Phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Mộc Châu

Với tiềm năng, lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng trong sản xuất nông nghiệp, huyện Mộc Châu đã xây dựng được thương hiệu một số loại nông sản, như: Sữa Mộc Châu, quả Bơ Mộc Châu, Rau an toàn Mộc Châu, Chè Mộc Châu... được người tiêu dùng cả nước biết đến và tin dùng. Nhiều mô hình áp dụng công nghệ cao trong sản xuất, tạo ra các sản phẩm có chất lượng tốt, được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, nâng cao giá trị kinh tế cho nông dân và doanh nghiệp.

Vườn rau sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel ở bản Áng, xã Đông Sang, sản xuất theo quy trình VietGAP.

Vườn rau sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel ở bản Áng, xã Đông Sang, sản xuất theo quy trình VietGAP.

Chúng tôi tới thăm vườn dâu tây tại Công ty cổ phần Chimi Việt Nam ở khu rừng thông bản Áng, xã Đông Sang. Ngỡ ngàng như đang đứng trong khung trời châu Âu, những loài hoa ôn đới rực rỡ đủ màu đua nhau khoe sắc trồng theo hình trái tim dưới tán rừng thông cổ thụ, từng đoàn khách du lịch nối tiếp nhau đến trải nghiệm. Hiện nay, Công ty có 6 ha dâu tây và rau các loại (trong đó có 8.000 m² nhà kính). Tính riêng vụ dâu tây năm 2018-2019, Công ty đã thu hơn 60 tấn quả, với giá bán từ 200-400 nghìn đồng/kg, mang lại nguồn thu lớn. Hiện nay, quả dâu tây tươi của Công ty được bán tại chỗ cho khách du lịch và thông qua một số siêu thị ở Hà Nội. Tiếp chuyện chúng tôi, anh Vũ Văn Lực, Giám đốc Công ty cho biết: Toàn bộ diện tích trồng dâu tây đều được lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt tự động theo công nghệ Israel; trên các luống dâu tây có phủ màng li-non nên không tốn công chăm sóc, làm cỏ, vì vậy đã giúp giảm chi phí và tăng lợi nhuận cho Công ty. Hiện, Công ty đang tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương với thu nhập từ 4-5 triệu đồng/người/tháng; vào vụ thu hoạch phải thuê hơn 100 lao động/ngày.

Cũng ở bản Áng còn có Công ty cổ phần Greenfarm Mộc Châu, với 5 ha đất, chuyên sản xuất giống cây cà chua ghép trên gốc cây cà tím và trồng rau cung cấp cho thị trường Hà Nội, trong đó Công ty đã đầu tư làm 8.000 m² nhà lưới. Anh Trương Văn Dư, cán bộ kỹ thuật Công ty cho biết: Trung bình mỗi năm, Công ty ghép từ 2,5-3 triệu cây cà chua giống để bán ra thị trường và cung cấp về Hà Nội hàng trăm tấn quả cà chua, bắp cải thông qua hệ thống siêu thị VinEco; các sản phẩm nông sản của Công ty đều được cán bộ kỹ thuật của VinEco giám sát chặt chẽ ngay từ khi chọn cây giống đến quá trình chăm sóc và thu hoạch. Năm qua, doanh thu của Công ty đạt gần 6 tỷ đồng; tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng.

Tại Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu hiện có 23.000 con bò sữa, với mô hình liên kết giữa doanh nghiệp chế biến và 600 hộ dân, sữa tươi được Công ty thu mua, chế biến ra 15 loại sản phẩm và tiêu thụ trên thị trường 52 tỉnh, thành phố trong cả nước, năm 2019, Công ty nộp ngân sách gần 200 tỷ đồng. Ông Phạm Hải Nam, Phó Tổng giám đốc Công ty chia sẻ: Hầu hết các hộ nuôi bò ở đây đều là tỷ phú, bởi số bò nếu quy đổi ra tiền cũng lên đến tiền tỷ. Hiện, có hơn 100 hộ nuôi nhiều bò sữa thu lãi hơn 300 triệu đồng/tháng. Toàn bộ trang trại nuôi bò sữa của các hộ gia đình ở Mộc Châu đều được cơ giới hóa, trang bị máy cắt cỏ, máy cày bừa, máy băm cỏ, máy vắt sữa, chất thải sau khi thu dọn cũng được xử lý tự động theo quy trình khép kín để bảo vệ môi trường.

Theo thống kê của huyện Mộc Châu, trên địa bàn huyện hiện có trên 100 mô hình ứng dụng công nghệ sinh học, hơn 30 ha nhà lưới, nhà kính, gần 60 mô hình ứng dụng công nghệ tưới phun sương và tưới nhỏ giọt Isarel và 35 chuỗi tiêu thụ sản phẩm an toàn. Hiện tại, huyện Mộc Châu có 286 ha sản xuất theo quy trình VietGAP và GlobalGAP. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ gia đình ứng dụng công nghệ trong sản xuất đều đạt năng suất cao, chất lượng tốt, môi trường an toàn, đảm bảo sức khỏe cho người sản xuất và người tiêu dùng. Các sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao trên địa bàn Mộc Châu đã được xuất khẩu sang thị trường nhiều nước trên thế giới. Theo thống kê năm 2019, huyện Mộc Châu đã xuất khẩu được gần 3.300 tấn nông sản, tổng giá trị trên 8 triệu USD, gồm: Chanh leo, chè các loại, rau an toàn, xoài, mận và một số sản phẩm nông sản khác. Hiện nay, huyện Mộc Châu tập trung hình thành và phát triển các chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu bền vững; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư phát triển sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ; duy trì các thị trường xuất khẩu như: EU, Trung Quốc, Trung đông, Australia...

Trao đổi với ông Trần Xuân Thành, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện được biết, nhờ ứng dụng công nghệ trong sản xuất, huyện Mộc Châu đã phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cấp mã số vùng trồng xuất khẩu cho các loại nông sản đạt chất lượng, gồm: Vùng trồng chè Shan tuyết Mộc Châu; rau an toàn Mộc Châu; chè Ô long Mộc Châu và các loại cây ăn quả, như: Bơ, mận hậu, nhãn, xoài, cam, chanh leo... Cùng với đó, huyện đã đầu tư nghiên cứu và công bố 5 bộ nhận diện sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, gồm: Bơ, mận, hồng giòn, dâu tây và rau an toàn Mộc Châu.

Mùa xuân về trên quê hương Mộc Châu, những đồi chè xanh mướt, những vườn cây ăn quả và muôn hoa khoe màu đua sắc, thu hút khách du lịch tham quan, trải nghiệm và tận tay thu hái nông sản để thưởng thức ngay tại vườn. Thông qua các mô hình ứng dụng phát triển nông nghiệp công nghệ cao đã góp phần nâng cao chất lượng, giá trị nông sản, giúp nhiều người dân làm giàu ngay trên mảnh đất Mộc Châu.

Đình Thành

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/phat-trien-nong-nghiep-cong-nghe-cao-o-moc-chau-28930