh

Kể từ thời điểm SVB sụp đổ vào chiều 10/3, các cơ quan quản lý ngân hàng biết rằng họ chỉ có hai ngày để củng cố niềm tin và ngăn chặn ảnh hưởng của việc này lan rộng ở Anh.

Một nhóm người đã làm việc suốt cuối tuần và đến tận đầu giờ sáng 12/3 để cố gắng cứu vãn chi nhánh ngân hàng Silicon Valley (SVB) ở Anh hoặc đối mặt với rủi ro hỗn loạn khi thị trường mở cửa.

Sự sụp đổ nhanh chóng của ngân hàng SVB ở Mỹ ban đầu khiến các nhà quản lý ở Anh không ngờ tới. Trong vòng vài giờ vào tối 10/3, rõ ràng là cánh cửa giải cứu chi nhánh của SVB tại Anh đã rất hẹp.

Hôm 13/3, HSBC, ngân hàng lớn nhất châu Âu với bảng cân đối kế toán gần 3.000 tỷ USD, thông báo họ đang mua SVB UK với giá thấp hơn giá của một tách cà phê.

HSBC nổi lên như một “hiệp sĩ trắng” vào phút cuối sau chưa đầy 24 giờ dành ra để xem xét kỹ lưỡng sổ sách của SVB UK.

Tình hình rất khẩn cấp

Với tài sản khoảng 6,9 tỷ USD và số tiền gửi khoảng 8,2 tỷ USD, SVB UK không là gì so với HSBC. Tuy nhiên, với những lo ngại rằng sự sụp đổ của SVB có khả năng sẽ tạo ảnh hưởng vang dội đến lĩnh vực khởi nghiệp của Anh, một thỏa thuận vội vàng đã được đưa ra.

Mặc dù ít nhất một người mua đã đưa ra mức giá cao hơn một bảng Anh (1,21 USD) tượng trưng của HSBC, một nguồn tin cho biết HSBC được ưa thích hơn vì quy mô và nguồn lực của họ.

Sau làn sóng đột ngột rút tiền gửi, Ngân hàng Trung ương Anh đã kích hoạt một cuộc đua gấp rút để cứu vãn SVB UK, trong khi tìm cách đưa nó vào tình trạng mất khả năng thanh toán nếu không tìm được người mua.

Nguồn tin cho biết tình hình rất khẩn cấp vì SVB UK đã mất gần một nửa số tiền gửi trong 48 giờ trước khi được giải cứu.

Tòa nhà nơi có văn phòng của SVB ở London. Ảnh: Reuters.

Vào cuối chiều 11/3, các quan chức đã liên hệ với những người mua tiềm năng để xem xét kỹ hơn về SVB UK, cho phép họ truy cập vào các hồ sơ trực tuyến chứa thông tin tài chính của ngân hàng.

Khi cuộc khủng hoảng ngày càng nghiêm trọng, vào sáng 12/3, Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt đã tìm cách trấn an các khách hàng của SVB ở Anh rằng chính phủ đang nghiên cứu giải pháp.

Các ngân hàng bao gồm Lloyds Banking Group, ngân hàng NatWest, ngân hàng London và OakNorth đã kiểm tra sổ sách để xem liệu có thể đạt được thỏa thuận khẩn cấp hay không, các nguồn tin nói với Reuters.

Tuy nhiên, các quan chức Bộ Tài chính vẫn tiếp tục thực hiện "kế hoạch B" trong trường hợp việc mua bán không thành công. Điều này có thể khiến SVB UK tan rã nếu không có người mua nào xuất hiện.

Một loạt đối tác ngỏ ý mua, bao gồm HSBC, thực hiện các cuộc gọi điện thoại và video vào lúc nửa đêm khi giới chức Anh, cũng như các ông chủ của SVB UK, cố gắng tìm cách làm thế nào vụ tiếp quản của họ có thể được thực hiện trước khi thị trường London mở cửa.

“Thật là điên cuồng. Tuy nhiên, nó không điên cuồng như việc ‘chúng tôi không thể giải quyết vấn đề’. Thật điên cuồng vì chúng tôi phải giải quyết vấn đề này trước 7h sáng”, một người tham gia vào các cuộc đàm phán qua đêm cho biết.

