Phát triển sông Sài Gòn, lấy kinh nghiệm từ sông Seine

Phát triển hành lang sông Sài Gòn, kết hợp với phát triển kinh tế và bảo tồn các giá trị thiên nhiên, giá trị lịch sử, đặc biệt là 'nâng cấp' các vùng nông thôn ven sông thành những khu vực nông nghiệp giá trị cao, kết hợp với phát triển du lịch.

Một góc sông Seine (Pháp).

Đó là ý tưởng quy hoạch được các chuyên gia từ Viện Quy hoạch vùng Paris (IPR), Tổ chức Khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) đưa ra từ kinh nghiệm quy hoạch bờ sông Seine (Pháp).

Phát triển tạo điểm nhấn

Theo Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, TPHCM hiện đang khẩn trương thực hiện 3 quy hoạch gồm: Quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; rà soát điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn 2060; xây dựng quy hoạch chung TP Thủ Đức.

Đây là 3 quy hoạch rất quan trọng cho sự phát triển của TP trong thời gian tới. Ngoài ra, TPHCM xác định sông Sài Gòn là trung tâm của quy hoạch TPHCM thời kỳ mới, và là điểm nhấn trong việc rà soát quy hoạch chung lần này. Vì vậy, việc TPHCM phối hợp với IPR và AVSE Global xây dựng quy hoạch phát triển hành lang sông Sài Gòn là việc kịp thời và có ý nghĩa.

Bà Nguyễn Thu Trà, Giám đốc AVSE Global, cho biết hành lang sông Sài Gòn với nhiều đặc trưng độc đáo, chính là xương sống tinh thần và thiên nhiên của TPHCM, với những đặc trưng về giá trị lịch sử đặc biệt đối với Việt Nam. Sông Sài Gòn có một sứ mệnh cao cả, là dòng chảy tạo cơ hội chuyển mình. Do vậy, quy hoạch và phát triển sông Sài Gòn thực sự phải là điểm nhấn, là xương sống trong nội dung điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM. Tầm quan trọng của dòng sông Sài Gòn chính chìa khóa mở ra các cơ hội phát triển trong vòng 30 năm tới cho TPHCM.

Từ bên này sông Sài Gòn nhìn sang Bình Dương mà tủi thân, vì mình mang tiếng TP mà phát triển chậm. Củ Chi gắn với nhiều chương trình phát triển du lịch, nhưng nông sản làm ra bà con vẫn phải mang ra chợ bán giá thấp chứ chưa gắn với phát triển du lịch.

Bà PHẠM THỊ THANH HIỀN, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi

Chủ tịch Phan Văn Mãi cho rằng, phát triển sông Sài Gòn kết hợp với phát triển kinh tế vùng. Theo đó, chiến lược quan trọng mà TPHCM có thể áp dụng như: xây dựng cơ sở hạ tầng xanh; xây dựng nhiều công viên đa chức năng, gắn với tiện ích hạ tầng cầu cảng, hệ thống giao thông kết nối vùng ven sông.

Chuyển đổi quỹ đất công nghiệp, cảng cũ ven sông, sang mô hình sáng tạo, gắn với nghiên cứu, khởi nghiệp và du lịch; tận dụng vị trí ven sông để xây dựng các khu công nghiệp, du lịch để tạo ra nguồn thu và kích hoạt hệ sinh thái dịch vụ, đẩy mạnh phát triển kinh tế mới, kinh tế xanh và số; đảm bảo việc bảo vệ môi trường để duy trì nguồn nước sạch và sinh thái cân bằng; khuyến khích đầu tư và hợp tác đối ngoại; đẩy mạnh phát triển các ngành kinh tế có lợi thế cạnh tranh như logistics, công nghệ thông tin, du lịch, nông nghiệp hiện đại.

4 phân khu chức năng

Với độ dài 256km, riêng đoạn chảy qua TPHCM khoảng 80km, sông Sài Gòn có tiềm năng vô cùng to lớn trong việc phát triển kinh tế- xã hội của khu vực Đông Nam bộ. KTS Ngô Viết Nam Sơn cho biết, đa số các đô thị lớn trên thế giới đều phát triển dọc theo sông nước, hoặc là đô thị biển, hoặc là đô thị ven sông, nhờ sự tiện lợi và rẻ tiền của giao thông đường thủy. Với TPHCM, sông Sài Gòn có giá trị và tiềm năng rất lớn.

