Phát triển thương mại, dịch vụ ở Tô Múa

Là xã vùng II cách trung tâm huyện 20 km, có tuyến tỉnh lộ 101 chạy dọc qua xã, những năm gần đây, người dân xã Tô Múa (Vân Hồ) đã tận dụng lợi thế, đẩy mạnh phát triển thương mại dịch vụ, mở rộng các loại hình kinh doanh, đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng ngày càng cao của nhân dân và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Trung tâm xã Tô Múa (Vân Hồ) phát triển thương mại, dịch vụ.

Trung tâm xã Tô Múa (Vân Hồ) phát triển thương mại, dịch vụ.

Trước năm 2003, con đường từ huyện tới trung tâm xã Tô Múa là đường đất lầy lội với dốc 3 tầng quanh co, mây mù quanh năm bao phủ, giao thông không thuận lợi, hàng hóa ra - vào xã gặp nhiều khó khăn. Đến nay, tuyến tỉnh lộ 101 đã được trải nhựa, các tuyến đường dẫn đến trung tâm xã dần được đầu tư nâng cấp. Trung tâm xã Tô Múa hiện là đầu mối giao thông nối 5 xã: Quang Minh, Mường Tè, Suối Bàng, Song Khủa, Liên Hòa với trung tâm huyện Vân Hồ. Cùng với sự phát triển của hệ thống đường giao thông vận tải, hoạt động thương mại dịch vụ xã Tô Múa ngày càng phát triển, đa dạng, đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong xã và các xã lân cận.

Ông Hà Văn Thuần, Chủ tịch UBND xã Tô Múa, cho biết: Phát huy lợi thế là địa bàn đầu mối giao thông giữa các xã, những năm qua, người dân trên địa bàn đã đầu tư vào các ngành nghề kinh doanh, thương mại, dịch vụ, giảm dần số hộ sản xuất nông nghiệp. Tỷ trọng dịch vụ, thương mại chiếm trên 40% trong cơ cấu kinh tế địa phương. Hàng hóa ở đây được trao đổi, mua bán khá phong phú về chủng loại, hoạt động dưới nhiều hình thức bán buôn, bán lẻ, đại lý. Tại trung tâm xã Tô Múa hiện có trên 140 hộ kinh doanh với các ngành nghề như: 9 cửa hàng dịch vụ ăn uống; 13 cơ sở kinh doanh vận tải; 3 cơ sở thu mua, chế biến nông sản; 21 cơ sở sửa chữa xe máy và các loại máy; 35 cửa hàng bán hàng hóa tiêu dùng và nhiều cửa hàng, đại lý kinh doanh mặt hàng khác, tập trung nhiều ở tiểu khu Trung tâm và bản Mến... Những cửa hàng kinh doanh này đã tạo việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động địa phương.

Đến bản Mến, xã Tô Múa, diện mạo nơi đây cũng thay đổi khá nhiều nhờ thương mại, dịch vụ phát triển, nhiều hộ tận dụng khu vực mặt đường để mở cửa hàng kinh doanh. Cửa hàng bách hóa tổng hợp của chị Nguyễn Thị Xuân, có đầy đủ các mặt hàng thiết yếu phục vụ sinh hoạt hằng ngày của gia đình, không khác so với các cửa hàng lớn ngoài thị trấn. Chị Xuân cho biết: Đời sống bà con trong xã Tô Múa và các xã lân cận ngày càng cao, nhu cầu về chất lượng hàng hóa được chú trọng. Trong khi đó, các cửa hàng kinh doanh ở các xã mở ra ngày càng nhiều, nên gia đình tôi cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm. Cửa hàng cung cấp đến người tiêu dùng các mặt hàng có thương hiệu, nhãn mác đầy đủ; nếu mua hàng với số lượng lớn, gia đình còn có xe chở vào tận nơi, nên người dân tin tưởng đến mua sắm ngày càng đông.

Nhiều hộ kinh doanh đã “ăn nên làm ra”, có mức thu nhập cao như gia đình ông Nguyễn Văn Đệ, chủ hộ kinh doanh tại tiểu khu Trung Tâm, xã Tô Múa. Gia đình ông có 2 cửa hàng kinh doanh, rộng trên 700 m2, với các mặt hàng kinh doanh gồm: Hàng tạp hóa, vật liệu xây dựng, phân bón, giống cây trồng và thiết bị điện dân dụng, mỗi năm thu nhập từ 200-350 triệu đồng. Cùng với đó, gia đình ông thuê thêm 5 nhân công lao động địa phương, với mức tiền công trung bình 4 triệu đồng/người/tháng.

Thương mại, dịch vụ phát triển còn đóng góp tích cực cho việc bảo đảm nguồn thu trên địa bàn, xã đã quản lý chặt các hộ kinh doanh; tuyên truyền, hướng dẫn các hộ thực hiện kê khai và nộp thuế đầy đủ, đúng theo quy định. Nhờ đó, hằng năm, các khoản thu thuế, phí và lệ phí trên địa bàn đều đạt và vượt kế hoạch. Năm 2018, thu ngân sách trên địa bàn trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ trên 115 triệu đồng, chiếm 60,7% số thu ngân sách trên địa bàn xã. Riêng 6 tháng đầu năm 2019, thu ngân sách trong lĩnh vực này đạt trên 70 triệu đồng, tăng 125% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, UBND xã còn phối hợp với Đội Quản lý thị trường huyện Vân Hồ tăng cường công tác quản lý thị trường, chống buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, góp phần bình ổn thị trường...

Việc đẩy mạnh phát triển thương mại dịch vụ là cú huých tạo động lực phát triển kinh tế của xã Tô Múa. Thời gian tới, xã tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi trong việc làm thủ tục đăng ký kinh doanh cho các cửa hàng, đại lý trên địa bàn. Tăng cường công tác phối hợp với ngành chức năng của huyện tổ chức quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh buôn bán trên địa bàn theo quy định. Đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, khuyến khích dịch vụ phát triển theo hướng đa dạng các lĩnh vực kinh doanh hàng hóa...

Mạnh Hùng

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/phat-trien-thuong-mai-dich-vu-o-to-mua-26016