Phát triển y tế cơ sở theo hướng công bằng, hiệu quả. Bài 1: Tăng năng lực khám, chữa bệnh của trạm y tế xã

Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6, khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới, diện mạo ngành y tế Quảng Trị có nhiều thay đổi tích cực và toàn diện. Toàn tỉnh có 124/125 trạm y tế cấp xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến năm 2020, tạo tiền đề vững chắc triển khai chăm sóc sức khỏe ban đầu, thực hiện dự phòng, quản lý, nâng cao sức khỏe Nhân dân.

> Phát triển y tế cơ sở theo hướng công bằng, hiệu quả. Bài 2: Những khó khăn, bất cập của y tế cơ sở

>> Phát triển y tế cơ sở theo hướng công bằng, hiệu quả. Bài 3: Tạo nền tảng tiến tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân

Trạm Y tế phường Đông Giang, TP. Đông Hà đảm bảo việc khám, điều trị bệnh nhân ở tuyến đầu tiên - Ảnh: T.L

Trưởng thành hơn qua phòng, chống dịch bệnh

Hình ảnh ấn tượng đối với chúng tôi khi đến Trạm Y tế xã Linh Trường, huyện Gio Linh là tất cả y bác sĩ, bệnh nhân, khách bước vào thềm trạm y tế đều phải để giày dép ở ngoài và sử dụng giày dép do đơn vị trang bị sẵn, tiếp đó đến bàn có bình nước rửa tay sát khuẩn trước khi vào đề xuất nhu cầu khám, chữa bệnh (KCB).

Bác sĩ Hồ Xuân Hải, Trưởng Trạm Y tế xã cho biết, nhắc đến xã Linh Trường hẳn nhiều người nhớ đến dịch bệnh bạch hầu xảy ra tại thôn Sông Ngân với 9 ca dương tính ghi nhận được từ ngày 31/7 đến 9/8/2020. Ngành y tế xác định lúc ấy tại Sông Ngân đã xuất hiện ổ dịch bệnh bạch hầu. Ngay lập tức, từ sự chỉ đạo xuyên suốt từ tuyến tỉnh về huyện và xã, cán bộ y tế xã đảm trách nhiệm vụ khoanh vùng, dập dịch tại địa phương. Trạm Y tế xã Linh Trường phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh lấy 218 mẫu của người dân ở các thôn Sông Ngân, Khe Me, Ba De, Bến Tắt gửi đi xét nghiệm PCR; triển khai uống kháng sinh dự phòng bạch hầu; tổ chức tiêm vét vắc xin có thành phần bạch hầu trong độ tuổi tiêm chủng; tiến hành phun khử khuẩn 48/48 hộ dân thôn Sông Ngân và phát tờ rơi truyền thông phòng, chống dịch bệnh hầu đến các hộ dân. Với những người dương tính bệnh bạch hầu, trạm đã thiết lập khu cách ly điều trị dưới sự KCB trực tiếp của bác sĩ Hồ Trung Ương, Phó Trưởng trạm và điều dưỡng Hồ Thị Hà cho đến khi các bệnh nhân có kết quả âm tính với bệnh.

Những ngày tháng 10/2020, tại địa bàn huyện Hải Lăng xuất hiện 3 trường hợp mắc bệnh whitmore gây lo lắng cho nhiều người. Bác sĩ Lê Thị Tảo, Trưởng Trạm Y tế xã Hải Trường cho biết, ban đầu bệnh nhân V.Đ ở thôn Trung Trường đến trạm khám với vết thương hở dài 5 cm, sâu 0,5 cm ở dưới bắp tay trái. Người bệnh kể những ngày qua thường xuyên ngâm mình giữa nước lũ để chằng chống nhà cửa nên vết trầy xước nhỏ ban đầu đã ăn dần vào thịt, gây lở loét. Nghi ngờ bệnh nhân mắc whitmore, Trạm Y tế xã giới thiệu bệnh nhân đến Trung tâm Y tế huyện Hải Lăng tiếp tục xét nghiệm. Nhờ bệnh nhân được chẩn đoán bệnh sớm, chuyển vào Bệnh viện Trung ương Huế điều trị kịp thời nên sau đó được chữa khỏi bệnh.

Xã Hải Trường có 5 thôn, trong đó đến 4 thôn ở vùng thấp trũng. Sau những trận lũ liên tiếp vào hai tháng 10 và 11/2020 đã làm 4/5 thôn của xã cũng như nhiều khu dân cư các xã vùng trũng Hải Lăng bị ô nhiễm môi trường, tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi, phát triển, trong đó có nguyên nhân phát sinh bệnh whitmore. Kế hoạch phòng, chống bệnh whitmore được ngành y tế của huyện tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện điều tra dịch tễ học, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ và các đối tượng có nguy cơ cao nhằm ngăn chặn kịp thời bệnh phát triển, nhờ vậy căn bệnh này không lây lan thêm ra cộng đồng tại xã Hải Trường cũng như các địa phương khác của huyện Hải Lăng.

