Phát triển thị trường vàng minh bạch, hiệu quả

Thời gian qua, giá vàng trong nước có nhiều biến động, tiềm ẩn những tác động tiêu cực đến an toàn thị trường tài chính, tiền tệ và tâm lý xã hội.

Do đó, việc giữ ổn định và phát triển thị trường vàng an toàn, lành mạnh, hiệu quả có vai trò quan trọng trong công tác điều hành chính sách kinh tế vĩ mô.

Chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế còn cao

Với tính thanh khoản cao, đồng thời cũng là tài sản cất trữ an toàn, vàng có một vị trí rất quan trọng đối với các quốc gia trên thế giới. Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, lạm phát ở một số quốc gia tăng cao, xung đột địa chính trị giữa các quốc gia có chiều hướng gia tăng thì vàng lại càng được xem là kênh trú ẩn an toàn cho giới đầu tư quốc tế. Đó cũng là một trong những nguyên nhân làm cho giá vàng thế giới trong thời gian qua tăng cao, dẫn tới giá vàng trong nước có thời điểm vượt mốc 82 triệu đồng/lượng.

Theo ông Nguyễn Việt Anh, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong (TP Bank), giá vàng trên thế giới là thứ mà chúng ta không thể can thiệp được, nhưng cần lưu ý rằng, trong đó cũng có những yếu tố bong bóng. Đôi khi chúng ta không thể lý giải vì sao trong một ngày giá vàng đột biến tăng vọt, sau đó lại quay trở lại mức giá ban đầu. Trong giai đoạn vừa qua, thanh khoản, giao dịch của vàng SJC trên thị trường rất ít. Nên khi có một lượng cầu tăng đột biến thì giá vàng trong nước ngay lập tức sẽ có biến động mạnh.

Hoạt động chế tác trang sức vàng tại Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ). Ảnh: THANH XUÂN

Phân tích về việc chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới, Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc giá vàng trong nước có thời điểm cao hơn vàng thế giới 20 triệu đồng/lượng là hiện tượng đáng quan tâm. Bởi sự chênh lệch này là quá nhiều, nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài sẽ tạo cơ hội cho việc đầu cơ và buôn lậu vàng.

Khi thấy vàng trong nước cao, các đối tượng này sẽ tìm cách đưa vàng thế giới vào trong nước để bán nhằm thu lời. Việc đó cũng kéo theo gây thiệt hại ngoại tệ cho nước ta do không kiểm soát được lượng vàng nhập khẩu. Ngoài ra, nếu thị trường chênh lệch cao như thế sẽ rủi ro cho nhà đầu tư, nhất là những người đã đầu tư vàng từ trước đó.

Nhiều chuyên gia nhận định, việc chênh lệch giá vàng thế giới với giá vàng trong nước quá lớn gây ra hậu quả không tốt cho thị trường.

Thực tế, người dân không được hưởng lợi khi phải mua vàng trong nước với giá rất cao và việc để chênh lệch như vậy trong khi không cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu chính thống rõ ràng tạo điều kiện cho việc buôn lậu, không kiểm soát được. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng trang sức có nhu cầu về vàng nguyên liệu lại thiếu nguồn cung, không biết mua ở đâu, nếu mua trôi nổi trên thị trường sẽ rất rủi ro về pháp luật. Đây cũng là cản trở cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng trang sức trong nước.

Sớm thành lập sàn giao dịch vàng

Một trong những biện pháp để kiểm soát hiệu quả giá vàng trong nước được các chuyên gia đề xuất đó là sớm thành lập sàn giao dịch vàng do Nhà nước quản lý. Đây cũng là công cụ được nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng để điều hòa về cung-cầu vàng trên thị trường. Sàn giao dịch vàng tương tự như các sàn giao dịch kim loại ở các nước, hay như sàn chứng khoán trong nước, sẽ phát triển theo từng giai đoạn, ban đầu là vàng vật chất, sau đó đến vàng tài khoản.

