Phát triển văn học, nghệ thuật lên tầm cao mới

UBND thành phố vừa ban hành đề án phát triển văn học, nghệ thuật (VHNT) thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 với quan điểm phát triển sự nghiệp VHNT gắn với định hướng xây dựng con người Đà Nẵng văn minh, thân thiện, làm nền tảng xây dựng thành phố an bình, đáng sống. Theo các chuyên gia, văn nghệ sĩ, đây là đề án mang tính chiến lược, tạo 'đòn bẩy' thúc đẩy VHNT thành phố phát triển lên tầm cao mới, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị và nhu cầu thụ hưởng văn hóa ngày càng cao của nhân dân.

Các nghệ sĩ Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh biểu diễn tại lễ trao tặng giải thưởng văn học - nghệ thuật thành phố lần thứ 4 (giai đoạn 2015-2020) diễn ra tháng 8-2022. Ảnh: XUÂN DŨNG

Thúc đẩy văn nghệ sĩ sáng tạo

Đề án ra đời là một tin vui đối với sự nghiệp VHNT thành phố. Sự quan tâm đầu tư phát triển VHNT có ý nghĩa to lớn, quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu văn hóa Đà Nẵng, góp phần vào sự nghiệp bồi đắp tâm hồn, tình cảm, nhân cách, đạo đức, bản lĩnh con người đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế.

Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT thành phố Nguyễn Nho Khiêm nhận định, đây là một đề án lớn, khẳng định sự quan tâm của lãnh đạo thành phố đối với sự nghiệp VHNT. Triển khai đề án sẽ góp phần đưa văn hóa trở thành trụ cột, ngang hàng với chính trị và kinh tế, đồng thời tạo “đòn bẩy” cho văn nghệ sĩ sáng tạo nên những tác phẩm chất lượng, nhân văn, mang hơi thở thời đại, nhất là trong bối cảnh việc đặt hàng sáng tác chưa có cơ chế, chính sách, quy định và hướng dẫn thống nhất từ Trung ương đến địa phương. “Các văn nghệ sĩ rất vui mừng, phấn khởi khi thành phố ban hành một đề án về VHNT trên quy mô rộng, trong một giai đoạn dài. Từ đề án này sẽ mở ra một giai đoạn mới của VHNT thành phố, phát triển toàn diện, chuyên nghiệp và có nhiều công trình, tác phẩm chất lượng hơn”, ông Khiêm chia sẻ.

Theo nhà văn Trần Trung Sáng, Chủ tịch Hội đồng Văn xuôi, Hội Nhà văn thành phố cho rằng, đất nước đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Trong bối cảnh này, VHNT đang đứng trước những thời cơ, vận hội lớn, đồng thời cũng đứng trước những thách thức mới. VHNT thành phố phải hướng đến chức năng cơ bản của hệ giá trị là định hướng, đánh giá, điều chỉnh các quan hệ xã hội, góp phần định hướng, xây dựng con người Đà Nẵng văn minh, thân thiện. Đội ngũ văn nghệ sĩ cần tập trung phản ánh những thành tựu của công cuộc xây dựng, đổi mới đất nước nói chung, thành phố nói riêng, xứng với tiềm năng sáng tạo của giới văn nghệ sĩ ở địa phương, góp phần xây dựng “nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Trong khi đó, họa sĩ Hồ Đình Nam Kha, Chủ tịch Hội Mỹ thuật thành phố nêu quan điểm, để đạt được những mục tiêu của đề án, hai hướng đi, gồm: tác phẩm nghệ thuật và phong trào VHNT phải được phát triển song hành với nhau. Đặc biệt, cần tập trung phát hiện, bồi dưỡng đội ngũ văn nghệ sĩ trẻ vì đây sẽ là lực lượng chủ lực để phát triển nghệ thuật cộng đồng trong tương lai. Ngoài ra, cần đẩy mạnh xã hội hóa, huy động sự chung tay của các doanh nghiệp tham gia vào sự nghiệp VHNT để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của thành phố.

Đề án phát triển văn học, nghệ thuật thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 đề ra mục tiêu tăng đầu tư để phát triển hoạt động văn học, nghệ thuật theo hướng toàn diện, chuyên nghiệp. Ảnh: X.D

Xây dựng thương hiệu văn hóa Đà Nẵng

Trong đề án phát triển văn học, nghệ thuật (VHNT) thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, thành phố xác định mục tiêu tăng đầu tư để phát triển hoạt động VHNT theo hướng toàn diện, chuyên nghiệp nhằm nâng cao thị hiếu thẩm mỹ, chất lượng đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, xứng tầm là trung tâm VHNT của khu vực và cả nước. Đặc biệt, theo đề án này, Đà Nẵng xác định một nhiệm vụ quan trọng là phát triển toàn diện Liên hiệp các Hội VHNT thành phố làm đầu tàu, nòng cốt để phát triển các hội chuyên ngành. Trong đó, có một số nhiệm vụ cụ thể như: đẩy mạnh công tác nghiên cứu, lý luận phê bình, bảo tồn, phát huy di sản VHNT; quảng bá, phổ biến, công bố tác phẩm VHNT; phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ thành phố, phát hiện các nhân tố mới, hình thành lực lượng kế cận có chất lượng…

“Hiện nay, liên hiệp và các hội chuyên ngành đang chuẩn bị những điều kiện cần thiết để triển khai các nhiệm vụ trong đề án, nhất là tiếp cận nguồn hỗ trợ sáng tác VHNT từ Trung ương. Trong năm 2023 và 2024, liên hiệp dự kiến ban hành thêm một số đề án chi tiết về phát triển các chuyên ngành như: mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu…, nhằm để lại dấu ấn, khẳng định thương hiệu VHNT Đà Nẵng trong khu vực và quốc tế”, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT thành phố Nguyễn Nho Khiêm cho hay.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Nguyễn Thị Hội An, để phát triển VHNT lên một tầm cao mới, cần có sự quyết tâm, chung sức, đồng lòng của toàn hệ thống chính trị và xã hội. Trước mắt, thành phố tiếp tục củng cố nguồn nhân lực và rà soát, xây dựng, triển khai hiệu quả các cơ chế chính sách trên lĩnh vực VHNT. Bên cạnh đó, tăng nguồn lực đầu tư cho phát triển VHNT kể cả chi thường xuyên, chi chính sách, đề án và đầu tư xây dựng cơ bản.

Thời gian tới, thành phố sẽ tập trung đầu tư xây dựng, mở rộng các không gian VHNT công cộng, công trình văn hóa trọng điểm, xây dựng các chương trình, show diễn đặc sắc. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để phát huy sáng tạo trong các hoạt động VHNT. Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá và giới thiệu, công bố tác phẩm VHNT có giá trị; nâng cao năng lực cảm thụ thẩm mỹ, khơi dậy niềm đam mê sáng tạo VHNT của thế hệ trẻ. Đồng thời xây dựng thương hiệu văn hóa thành phố thông qua việc duy trì, mở rộng quy mô và phát huy giá trị thương hiệu “Điểm đến sự kiện - lễ hội” và giá trị văn hóa truyền thống.

KHÔI NGUYÊN

Nguồn Đà Nẵng: http://www.baodanang.vn/channel/5414/202307/phat-trien-van-hoc-nghe-thuat-len-tam-cao-moi-3951289/