Phát triển trung tâm thời trang để ngành may mặc thoát 'bẫy gia công' giá trị thấp

Dệt may luôn là ngành xuất khẩu (XK) mũi nhọn có tốc độ tăng trưởng cao, đóng vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng của nền kinh tế, chiếm 12-16% tổng kim ngạch XK của cả nước. Đây cũng là ngành sử dụng nhiều lao động đứng đầu cả nước. Mặc dù vậy, nhưng ngành dệt may vẫn chưa mang lại giá trị giá tăng cao, chưa có thương hiệu trên thị trường quốc tế, vẫn đang là 'bẫy gia công' giá trị thấp.

Để sản xuất ra sản phẩm may mặc XK, từ trước giờ doanh nghiệp (DN) trong nước phải nhập khẩu (NK) phần lớn nguyên phụ liệu chủ yếu từ Trung Quốc (hơn 51%), Hàn Quốc, EU, Mỹ... khoảng 20%, trong khi đây là mắt xích quan trọng để hỗ trợ ngành may mặc. Giá trị của phần nguyên phụ liệu chiếm tỷ trọng lớn khoảng 60-70% và quyết định đến chất lượng sản phẩm.

Xuất khẩu dệt may luôn đạt kim ngạch lớn, nhưng giá trị mang lại thấp do gia công đơn giản.

Xuất khẩu dệt may luôn đạt kim ngạch lớn, nhưng giá trị mang lại thấp do gia công đơn giản.

Ngoài ra, trong chuỗi cung ứng hàng dệt may có 5 khâu, thì DN Việt Nam mới chỉ tham gia được một phần vào khâu thứ 3 (thiết kế - sản xuất) của chuỗi cung ứng, đó là cắt - may đơn giản, nên giá trị gia tăng tạo ra thấp nhất trong chuỗi giá trị. Nguyên nhân chính dẫn đến việc DN dệt may chỉ gia công đơn giản, đó là do khách hàng yêu cầu thiết kế phải đảm bảo sản phẩm phù hợp với thị trường và người tiêu dùng. Trong khi Việt Nam lại chưa có môi trường đào tạo và phát triển chuyên nghiệp như quốc tế để đạt đến trình độ này, do đó chuỗi cung ứng của các DN Việt Nam còn hạn hẹp, giới hạn trong khuôn khổ gia công lại cho các nhà sản xuất khu vực. Chính vì chỉ thực hiện các đơn hàng gia công, nên Việt Nam ít có các sản phẩm mang thương hiệu riêng của mình để tiếp cận với các nhà bán lẻ trên toàn cầu.

Tại TP Hồ Chí Minh, theo đánh giá của Hội Dệt may thêu đan TP Hồ Chí Minh, hiện ngành dệt may chiếm vị trí lớn trong ngành công nghiệp dệt may của cả nước (chiếm trên 23% thị phần). Tuy nhiên, các DN may mặc trên địa bàn TP Hồ Chí Minh hiện chủ yếu tập trung vào phương thức sử dụng nguồn nguyên liệu, thiết kế do khách hàng cung cấp và gắn nhãn hiệu sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng, nên chỉ tạo ra giá trị mới từ 15-20%. Trong khi đó, thiết kế là khâu có tỷ suất lợi nhuận cao trong chuỗi giá trị. Các nước đi trước trong ngành công nghiệp dệt may, thường chỉ tập trung vào khâu nghiên cứu và thiết kế sản phẩm mới nhằm tạo ra những thương hiệu nổi tiếng để đạt được tỷ suất lợi nhuận cao nhất.

Việc cạnh tranh thương hiệu đang rất khốc liệt trên thị trường dệt may thế giới, các thương hiệu cạnh tranh nhau bằng các mẫu thiết kế đẹp, sáng tạo. Yếu tố quan trọng để thâm nhập và trụ vững được ở mắt xích này đòi hỏi các DN cần có các nhà thiết kế có khả năng nắm được xu hướng, thị hiếu thời trang của người mua toàn cầu. Chính vì vậy, ngành công nghiệp này tại TP Hồ Chí Minh đang dần mất đi lợi thế, bị thu hẹp, chưa có tính bền vững và sức cạnh tranh cao.

Để vực dậy ngành công nghiệp XK mũi nhọn này, ngày 29/12/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt "Chiến lược phát triển ngành Dệt may và Da giày Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến 2035". Trong đó, xác định việc hình thành và phát triển trung tâm thời trang tại TP Hồ Chí Minh là một trong những hướng đi, kết hợp chặt chẽ giữa chiến lược tiếp thị và truyền thông, nhằm thúc đẩy sự phát triển thời trang dệt may; hướng các sản phẩm thời trang dệt may phục vụ nhu cầu trong và ngoài nước, gắn với xu thế thế giới về các sản phẩm xanh, sản phẩm tiện lợi.

Ông Phạm Văn Việt - Phó Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP Hồ Chí Minh khẳng định, việc thành lập Trung tâm thời trang để thay cho sản xuất truyền thống, sẽ đưa được thương hiệu thời trang Việt ra thị trường quốc tế. Ngoài ra, việc đầu tư xây dựng Trung tâm thời trang, không chỉ đóng góp cho ngành dệt may, mà còn thúc đẩy các ngành khác như: Dịch vụ, du lịch, logistics... cùng phát triển. TP Hồ Chí Minh XK tại chỗ cũng sẽ giúp thành phố có nguồn thu, giữ được nguồn nhân lực chất lượng cao. "Vì vậy, trong thời gian tới, thành phố cần có những giải pháp đồng bộ và mạnh mẽ để giải quyết những nguyên nhân cốt lõi, nhằm mang lại giá trị gia tăng cao hơn cho ngành dệt may", ông Việt kiến nghị.

T.Hà

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thi-truong/phat-trien-trung-tam-thoi-trang-de-nganh-may-mac-thoat-bay-gia-cong-gia-tri-thap-i692539/