Phát triển văn hóa đọc và tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị xuất bản

Dù còn khó khăn, vất vả, song, chúng ta luôn tin tưởng vào sự phát triển của ngành xuất bản, phát hành và sự mở rộng, tăng trưởng của thị trường sách, văn hóa đọc.

Các đơn vị sách kỳ vọng gì ở nhiệm kỳ mới Hội Xuất bản Việt Nam? Lãnh đạo Thái Hà Books và Nhã Nam đều kỳ vọng Hội Xuất bản Việt Nam nhiệm kỳ mới sẽ tiếp tục phát huy được vai trò của mình để thúc đẩy sự phát triển của ngành.

1. Một số khó khăn cần tháo gỡ trong thực tế hoạt động, nhất là khi thực hiện Luật Xuất bản cũng như các văn bản pháp luật khác.

a/ Về một số điều khoản bất cập, hình sự hóa khá nghiêm trọng nhiều lỗi hành chính trong hoạt động chuyên môn xuất bản, ít nhiều mâu thuẫn với Luật Xuất bản hiện hành, trong Bộ Luật hình sự 2015, mà năm 2016, theo hướng dẫn của Hội Xuất bản Việt Nam, chúng tôi đã có gửi bản kiến nghị lên lãnh đạo Hội. Và chúng ta hẳn đều rất vui vì ý kiến của Hội Xuất bản Việt Nam đã được Quốc hội, Chính phủ, và đông đảo công luận đã lắng nghe, ủng hộ. Chúng tôi cũng rất mong Lãnh đạo Hội Xuất bản Việt Nam luôn sát sao, sát cánh cùng doanh nghiệp xuất bản trong những tình huống như vừa qua. Để làm sách không phải là nghề vừa "nghèo" vừa "nguy hiểm".

b/ Luật Xuất bản hiện nay, mặc dù về cơ bản là một bộ luật hữu hiệu, thể hiện rõ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong việc quản lí và phát triển ngành xuất bản, ghi nhận sự có mặt và đóng góp của các đơn vị làm sách tư nhân, thể hiện tư tưởng từng bước xã hội hóa của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, hiện nay, các đơn vị xuất bản vẫn gặp một số khó khăn do luật đặt ra những điều khoản quá cụ thể, có nhiều chi tiết rất gò bó... khiến cho các đơn vị xuất bản gặp nhiều lúng túng trong việc thực hiện.

- Ví dụ, điểm a, khoản 1, điều 27 Luật Xuất bản quy định phải đưa họ và tên dịch giả ra bìa sách là một điều khoản quá cụ thể, khó thực hiện và rất dễ làm mất tính mỹ thuật trên bìa một cuốn sách. Hầu như không thấy một cuốn sách nào tại các nước có nền xuất bản phát triển ở Châu Âu, Mỹ... đưa tên dịch giả trên bìa sách. Trên thực tế, tính chuyên nghiệp và trình độ thiết kế bìa sách ở Việt Nam chưa cao, chưa đồng đều, nay nhiều cuốn sách, nhất là sách từ điển, bách khoa thư, phải đưa đầy đủ họ tên hay bút danh nhóm tác giả, tập thể dịch giả... lại càng ít không gian cho trình bày, dễ có nguy cơ xấu thêm. Hiện nay một số đơn vị xuất bản đối phó bằng cách ghi “nhiều tác giả”, “nhiều dịch giả”, thực chất cũng như không ghi gì, để không phạm luật. Trong thời gian qua, một số tác giả và đối tác nước ngoài, khi duyệt bìa sách phiên bản tiếng Việt, đã yêu cầu chúng tôi bỏ tên dịch giả, khiến việc giải thích cho họ trở nên rất vất vả.

- Việc phải đăng ký lại và chờ cấp số giấy phép mới đối với một cuốn sách được tái bản trong cùng một năm cũng là một quy định chặt chẽ hơn mức cần thiết. Quy định này đã làm các đơn vị xuất bản phải chờ đợi thêm một thời gian nhất định, lỡ cơ hội bán sách rất quý báu khi không cung ứng kịp thời xuất bản phẩm cho bạn đọc và thị trường, vì sách Việt Nam có đặc thù là “nguội” đi rất nhanh, trong khi trên thực tế cuốn sách đã được Cục Xuất bản, In và Phát hành xác nhận, NXB cấp Quyết định xuất bản, và cuốn sách đã được lưu hành bình thường rồi. Quy định này, thực tế đã chấm dứt khái niệm “nối bản” rất bình thường trong xuất bản (vì đặc thù của xuất bản là một cuốn sách thường được in nhiều lần, hết sách lại in tiếp), khiến NXB và đối tác phát hành vào thế bị động trong việc cung ứng, phát hành xuất bản phẩm.

