Phế, phụ phẩm nông nghiệp là nguồn tài nguyên tái tạo

Nước ta là một nước sản lượng nông nghiệp lớn, hiện nay, phụ phẩm nông nghiệp được đánh giá là nguồn tài nguyên tái tạo phong phú, giàu tiềm năng. Nếu được sử dụng khoa học, nguồn phế, phụ phẩm này sẽ đem lại hiệu quả kinh tế không nhỏ, đồng thời góp phần giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Phế, phụ phẩm nông nghiệp là nguồn tài nguyên tái tạo

Trong những năm qua, nông nghiệp Việt Nam có bước chuyển mình mạnh mẽ. Sản xuất nông nghiệp theo hướng thị trường, mang lại chất lượng và giá trị gia tăng cao. Tuy nhiên, quá trình sản xuất nông nghiệp cũng tạo ra một lượng phế, phụ phẩm lớn, nếu quản lý không chặt chẽ sẽ gây ô nhiễm môi trường và lãng phí nguồn chất hữu cơ. Nguồn tài nguyên này nếu được khai thác, sử dụng tốt không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế mà còn góp phần bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính.

Tổng lượng phế, phụ phẩm trong nông nghiệp của Việt Nam ước tính khoảng 160 triệu tấn/năm, trong đó có khoảng 90 triệu tấn phụ phẩm sau thu hoạch từ cây trồng và quá trình chế biến nông sản, 62 triệu tấn phân gia súc, gia cầm từ ngành chăn nuôi…

Các phụ phẩm trong trồng trọt được dùng sản xuất viên nén, cồn công nghiệp, phát điện sinh khối, làm đệm lót sinh học chăn nuôi, phân hữu cơ... Thế nhưng, nguồn tài nguyên quý giá này, xét ở góc độ nào đó, lại đang bị lãng phí khi có tới 45,9% lượng rơm khô và vỏ trái cây bị đốt. Chất thải chăn nuôi được quản lý bằng nhiều cách: Ủ phân compost, xử lý bằng chế phẩm vi sinh vật, công trình khí sinh học...nhưng hiện nay chất thải trong ngành chăn nuôi mới tận dụng được 23% để sản xuất phân bón hữu cơ. Bột xương, bột gia cầm, bột lông vũ, mỡ động vật là các sản phẩm chính của ngành chế biến, các phụ phẩm giết mổ cũng bắt đầu được tận dụng để sản xuất thức ăn chăn nuôi... Khoảng 90% phụ phẩm chế biến thủy sản đã được thu gom, chế biến thành các sản phẩm có giá trị phục vụ cho sản xuất thức ăn, các sản phẩm có giá trị kinh tế cao như collagen và một số thực phẩm ăn liền...

Trong khi đó nếu sử dụng, chế biến phế, phụ phẩm nông nghiệp hằng năm, phần sinh khối phụ phẩm từ lúa, ngô, mía, rau các loại có thể cung cấp khoảng 43 triệu tấn hữu cơ, 1,8 triệu tấn đạm urê, 1,6 triệu tấn supe lân đơn, 2,2 triệu tấn kali sulfat. Đây được coi là con số khổng lồ để bù đắp lại dinh dưỡng trong đất và sử dụng cho cây trồng trong canh tác nông nghiệp.

Theo một tính toán, tiềm năng sinh khối từ 160 triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp tương đương khoảng 60 triệu tấn dầu DO, với giá trị trên 46 tỷ USD. Đáng chú ý, nguồn lợi này có tiềm năng tạo việc làm cho 180.000 người và làm lợi cho 13 triệu hộ gia đình, 900.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.

Hiện nay có nhiều mô hình rất hay áp dụng nguyên lý kinh tế tuần hoàn gắn với tăng trưởng xanh, sử dụng phụ phẩm trong nông, lâm, thủy sản là nguồn tài nguyên tái tạo. Một số hợp tác xã (HTX) và hộ nông dân đã xử lý rơm rạ tại đồng ruộng bằng chế phẩm sinh học để dùng làm phân bón thay vì mua phân NPK. Như vậy, ngoài thu lúa thì phụ phẩm nông nghiệp được chế biến thành thức ăn gia súc dạng viên, xuất khẩu mang lại giá trị rất cao (khoảng 1-5 USD/kg).

Với lĩnh vực thủy sản, một số doanh nghiệp đã chế biến phụ phẩm thành mặt hàng có giá trị cao. Điển hình như Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn ở tỉnh Đồng Tháp, Công ty Cổ phần Việt Nam Food (VNF), Công ty Cổ phần Sao Mai... đã đầu tư công nghệ hiện đại chế biến từ phụ phẩm thủy sản thành bột cá-nguyên liệu cho thức ăn chăn nuôi, collagen và gelatin (từ da cá tra)... Những nguyên liệu này được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Hiện chế biến phụ phẩm thủy sản ở nước ta mới đạt khoảng 275 triệu USD, nếu khai thác hết nguồn phụ phẩm gần 1 triệu tấn của ngành thủy sản bằng các công nghệ cao thì có thể thu về 4-5 tỷ USD.

Ở góc độ các địa phương, trang trại và người nông dân cần tiếp tục phát triển, mở rộng những mô hình thực hành nông nghiệp tốt, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn. Đặc biệt, ngành Nông nghiệp cần hướng tới hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân thực hiện sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị: Sản xuất - phân phối - tiêu dùng - tái chế; sản xuất - chế biến (tái chế) - phân phối - tiêu dùng (sản xuất).

Mặt khác, Bộ, Sở NNPTNT cần triển khai các biện pháp nghiên cứu phát triển, chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ trong chế biến phụ phẩm nông nghiệp.

Ngô Sơn

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/phe-phu-pham-nong-nghiep-la-nguon-tai-nguyen-tai-tao-326958.html