Phí thẻ ngân hàng tại Việt Nam thuộc loại cao nhất thế giới

Đến hết năm 2015, Việt Nam đã có hơn 100 triệu thẻ ngân hàng nhưng chỉ khoảng 70 triệu thẻ trong số này là hoạt động thường xuyên.

Chủ thẻ phải chịu quá nhiều chi phí

Theo thông tin của Bộ Công Thương, tính đến hết năm 2015, số lượng thẻ nội địa được các ngân hàng phát hành đã ở mức hơn 100 triệu thẻ. Hiện tại, Việt Nam đang có dân số hơn 90 triệu, như vậy mỗi người đã sở hữu nhiều hơn 1 thẻ ngân hàng.

Khá dễ hiểu về các con số trên nếu biết trong những năm trở lại đây lượng thẻ ngân hàng mới được tung ra đã tăng đến chóng mặt. Nếu năm 2010, số lượng thẻ chỉ ở mức 31 triệu thì đến 2015, con số này đã tăng tới hơn 3 lần. Mặc dù vậy, số lượng thẻ hoạt động thực tế chỉ vào gần 70 triệu thẻ và chỉ có khoảng hơn 20 triệu người sở hữu những tài khoản ngân hàng này.

Chi phí phát hành thẻ tại Việt Nam đang cao gấp 5 lần so với bình quân trên thế giới.

Không chỉ tăng mạnh về số lượng, doanh số thanh toán và doanh số sử dụng qua thẻ ngân hàng cũng tăng trưởng ở mức cao. Năm 2011, doanh số thanh toán ở mức 895.000 tỷ đồng và doanh số sử dụng đạt 724.000 tỷ đồng đến 2015, các con số này lần lượt là gần 1,7 triệu tỷ đồng và hơn 1,6 triệu tỷ đồng. Bên cạnh đó, lượng máy ATM và máy POS cũng tăng mạnh, tính đến đầu 2016 toàn thị trường đã có 16.573 máy ATM và 217.470 máy POS, tăng trưởng 23% và 181% so với năm 2011.

Qua những con số trên có thể thấy thị trường thẻ ngân hàng đang phát triển với tốc độ nhanh chóng mặt nhưng vẫn có một nghịch lý mà người dùng phải chịu là các chi phí có liên quan tới dạng thẻ này tại Việt Nam đang thuộc loại cao nhất thế giới. Theo TS Lê Huy Khôi - Viện nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương), chỉ tính riêng khoản chi phí phát hành thẻ cũng đang ở mức quá cao, hiện tại ở Việt Nam mức phí bình quân của 1 thẻ ngân hàng đang là 5USD, trong khi đó trên thế giới chỉ vào khoảng 1 USD/thẻ.

Bên cạnh đó, khi sử dụng chủ thẻ còn phải chịu hàng loạt các chi phí có liên quan khác như phí in bản sao kê, phí rút tiền ATM, phí đổi ngoại tệ, phí thường niên... "Không chỉ vậy, trong khi cả lãi suất cho vay và lãi suất huy động đều có xu hướng giảm thì lãi suất cho vay qua thẻ vẫn đang ở mức rất cao. Mỗi chủ thẻ đang phải gánh chịu các khoản chi phí rất lớn khi sử dụng thẻ ngân hàng", ông Khôi khẳng định.

Ông Khôi chia sẻ thêm: Mặt khác, tại các cửa hàng, trung tâm thương mại chấp nhận thanh toán qua thẻ, khách hàng lại phải trả thêm khoảng 3% tính theo tổng chi phí cho dịch vụ mà mình đã sử dụng. Số tiền này có 2% trả cho ngân hàng để đầu tư máy POS và 1% cho đơn vị phát hành thẻ quốc tế. Vì vậy, trên thực tế, rất nhiều điểm kinh doanh thay vì chấp nhận mức phụ phí nói trên thì thay vào đó là đẩy cho khách hàng.

Đồng ý với nhận định của ông Khôi, ông Nguyễn Văn Tuấn - Phó tổng giám đốc VCCorp lấy ví dụ, một chiếc iPhone có giá thực là 20 triệu đồng, nhưng khi thanh toán qua thẻ ngân hàng người mua phải trả thêm khoảng 500.000 đồng chi phí thanh toán, đó là chưa kể đến các chi phí có liên quan khác như phí vận chuyển, mua hàng qua mạng... "Những khoản này khiến giá thực của sản phẩm bị đẩy lên đáng kể và người mua sẽ phải gánh chịu hết", ông Tuấn nói.

