Phát triển sâm Lai Châu và bài toán làm giàu của người dân vùng cao

Cùng với cây thảo dược bản địa như thảo quả, thất diệp nhất chi hoa... hiện nay cây sâm đang được người dân vùng cao Lai Châu tập trung mở rộng diện tích.

Đến nay, các doanh nghiệp, cá nhân ở địa phương đã trồng được hơn 100ha và bước đầu mang lại hiệu quả cao về kinh tế so với nhiều loại cây trồng khác trên địa bàn. Tuy nhiên, việc đầu tư mở rộng diện tích hiện nay đang gặp không ít thách thức, đòi hỏi một quy trình đồng bộ khép kín để mang lại hiệu quả bền vững

Từ một chuyến đi rừng vào năm 2018, anh Tẩn Sài Nhuần, ở bản Sín Chải, xã Sì Lở Lầu, huyện Phong Thổ (Lai Châu) có lấy về một số cây con lạ. Sau khi tìm hiểu, anh biết được đây là cây sâm rừng, khi sắc đun nước uống rất tốt cho sức khỏe nên bắt đầu sưu tầm mang về vườn nhà trồng. Từ đó vườn sâm hơn 400m2 ban đầu của gia đình đã được nhiều người tìm về hỏi mua.

Đến nay tỉnh Lai Châu đã phát triển được hơn 100ha giống sâm bản địa ở độ cao trên 1.500m.

Anh Tẩn Sài Nhuần chia sẻ, hiện gia đình đã trồng được khoảng 1ha, với hơn 2.000 cây giống trên 1 năm tuổi, trong đó cây trên 5 năm tuổi là gần 1.000 cây. Dự kiến đến hết năm 2023, gia đình sẽ mở rộng diện tích lên 2ha và hiện đang tập trung ươm giống để trồng và bán ra thị trường.

"Lúc đầu gia đình tôi trồng cũng chưa cho thu nhập mà phải khoảng 2 - 3 năm thì cho thu nhập từ 30 - 40 triệu đồng. Thấy cây sâm cho hiệu quả kinh tế và phát triển tốt nên gia đình tôi bắt đầu mở rộng diện tích trồng. Cây sâm không phải trồng 1 năm là cho thu nhập mà phải khoảng 5 năm. Nếu trồng hết được 2ha này, chăm sóc tốt, cây phát triển thì dự kiến sẽ cho thu nhập khoảng 2 - 3 tỷ đồng, bởi vì trung bình giá hiện nay bán ra thị trường khoảng 6 triệu/1kg" - anh Nhuần cho biết.

Xã biên giới Sì Lở Lầu là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào Dao. Đây từng là địa phương khó khăn nhất của huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, bởi phong tục, tập quán canh tác lạc hậu và chủ yếu phụ thuộc vào nương rẫy. Thế nhưng từ khi đưa cây sâm vào trồng, cuộc sống của người dân đã có nhiều đổi thay. Đến nay, mô hình hợp tác xã trồng sâm tại địa phương đã có gần 10ha, tập trung ở các bản: Lản Nhì Thàng, Lao Chải, Gia Khâu, Thà Giàng, Phố Vây… với tổng giá trị hàng chục tỷ đồng.

Tuy nhiên việc phát triển sâm đang gặp nhiều thách thức,đòi hỏi sự liên kết chặt chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân.

Ông Tẩn Lao San, Phó Chủ tịch UBND xã Sì Lở Lầu, huyện Phong Thổ cho biết: "Trước đây nhân dân lên rừng lấy về trồng, thấy có hiệu quả về kinh tế nên bà con đã mở rộng về quy mô. Hiện nay có một số hộ đã nhân rộng mô hình thành hợp tác xã và mấy chục hộ trồng, mỗi hộ có từ mấy nghìn mét vuông đến cả ha. Do việc trồng sâm có hiệu quả nên đã mang lại thu nhập và nâng cao mức sống cho người dân".