Khi giao dịch vàng trên tài khoản sẽ giúp cho các công cụ phái sinh, bán vàng theo hợp đồng bán cho tương lai, không phụ thuộc vào việc nhập vàng về mới bù cho thị trường, nhờ vậy sẽ bảo đảm kịp thời. Ngoài ra, thông tin minh bạch từ sàn giao dịch vàng cũng giúp người tham gia thị trường đưa ra quyết định sáng suốt hơn, đặc biệt là sẽ giúp cho các cơ quan chức năng của Nhà nước kiểm soát tốt những hoạt động giao dịch vàng, tránh tình trạng đầu cơ, buôn lậu.

Theo GS, TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội, khi chúng ta có sàn giao dịch vàng, người dân sẽ thay đổi tâm lý. Yếu tố tiện lợi là không phải đi xa, không phải lo cất trữ vàng, không lo có phải vàng thật hay không... vì chứng chỉ vàng sẽ bảo đảm giá trị đúng như thế. Trong giai đoạn nhiều người cần vàng thì đã có sẵn trên thị trường, lưu thông mua bán được ngay, không phải chờ mua vàng thế giới về đúc thành miếng rồi mới bán.

“Một điểm quan trọng nữa là rất cần liên thông thị trường vàng trong nước và thế giới. Nếu chúng ta có thị trường vàng giao dịch tài khoản trên sàn thì việc liên thông rất dễ. Khi đó, không nhất thiết phải nhập khẩu về mà có thể đặt lệnh mua bán là trao đổi được ngay, việc đó tạo ra cân bằng giá với thị trường vàng thế giới”-GS, TS Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định, khi có sàn giao dịch vàng, mọi thứ sẽ công bằng và rõ ràng hơn. Thông qua sàn giao dịch, biến động giá cả và hoạt động mua bán vàng được thể hiện cụ thể, người dân có thể nhìn vào đó để theo dõi. Lúc đó, việc đầu cơ vàng cũng sẽ hạn chế vì những hành vi đầu cơ, làm giá dễ dàng bị phát hiện và truy tố trước pháp luật.

Đề xuất bỏ cơ chế độc quyền sản xuất vàng miếng

GS, TS Hoàng Văn Cường chia sẻ, đây là thời điểm cần nhiều giải pháp căn cơ, thay đổi để thực hiện Công điện số 1426/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp quản lý thị trường vàng. Đồng thời nên cân nhắc mở rộng vấn đề bình đẳng hàng hóa vàng vật chất; cần thiết phải xem lại có nên duy trì thương hiệu vàng quốc gia hay không.

Nhà nước quản lý vàng là đúng nhưng không có nghĩa là Nhà nước phải nắm trực tiếp sản phẩm đó. Thương hiệu vàng quốc gia đã đến lúc hoàn thành sứ mệnh của nó và nên trả lại vàng là sản phẩm hàng hóa thông thường. Doanh nghiệp nào có đủ năng lực sẽ có sản phẩm của mình đưa ra nhưng Nhà nước phải quản lý.

Hoạt động giao dịch vàng tại Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ). Ảnh: THANH XUÂN

Chiều 28-3, Phó thủ tướng Lê Minh Khái, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đã chủ trì cuộc họp toàn thể của hội đồng. Tại cuộc họp, các chuyên gia khẳng định mục tiêu "chống vàng hóa" đã hoàn thành sau 12 năm thực hiện Nghị định số 24/2012/NĐ-CP. Các chuyên gia cũng bày tỏ đồng tình với đề xuất bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện.

Phó thủ tướng Lê Minh Khái giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cơ quan thường trực của hội đồng nghiên cứu, tổng hợp đầy đủ những ý kiến tại cuộc họp để hoàn thiện, đề xuất các giải pháp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời hoàn thiện khung khổ pháp lý, các cơ chế, chính sách liên quan đến thị trường vàng nhằm phát triển thị trường vàng minh bạch, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội đất nước.

NGUYỄN ANH VIỆT

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/phat-trien-thi-truong-vang-minh-bach-hieu-qua-770713