Phát triển thương mại dịch vụ - nâng cao chất lượng đời sống người dân

Xác định thương mại dịch vụ là lĩnh vực đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã quan tâm, từng bước xây dựng và phát triển theo hướng hiện đại. Nhờ đó, hoạt động thương mại dịch vụ phát triển ổn định, cung cấp lượng lớn sản phẩm hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Siêu thị The City, thị trấn Thiệu Hóa (Thiệu Hóa) với nhiều mặt hàng đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.

Thời gian qua, thương mại dịch vụ trên địa bàn tỉnh có nhiều khởi sắc, phát triển cả về số lượng, quy mô, chất lượng dịch vụ. Thêm vào đó, hệ thống cửa hàng bán buôn, bán lẻ phát triển rộng khắp, phủ kín khu vực nông thôn, miền núi, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương hàng hóa, góp phần kích cầu sản xuất và tiêu dùng.

Tại cửa hàng tiện ích của gia đình chị Hoàng Thị Thu Nguyệt, tiểu khu 2, thị trấn Thiệu Hóa (Thiệu Hóa) hoạt động mua bán hàng hóa diễn ra khá tấp nập. Chị Nguyệt cho biết: “Những năm gần đây giao thương phát triển, đời sống người dân được nâng cao nên nhu cầu mua sắm tăng. Bởi vậy gia đình đã mở rộng diện tích cũng như nhập thêm các mặt hàng thiết yếu khác để phục vụ nhu cầu của người dân, như: đồ dùng của mẹ và bé, quần áo, giày dép người lớn... Các mặt hàng luôn được gia đình lựa chọn nhà phân phối uy tín, ưu tiên dùng hàng có chất lượng tốt, có nguồn gốc, giấy kiểm định chất lượng, vì thế người dân thị trấn rất tin dùng”.

Để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, phát huy lợi thế về giao thông, vị trí địa lý, thị trấn Thiệu Hóa cũng đã thực hiện nhiều giải pháp phát triển thương mại dịch vụ; nhất là tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính, mặt bằng... để doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển thương mại dịch vụ. Hiện nay, trên địa bàn thị trấn, siêu thị The City đã trở thành một trong những điểm mua sắm, vui chơi giải trí lý tưởng cho người dân và các vùng lân cận. Chị Nguyễn Thanh Mai, người mua hàng tại siêu thị cho biết: "Từ khi siêu thị được khai trương, gia đình tôi đã dần hình thành được thói quen mua sắm tại siêu thị. Không những yên tâm về chất lượng hàng hóa, nhất là các loại thực phẩm tươi sống, đa dạng các sản phẩm dịch vụ như thời trang, mỹ phẩm, đồ dùng gia đình... mà còn có các chương trình khuyến mãi giảm giá”.

Ông Đỗ Thành Đồng, Chủ tịch UBND thị trấn Thiệu Hóa, cho biết: “Để góp phần phát triển thương mại dịch vụ, nâng cao chất lượng đời sống người dân, thị trấn đã tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kinh doanh, sản xuất trên địa bàn; khuyến khích các hộ có nhà mặt đường, gần chợ đầu tư, mở rộng ngành nghề kinh doanh, buôn bán với các loại hình kinh doanh, dịch vụ khá đa dạng, phong phú như: mộc dân dụng, chế biến lương thực, thực phẩm, cơ khí, dịch vụ xe khách, vận tải hàng hóa, kinh doanh hàng tạp hóa, dịch vụ ăn uống, buôn bán xe mô tô, xe đạp... Hiện, hàng hóa đảm bảo lưu thông, ổn định giá, cơ bản đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và từng bước hình thành thói quen giao dịch văn minh hiện đại trong dân cư”.

Hiện nay, tại các địa phương trên địa bàn tỉnh các loại hình thương mại dịch vụ phát triển nhanh chóng. Cùng với các chợ truyền thống, các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, hệ thống cửa hàng tự chọn, hệ thống bán lẻ hoạt động theo chuỗi... đang tăng nhanh về số lượng, quy mô hoạt động, đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân. Chị Nguyễn Thu Huyền, khách mua hàng tại cửa hàng WinMart+, đường Lê Lai (TP Thanh Hóa), cho biết: “Tôi và các thành viên trong gia đình thường xuyên mua hàng tại đây do hàng hóa đa dạng, có xuất xứ rõ ràng, giá cả hợp lý, đáp ứng nhu cầu mua sắm của các thành viên trong gia đình; nhất là thường xuyên có các đợt khuyến mãi để kích cầu người mua”. Bên cạnh hoạt động thương mại truyền thống, thương mại điện tử đã từng bước được áp dụng, các doanh nghiệp, cửa hàng, cơ sở sản xuất, kinh doanh đã đẩy mạnh giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử, đẩy mạnh hình thức mua sắm trực tuyến, thanh toán trực tuyến, từng bước thay đổi thói quen mua sắm của người dân theo hướng văn minh, hiện đại.

Việc phát triển dịch vụ, thương mại không những thúc đẩy phát triển kinh tế ở mỗi địa phương, mà còn giải quyết được việc làm cho người lao động, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Nhờ đó, diện mạo nhiều địa phương đã và đang có sự đổi thay rõ rệt, các cửa hàng kinh doanh, sản xuất, dịch vụ được mở rộng, hoạt động buôn bán, trao đổi hàng hóa diễn ra tấp nập. Thời gian tới, các địa phương sẽ tiếp tục khuyến khích người dân, các thành phần kinh tế mở rộng sản xuất, kinh doanh, đầu tư phát triển dịch vụ, thương mại trên địa bàn theo hướng đồng bộ, hiện đại. Bên cạnh đó, chú trọng đa dạng các ngành nghề, mặt hàng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Các địa phương chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu hàng hóa; phối hợp với các lực lượng chức năng bình ổn, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa; quản lý tốt vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh các mặt hàng dịch vụ ăn uống; nhất là trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán. Đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh và người dân tiếp cận kỹ năng phát triển thương mại điện tử, tiêu thụ sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử, đẩy mạnh hình thức mua sắm trực tuyến, thanh toán trực tuyến...

Bài và ảnh: Lê Ngọc

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/phat-trien-thuong-mai-dich-vu-nang-cao-chat-luong-doi-song-nguoi-dan/200822.htm