Tuy nhiên, để phát triển sông Sài Gòn, trước tiên cần có một bản quy hoạch tổng thể bài bản, với sự đồng lòng của UBND TPHCM và các sở, ban ngành, các nhà đầu tư, doanh nghiệp và các đơn vị cùng chung tay với nhau.

Từ thực tế kinh nghiệm của sông Seine và thực tế của sông Sài Gòn, nhóm nghiên cứu đề xuất phát triển hành lang sông Sài Gòn với 4 phân khu. Phân khu 1 (khu kết nối bản sắc) dài 48km, từ TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) đến ranh giới TPHCM và tỉnh Tây Ninh. Khu vực này chủ yếu là nông thôn, kéo dài từ trung tâm lịch sử Thủ Dầu Một đến Khu tưởng niệm địa đạo Củ Chi, được đề xuất phát triển theo hình thức công viên tự nhiên mới để bảo tồn và nâng cao nền nông nghiệp, cảnh quan và di sản của khu vực ngoại ô.

Phân khu 2 (giao diện trù phú và bao trùm) dài 25km, từ cầu đường sắt đến cầu Thủ Dầu Một. Khu vực này sẽ tạo ra không gian mới giao thoa giữa thành thị và nông thôn, bằng cách xác định ranh giới rõ ràng hơn giữa 2 khu vực này. Đồng thời, chuyển đổi các khu đất trồng trọt rộng lớn còn lại thành các công viên nông nghiệp - giải trí, sinh thái và sản phẩm thủ công được du khách ưa thích.

Phân khu 3 (Thanh Đa trải nghiệm) dài 13,5km, bao gồm bán đảo Thanh Đa và vùng phụ cận, từ Quốc lộ 52 đến đường sắt TPHCM - Hà Nội. Khu vực này được đề xuất phát triển khu đô thị hỗn hợp mật độ cao, và công viên nông nghiệp - giải trí ngập nước rộng 300ha. Tái phát triển cảng Phước Long.

Phân khu 4 (khu trung tâm cánh cửa tương lai) dài 16km, chạy từ ngã ba sông Đồng Nai/Nhà Bè đến Quốc lộ 52. Đây là lối vào trung tâm đô thị TPHCM, đi qua một vài quận huyện lâu đời và đông dân nhất. Đây cũng là đoạn đang được cải tạo mạnh mẽ nằm bên cánh phải bờ sông, nhưng bên TP Thủ Đức lại kém phát triển hơn, nhất là khu bán đảo Thủ Thiêm còn dang dở. Khu vực này được đề xuất phát triển khu phức hợp đa chức năng. Trong đó, Bến Bạch Đằng, Khánh Hội và ven sông Thủ Thiêm sẽ nổi lên như những địa điểm hàng đầu cho khu vực đô thị này.

Các chuyên gia nhận định, hệ sinh thái ven sông Sài Gòn đa dạng, phong phú, có ý nghĩa sống còn đối với quá trình phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là bảo vệ cho cuộc sống con người. Tuy nhiên, sự phát triển dân số, sản xuất công nghiệp, hoạt động nông nghiệp, khai phá tài nguyên... đã ảnh hưởng không nhỏ đến đa dạng sinh học, tài nguyên, môi trường.

Vì vậy, đã đến lúc TPHCM cần đồng bộ các giải pháp để bảo vệ hệ sinh thái ven sông Sài Gòn, đây là mắt xích then chốt cho phát triển xã hội và kinh tế bền vững. Đặc biệt lưu ý đến việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao, theo mô hình trang trại “từ nông trại đến bàn ăn” thông qua các sản phẩm nông nghiệp sạch, cùng với đó phát triển du lịch.

ĐỖ TRÀ GIANG

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/phat-trien-song-sai-gon-lay-kinh-nghiem-tu-song-seine-post112468.html