Cây sâm Lai Châu đã khẳng định được giá trị kinh tế và đang được phát triển rộng khắp tại các huyện Tam Đường, Sìn Hồ, Phong Thổ và Mường Tè. Mục tiêu của địa phương phấn đấu đến năm 2030 trồng khoảng 3.000ha và định hướng đến năm 2045 trồng được khoảng 10.000ha. Việc phát triển sẽ được thực hiện theo liên kết và chính quyền tỉnh Lai Châu đang có nhiều chính sách ưu đãi thu hút các nhà đầu tư, nhằm hỗ trợ cơ sở sản xuất giống, hình thành vùng nguyên liệu và chế biến sâu thành những sản phẩm đa dạng, đặc trưng.

Ông Ngô Tấn Hưng, Chủ tịch Hiệp hội sâm Lai Châu cho biết, việc phát triển sâm ở địa phương hiện ngoài một số doanh nghiệp đầu tư với quy trình khép kín là các hộ dân sản xuất manh mún, tự phát. Để tạo thành vùng nguyên liệu theo mục tiêu của tỉnh, cần có một hạ tầng giao thông đồng bộ và liên kết chặt chẽ trong sản xuất giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân. Có như vậy mới hạn chế được việc sâu bệnh hại trên cây sâm và đảm bảo an ninh trật tự vùng trồng sâm.

Theo ông Hưng: "Các vùng để phát triển sâm Lai Châu chủ yếu ở vùng sâu vùng xa, vì vậy chúng tôi kiến nghị cần cải thiện hạ tầng giao thông để giảm kinh phí cho các nhà đầu tư. Thứ hai là sâm Lai Châu hiện phổ biến có bệnh thối nhũ, nếu phát triển vùng rộng thì bệnh này phải được khắc phục. Nếu không bây giờ phổ biến phát triển rộng cho bà con và doanh nghiệp mà bệnh này không được khắc phục sẽ gậy thiệt hại và tạo ra tâm lý chán nản khi đầu tư. Mong muốn các sở, ngành chuyên môn, các nhà khoa học nghiên cứu để khắc chế được bệnh đó".

Việc phát triển sâm đã tạo việc làm và thu nhập ổn định, vươn lên làm giàu cho nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Tiến sĩ Phạm Quang Tuyến, Viện Nghiên cứu Lâm sinh, thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam khẳng định, từ kết quả hơn 10 năm nghiên cứu cho thấy, địa thế và khí hậu ở Lai Châu rất phù hợp cho phát triển giống cây sâm Lai Châu. Tất cả các địa thế nằm ở độ cao trên 1.500m đều phù hợp để phát triển. Tuy nhiên, để bảo tồn và phát triển cây sâm Lai Châu thành sản phẩm hàng hóa có giá trị dược liệu và trở thành thương hiệu bền vững, việc nghiên cứu quy trình chọn giống, nhân giống, trồng, chăm sóc là vấn đề cấp thiết cần được quan tâm.

"Để bảo tồn nguồn gen sâm Lai Châu, trước hết là phải thành lập trung tâm nghiên cứu, thu thập, lưu giữ những nguồn gen, để tạo thành nguồn gen gốc, nguồn gen có giá trị để phục vụ cho quá trình lai tạo, phát triển nguồn giống sau này. Thông qua việc trồng sản xuất chúng ta thu hái được hạt giống, thậm chí chúng ta sẽ trả lại vào tự nhiên, tăng tính đa dạng trong quần thể. Và từ đó quá trình chọn lọc giống sẽ tạo ra nguồn giống có giá trị cho việc sản xuất và phát triển" - Tiến sĩ Phạm Quang Tuyến nhấn mạnh.

Quy hoạch vùng trồng, tạo cơ chế, chính sách tốt nhất cũng như xác định rõ những tồn tại, vướng mắc trong quá trình phát triển... là những giải pháp đang được chính quyền tỉnh Lai Châu tập trung chỉ đạo tháo gỡ. Tuy vậy, để giải quyết những khó khăn này rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trước mắt là phát triển hình thành chuỗi liên kết sản xuất, xây dựng hệ thống chỉ dẫn, tăng cường chuyển giao về giống, quy trình chăm sóc, thu hoạch, bảo quản và chế biến sản phẩm./.

Khắc Kiên/VOV-Tây Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/phat-trien-sam-lai-chau-va-bai-toan-lam-giau-cua-nguoi-dan-vung-cao-post1017883.vov