- Quy định ký hợp đồng ba bên cũng là quy định chưa tính toán nhiều đến tính thực tế của việc thực hiện. Bởi vì đối với mảng sách liên kết thì các NXB hầu như không quan tâm đến việc in ấn, hoàn toàn không có liên hệ, không biết đến nhà in. Việc bắt buộc phải có tên nhà in trên Quyết định xuất bản cũng nhiều khi gây khó khăn cho cả NXB lẫn đối tác liên kết bởi có một số nhà in, sau khi ký hợp đồng ba bên, vì một lý do khách quan nào đó, không có khả năng thực hiện hợp đồng, dẫn đến NXB và đối tác liên kết lại mất một thời gian để tìm nhà in mới, thỏa thuận lại, và cấp lại Quyết định xuất bản mới.

- Ngoài ra, một số tiêu chí trong khoản b, điều 10, xung quanh việc tuyên truyền “lối sống dâm ô, đồi trụy”, “tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục” cũng rất chung chung, mơ hồ, không rõ ràng, rất dễ gây tranh cãi, dễ quy kết nên cả phía NXB và đơn vị liên kết đều bị động, các biên tập viên lúng túng, khó xử lý; gây tranh cãi thường xuyên với tác giả, dịch giả, cũng như chủ sở hữu bản quyền tác phẩm.

Nhiều ý kiến cho rằng văn học đọc ở Việt Nam đã có sự chuyển mình trong những năm gần đây. Ảnh: Quỳnh Trang.

2. Một số ý kiến về phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam hiện nay

- Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị xuất bản, với hai thành phố Hà Nội và TP.HCM, Hội Xuất bản Việt Nam trực tiếp hoặc gián tiếp quản lý, hoặc tư vấn điều hành, phát triển tốt hai đường sách ở Sài Gòn và Hà Nội.

- Chúng tôi rất mong muốn Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam tiếp tục phối hợp, thúc đẩy các thành phố lớn, như Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng, Huế.... các hoạt động xây dựng phố sách, đường sách, hoặc nếu chưa có điều kiện làm đường sách, phố sách, thì tổ chức các hoạt động hội chợ sách thường kỳ, định kỳ... để lan tỏa văn hóa đọc, phát triển công chúng đọc.

- Hoạt động hội chợ là hoạt động quan trọng của ngành xuất bản phát hành. Chúng tôi rất mong các hội chợ sách ở Việt Nam có bước phát triển mới về quy mô, về chất lượng.

- Về mặt vĩ mô, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam quan tâm hơn nữa đến các đơn vị xuất bản, xây dựng một bộ Luật Xuất bản cởi mở hơn, hiệu quả hơn, tạo một hành lang pháp lý thông thoáng hơn; tiến hành thử nghiệm cổ phần hóa một số NXB đang gặp nhiều khó khăn,…

- Doanh nghiệp xuất bản phát hành sách rất mong muốn Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính có những chính sách cụ thể thiết thực hỗ trợ cho ngành xuất bản như giảm thuế, ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp xuất bản và phát hành sách, kể cả khu vực tư nhân; cụ thể hóa chủ trương ưu tiên phát triển văn hóa đọc, xây dựng xã hội học tập của Đảng, Nhà nước.

- Vi phạm bản quyền sách online là hiện tượng mới trong xuất bản. Hiện nay, việc làm sách giả, sách lậu, sách photocopy kiểu truyền thống đã phần nào suy giảm, tuy nhiên, chính vì sự tăng trưởng của ebook và sự phát triển đặc biệt lớn số lượng các thiết bị đọc mà thực trạng vi phạm bản quyền lại gia tăng một cách đáng lo ngại.

Chúng tôi rất mong các cơ quan chức năng, Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Xuất bản, In và Phát hành, và cả Hội Xuất bản Việt Nam có các chương trình cụ thể để nâng cao nhận thức về bản quyền sách với công chúng, có các chế tài cụ thể để xử lý vi phạm bản quyền sách điện tử.

- Về tổng thể, việc ngành xuất bản vẫn thiếu một loạt các tiêu chí cụ thể để xây dựng các bộ tiêu chuẩn về sách vở như các quy định về độ tuổi, thể loại, các phân loại về nội dung sách người lớn... sách phục vụ các đối tượng cụ thể, đặc thù... như sách về giáo dục giới tính, sách về sức khỏe sinh sản.... cũng khiến cho cả NXB và độc giả đều khá lúng túng.

Chúng tôi rất mong Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp với các cơ quan chức năng, các đơn vị thành viên, sớm xây dựng một bộ tiêu chuẩn về sách vở, góp phần tích cực vào sự phát triển hơn nữa về chất của sách Việt, cũng như văn hóa đọc của người Việt.

Văn hóa đọc của người Việt đã chuyển mình vượt bậc Nhiều độc giả nhận định rằng sách và văn hóa đọc ở Việt Nam đã chuyển mình trong những năm gần đây với sự ra đời của đường sách, phố sách ở TP.HCM, Hà Nội.

Vũ Hoàng Giang
Phó Giám đốc Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/phat-trien-van-hoa-doc-va-thao-go-kho-khan-cho-cac-don-vi-xuat-ban-post749624.html