Động thái gấp rút vào cuối tuần để giải cứu SVB UK làm sống lại những ký ức về cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, khi các cơ quan quản lý phải chạy đua để ngăn chặn sự sụp đổ của Lehman Brothers và việc đổ xô rút tiền tại ngân hàng Northern Rock đã phá sản.

Tuy nhiên, 15 năm áp dụng công nghệ, được thúc đẩy bởi các đợt phong tỏa do đại dịch, đã thay đổi cách giải cứu những ngân hàng. Đã qua rồi cái thời đưa đón các chủ tịch và giám đốc điều hành đến Phố Downing để đàm phán gay gắt, theo Guardian.

Thay vào đó, hầu hết đều sẵn sàng đàm phán qua màn hình máy tính.

Thông báo vào giờ chót

Ngay cả Thủ tướng Rishi Sunak cũng theo dõi tình hình và tham gia cuộc gọi với Bộ trưởng Hunt và Ngân hàng Trung ương Anh trong chuyến bay kéo dài 15 giờ đến Mỹ.

Bất chấp kết nối wifi không ổn định, ông Sunak đã cố gắng giữ liên lạc với thống đốc Ngân hàng Trung ương và ông Hunt trong chuyến bay, khi các cuộc đàm phán diễn ra.

Một đội ngũ của HSBC, bao gồm Giám đốc điều hành Noel Quinn và Giám đốc điều hành chi nhánh ở Anh Ian Stuart, đã bắt đầu xem xét kỹ lưỡng SVB UK vào chiều 12/3.

Vào đầu giờ tối 12/3, các quan chức của Bộ Tài chính Anh đã cho những người mua tiềm năng 30 phút cuối cùng để gửi đề nghị của họ.

Trong khi đó, tại Mỹ, các cơ quan quản lý đã chuyển sang bảo vệ người gửi tiền SVB, cũng như thực hiện các biện pháp rộng rãi hơn để củng cố niềm tin vào hệ thống ngân hàng.

Tiềm năng thu hút khoảng 3.000 khách hàng khởi nghiệp và công nghệ tăng trưởng cao đã hấp dẫn CEO Quinn của HSBC. Một nguồn tin thân cận với vấn đề này cho biết giá mua danh nghĩa và tình hình của SVB UK thể hiện thỏa thuận này cũng có ý nghĩa về mặt tài chính.

HSBC mua lại chi nhánh của ngân hàng Silicon Valley ở Anh (SVB UK) với giá một bảng. Ảnh: NurPhoto/REX/Shutterstock.

Tại Anh, SVB UK từng được xem như một “cứu tinh” cho các doanh nghiệp start-up, khi giải quyết những vấn đề mà các ngân hàng khác hiếm khi quan tâm.

Trong khi đó, HSBC là ngân hàng lớn nhất châu Âu, tiềm lực của ngân hàng này bảo đảm an toàn cho khoản tiền gửi lên đến 8,1 tỷ USD của các khách hàng tại SBV UK.

Những công việc chuẩn bị cuối cùng tiếp tục đến tối 12/3 vì thỏa thuận này cần được miễn trừ các quy tắc “hàng rào khoanh vùng” của Anh.

Các quy tắc “hàng rào khoanh vùng” của Anh, được đưa ra sau cuộc khủng hoảng tài chính, nhằm bảo vệ tiền gửi của khách hàng hàng ngày khỏi các hoạt động rủi ro hơn của ngân hàng. Chính phủ đã đồng ý từ bỏ những hạn chế đó.

Đến 5h sáng, các đối thủ chính thức được thông báo về việc HSBC được lựa chọn và công việc chuẩn bị được thực hiện trước 7h sáng - một giờ trước khi thị trường London mở cửa.

Tuy nhiên, việc tiếp quản này và các biện pháp của Mỹ cũng khó có thể trấn an các nhà đầu tư vào ngày 13/3 rằng điều tồi tệ nhất đã qua. Cổ phiếu của các ngân hàng ở châu Âu đã đồng loạt giảm mạnh.

Vân Đinh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/phi-vu-1-bang-luc-nua-dem-nham-giai-cuu-ngan-hang-silicon-valley-o-anh-post1411826.html