Thẻ ATM chủ yếu dùng để rút tiền

Vẫn nói về thị trường thẻ ngân hàng, ông Lê Huy Khôi cho biết, mặc dù có số lượng lên đến hơn 100 triệu thẻ nhưng số thẻ hoạt động thực tế chỉ vào khoảng 70 triệu. Đồng thời số lượng người có tài khoản ngân hàng trên thực tế chỉ vào khoảng hơn 20 triệu người. Đồng thời, chỉ có khoảng 30% người trưởng thành ở Việt Nam có tài khoản ngân hàng, thấp hơn rất nhiều so với bình quân thế giới là 62%.

Đa phần người Việt dùng thẻ ATM để rút tiền.

Nhiều ngân hàng chỉ phát hành "thẻ ma" rồi để đó, con số 30 triệu thẻ dạng này là một nghịch lý lớn của thị trường nếu biết việc phát hành thẻ phải song song với phát triển hạ tầng thanh toán nhằm đảm báo quyền lợi cho khách hàng. Thực tế, nhiều ngân hàng vẫn đang chạy đua nhằm tăng thị phần thẻ cũng như đẩy mạnh kênh rút tiền mặt thay vì hướng tới sự phát triển lâu dài về thực chất. Điều này tiềm ẩn nguy cơ khiến nợ xấu tăng tăng cao trong khi các điều kiện đảm bảo an toán đang bị ngân hàng nới lỏng quá mức, ông Khôi nói.

Nhấn mạnh nhận định của ông Khôi, bà Lê Thị Hà - đại diện Cục Thương mại điện tử và CNTT (Bộ Công Thương) cho biết, có tới 85% doanh thu thanh toán thẻ đến từ rút tiền tại các cây ATM. Chỉ có khoảng 15% doanh thu đến từ các điểm chấp nhận thanh toán POS và các giao dịch phát sinh khác. Thực trạng này có thể nhận thấy rất rõ vào giai đoạn cận Tết khi các cây ATM mặc dù có trong đó khoảng xấp xỉ 2 tỷ tiền mặt nhưng liên tục trong tình trạng quá tải người đến rút.

Để khắc phục tình trạng trên cũng như đưa thị trường thẻ Việt Nam phát triển đúng với tiềm năng đang còn rất lớn, nhiều chuyên gia cho rằng đã tới lúc cần có các giải pháp nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.

Theo ông Khôi, Chính phủ cần có những chính sách hỗ trợ thuế giá trị gia tăng hoặc giảm thuế cho phần doanh thu qua giao dịch thẻ của các điểm bán hàng, đó cũng là cách giảm tải chi phí mà khách hàng sử dụng thẻ phải chịu. Bên cạnh đó, việc giảm thuế nhập khẩu của máy ATM, máy POS... cũng sẽ giúp khắc phục tình trạng những điểm thanh toán này mặc dù đang phát triển nhanh nhưng chỉ tập trung chủ yếu tại khu vực thành thị trong khi nông thôn và miền núi còn rất hạn chế.

Ngoài ra, cũng cần có quy định bắt buộc các cơ sở bán hàng, siêu thị, các dịch vụ có số lượng thanh toán lớn phải có phương thức thanh toán qua thẻ. Điều này không chỉ khuyến khích người tiêu dùng sử dụng thanh toán không bằng tiền mặt mà còn chống thất thu thuế một cách hiệu quả, ông Khôi hiến kế thêm.

Được biết, một trong những nguyên nhân khiến đa phần người dân vẫn có thói quen sử dụng tiền mặt do không hoàn toàn tin tưởng về tính an toàn của các dịch vụ thanh toán qua mạng. Đặc biệt trong bối cảnh xuất hiện nhiều vụ liên quan tới mất tiền trong thẻ ngân hàng diễn ra thời gian qua. Chính vì vậy theo các chuyên gia, ngân hàng cần phải coi việc tăng cường an toàn, an ninh mạng là nhiệm vụ quan trọng nhất, qua đó đưa ra nhiều biện pháp đảm bảo an toàn giao dịch cho khách hàng ở mức độ cao như kiểm tra giọng nói, mống mắt... nhằm hạn chế tối đa những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/phi-the-ngan-hang-tai-viet-nam-thuoc-loai-cao-nhat-the-gioi-273654.html