Phát triển Thủ đô phải hướng đến các tiêu chí Thủ đô 'Văn hiến, Văn Minh, Hiện đại'

Thủ đô Hà Nội phải phát triển ở trình độ cao hơn với lộ trình phát triển nhanh hơn, đi trước cả nước về các mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, là Thủ đô của nước phát triển có thu nhập cao.

Luật Thủ đô (sửa đổi)

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, phát biểu tại hội trường

Ngày 27/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Về Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, có ý kiến:

Hà Nội không phải là chỉnh thể của một địa phương mà là Thủ đô của cả nước. Là hình ảnh đại diện vị thế của quốc gia, là hình mẫu dẫn dắt và lan tỏa phát triển của cả nước. Do vậy, Thủ đô Hà Nội phải phát triển ở trình độ cao hơn với lộ trình phát triển nhanh hơn, đi trước cả nước về các mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, là Thủ đô của nước phát triển có thu nhập cao. Hà Nội phải có sức hút mạnh hơn để qui tụ những nguồn lực và trí tuệ, tinh hoa trong và ngoài nước vào đầu tư, phát triển, xây dựng Thủ đô.

Vì vậy, Luật Thủ đô phải hướng đến 3 mục tiêu:

Một là: Phải đặt ra yêu cầu phát triển Thủ đô phải cao hơn, nhanh hơn cả nước;

Hai là: Phải có cơ chế thực sự vượt trội để khai thác các tiềm năng, thế mạnh nội tại của Thủ đô và tạo sức hút mạnh mẽ nguồn lực từ bên ngoài.

Ba là: Phải qui định vai trò, trách nhiệm, quyền hạn của chính quyền và nhân dân Thủ đô phải cao hơn cả nước.

Ba yêu cầu trên phải được xác lập một cách đồng bộ, tổng thể, mang tính bao trùm để tạo khuân khổ pháp lý vượt trội cho phát triển Thủ đô

Với tinh thần đó, đại biểu Hoàng Văn Cường góp ý:

Trong Chương 3 xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô: phải qui định các tiêu chuẩn, quy chuẩn qui hoạch phát triển Thủ đô phải hướng đến các tiêu chí Thủ đô "Văn hiến, Văn Minh, Hiện đại".

Phải yêu cầu cao hơn các tiêu chuẩn, quy chuẩn chung của cả nướ́c. Các công trình kiến trúc xây dựng ở Thủ đô phải mang ý nghĩa giá trị văn hóa Hà Nội; quy hoạch Thủ đô phải tạo không gian để qui tụ những đặc trưng tiêu biểu của mọi vùng miền và hình ảnh của 63 tỉnh, thành trên cả nước hiện diện tại Thủ đô.

Phải quy định việc quản lý, phát triển toàn bộ không gian lãnh thổ Thủ đô theo tiêu chuẩn, qui chuẩn của đô thị đặc biệt, gồm đô thị trung tâm, vùng nông thôn và đô thị ngoài trung tâm.

Nông thôn Hà Nội cũng phải được qui hoạch và quản lý theo các mẫu hình nông thôn truyền thống vùng đồng bằng sông Hồng; nông thôn của các làng nghề truyền thống, và nông thôn đô thị hóa từ xã lên phường.

Toàn bộ vùng nông thôn và đô thị ngoài trung tâm đều phải được qui hoạch và quản lý theo tiêu chuẩn riêng của Thủ đô – đó chính là mô hình Thành phố trong Thủ đô.

Do vậy, cần Luật hóa mô hình phát triển Thủ đô gồm: đô thị trung tâm và các Thành phố thuộc Thủ đô. Trong Thành phố thuộc Thủ đô, không gian phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp trải nghiệm phải có các công trình dịch vụ du lịch.

Không gian phát triển công nghiệp làng nghề phải gắn liền với phát triển các hoạt động thương mại, dịch vụ như các khu trưng bày giới thiệu sản phẩm, các công trình dịch vụ du lịch; các quy định về đầu tư cho khu vực nông thôn phải được qui định như đầu tư đô thị.

Trên cơ sở những yêu cầu mang tính bao quát như trên, Luật giao cho HĐND TP ban hành các qui định về tiêu chuẩn, quy chuẩn cụ thể phù hợp với Thủ đô trên nguyên tắc cao hơn các tiêu chuẩn, qui chuẩn chung quốc gia; giao cho UBND TP vận dụng các qui định đã ban hành để quyết định và quản lý các hoạt động đầu tư, phát triển.

Khi Luật đã trao quyền cho TP tự quyết định như trên, thì việc điều chỉnh cục bộ các nội dung qui hoạch sẽ thuộc về thẩm quyền và trách nhiệm của TP, không sợ lạm quyền, hay làm phá vỡ qui hoạch.

Luật không nên quy định những vấn đề quá cụ thể, ví dụ như như qui định nội đô lịch sử bao gồm cả quận Đống Đa hay Hai Bà Trưng – vì chính qui định như thế này trong Luật Thủ đô hiện hành làm cho chương trình cải tạo chung cư cũ đan xen các khu nhà ở lụp sụp, ở quận Hai Bà Trung và Đống Đa bao nhiêu năm qua không thực hiện được. Hoặc không nên qui định quá cụ thể như trục sông Hồng là trục xanh, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông, vì hai bên ven sông Hồng phải hạn chế phát triển nhà ở.

Phải dành không gian ven sông cho phát triển không gian văn hóa, thương mại, dịch vụ, du lịch và nghỉ dưỡng, chăm sóc người có công người cao tuổi, cũng như qui tụ hình ảnh các tỉnh thành trên cả nước thành quân thể hội tụ văn minh sông Hồng.

Việc quy định trao quyền cho TP cần đảm bảo tính đồng bộ từ việc ban hành các tiêu chuẩn, qui chuẩn, tự quyết định và tự phê duyệt các hoạt động đầu tư theo các tiêu chuẩn, qui chuẩn đã ban hành.

Với qui định phân quyền, trao quyền như trên, cho thấy, nhiệm vụ và khối việc công việc mà chính quyền TP phải thực hiện nhiều hơn, trách nhiệm giám sát phải cao hơn, do vậy cần có mô hình Chính quyền đô thị như trong dự thảo Luật; người đứng đầu các cấp chính quyền đô thị phải có vai trò và quyền tự quyết định, tự chịu trách nhiệm cao hơn.

Số lượng đại biểu HĐND phải nhiều hơn, phải tăng tỷ lệ chuyên trách để tăng tính chuyên nghiệp, yêu cầu về tiêu chuẩn trình độ phải cao hơn; chế độ tiền lương phải thảo đáng quả hơn.

Nhật Nam

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/phat-trien-thu-do-phai-huong-den-cac-tieu-chi-thu-do-van-hien-van-minh-hien-dai-361596.html