Với COVID-19 thì Trạm Y tế phường Đông Giang, TP. Đông Hà là một trong ít trạm y tế trên địa bàn tỉnh có trải nghiệm phòng, chống dịch thực tế nhất. Bác sĩ Nguyễn Trường Sơn, Trạm trưởng Trạm Y tế phường cho biết: COVID-19 đợt 2 của năm 2020, trên địa bàn của phường có 2 trường hợp dương tính. Cơ quan chức năng đã lập 2 chốt phong tỏa tại hai địa bàn có người mắc bệnh để bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Không quản nguy hiểm của dịch bệnh, những ngày đó, các y bác sĩ của trạm đi đến từng nhà, từng người dân trong vùng thực hiện cách ly phong tỏa để lấy mẫu xét nghiệm cũng như động viên để người dân yên tâm thực hiện tốt quy định trong khu cách ly, phong tỏa của cơ quan chức năng. Chăm lo sức khỏe cho Nhân dân, các y bác sĩ cũng phải tự cách ly, đêm ngủ tại trạm y tế và các chốt, không về gia đình trong một thời gian dài. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và các y bác sĩ của trạm nên tình hình dịch bệnh tại phường sớm được ngăn chặn, chỉ dừng lại 2 bệnh nhân và sau đó được điều trị, công bố khỏi bệnh...

Nhiều tiến bộ trong chăm sóc sức khỏe Nhân dân

Theo báo cáo của Sở Y tế, tổng số nhân viên y tế đang công tác tại các xã, phường trong tỉnh là 874 người, trong đó 145 người có trình độ bác sĩ, 182 người trình độ y sĩ, 158 nữ hộ sinh trung học, 125 dược sĩ trung học và 142 điều dưỡng. Giai đoạn 2014 - 2020, công tác KCB, chăm sóc sức khỏe Nhân dân ở trạm y tế xã có nhiều tiến bộ nhờ được củng cố một bước về nhân lực và đầu tư cơ sở vật chất cũng như phương tiện y tế. Các đối tượng chính sách xã hội, người nghèo, đồng bào các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, bệnh nhân tham gia bảo hiểm y tế được tiếp cận dịch vụ KCB có chất lượng hơn. Hoạt động y tế xã luôn hướng về cộng đồng, tích cực, chủ động phòng, chống hiệu quả dịch bệnh.

Đặc biệt, có 100% huyện, thị xã, thành phố có nghị quyết của cấp ủy, HĐND, kế hoạch của UBND về công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân, giao chỉ tiêu cho từng xã, phường phấn đấu thực hiện xây dựng xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã. Các xã, phường đã đạt chuẩn quốc gia về y tế, hằng năm công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân được đưa vào nghị quyết của đảng ủy, HĐND; có kế hoạch hành động cụ thể do UBND xã, phường phê duyệt để thực hiện những nghị quyết trên. Công tác truyền thông giáo dục sức khỏe được tổ chức thực hiện lồng ghép tại trạm y tế, tại cộng đồng và gia đình giúp người dân nắm được kiến thức về phòng, chống một số bệnh nguy hiểm tại địa phương. Nhờ sự quan tâm của tỉnh và ngành y tế nên các trạm y tế các xã cơ bản đáp ứng trên 70% danh mục trang thiết bị y tế thiết yếu theo quy định của Bộ Y tế, đảm bảo thực hiện việc khám, điều trị bệnh nhân ở tuyến đầu tiên.

Có thể thấy rằng, thời gian qua tỉnh Quảng Trị đã thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân. Đạt được kết quả trên có vai trò rất lớn của các trạm y tế xã. Sự phối hợp nhịp nhàng giữa chuyên môn kỹ thuật và y tế dự phòng tại các trạm y tế cấp xã được thể hiện rõ ràng tại Quảng Trị trong quá trình khống chế các dịch bệnh bạch hầu, whitmore, COVID-19 và đang được chủ động phòng, chống, điều trị với tất cả các bệnh khác khi xảy ra.

Tú Linh - Đức Việt - Thanh Hải

Bài 2: Những khó khăn, bất cập của y tế cơ sở

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=157157&title=phat-trien-y-te-co-so-theo-huong-cong-bang-hieu-qua-bai-1-tang-nang-luc-kham-chua-benh-cua-tram-y-te-xa