Phát triển nông nghiệp công nghệ cao: Cần 'phá băng' các rào cản

Vốn, thị trường và nguồn nhân lực, một trong ba yếu tố cần thiết để phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế nông nghiệp. Thế nhưng trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC), thì những yếu tố này lại đang trở thành rào cản khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, bất lợi.

Từ chính sách giải ngân nguồn vốn

Nông nghiệp được xác định là trụ đỡ của nền kinh tế khi được đầu tư có trọng điểm, vì thế Chính phủ ngày càng quan tâm hơn đến phát triển nông nghiệp (NN), đặc biệt là NNCNC. Trong đó, đáng chú ý nhất là gói tín dụng trị giá 100.000 tỷ cho vay hỗ trợ phát triển NNCNC, NN sạch.

Về vấn đề này, đại diện một số doanh nghiệp chia sẻ, mặc dù tiêu chí tiếp cận nguồn vốn vay từ gói tín dụng 100.000 tỷ đã có. Tuy nhiên, để tiếp cận được với nguồn tín dụng này là cả một vấn đề; đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp.

Yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của NNCNC.

Một số doanh nghiệp cho hay, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khi các doanh nghiệp vay vốn tín dụng bắt buộc phải thế chấp tài sản là sổ đỏ hoặc sổ hồng. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật cho NNCNC đã phải thế chấp sổ đỏ vay vốn NH từ trước. Thậm chí, có những doanh nghiệp không đủ vốn phải đi thuê lại đất từ người nông dân và chỉ có giấy tờ chứng nhận thuê đất, nên hồ sơ vay vốn phát triển NNCNC không đủ tính pháp lý theo quy định. Còn tài sản trên đất đáng giá hàng tỷ đồng lại chưa được NH công nhận là tài sản thế chấp.

Chuyên gia kinh tế T.S Đặng Đình Tiền – nguyên giảng viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, điều quan trọng để NNCNC phát triển bền vững đó là yếu tố vốn. Tuy nhiên, hiện tại việc tiếp cận nguồn vốn vay từ gói 100.000 tỷ đồng cho NNCNC còn gặp nhiều khó khăn do thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp. Trong khi đó, báo cáo của NHNN tại một cuộc hội thảo về vốn cho NNCNC cho thấy, dư nợ cho vay phát triển NN đến cuối tháng 5/2017 đạt hơn 1.148 tỷ đồng, tăng 9,9% so với cuối năm 2016, chiếm tỷ trọng khoảng 19% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế. Trong đó tổng dư nợ cho vay NNCNC và NN sạch đạt hơn 32 nghìn tỷ đồng với 4.125 khách hàng còn dư nợ (vay NNCNC là 27.737 tỷ đồng, chiếm gần 86%).

Bên cạnh đó, một trong những lý do khiến doanh nghiệp và NHNN chưa tìm được tiếng nói chung việc đánh giá, xếp loại các dự án NNCNC, NN sạch (khi mới chỉ có tiêu chí đánh giá NNCNC theo định tính, thiếu định lượng cụ thể)…cũng là một trong những tác nhân khiến quá trình đầu tư, phát triển NNCNC gặp khó. Ngoài khó khăn về nguồn vốn, thì chất lượng nguồn nhân lực làm việc trong lĩnh vực NNCNC cũng là một trong những vấn đề đáng bàn.

Thống kê cho hay, hiện có đến 97% lao động nông nghiệp là chưa qua đào tạo, điều này ảnh hưởng lớn đến việc tiếp cận với KHCN hiện đại. Hiện lao động chủ yếu được các doanh nghiệp sử dụng đều là những người nông dân, những người được doanh nghiệp thuê lại đất và không có đất canh tác nên phải đi làm thuê và việc áp dụng KHCN với họ là điều rất khó khăn. Ngoài ra, việc đào tạo đội ngũ chuyên gia trong lĩnh vực NN ở nước ta còn nhiều bất cập, chưa bám sát yêu cầu của thực tế cuộc sống, khiến cho nguồn lực NN có tay nghề đang ở tình trạng vừa thiếu, vừa yếu.

Ông Ngô Tiến Dũng, nguyên Phó cục trưởng Cục Bảo vệ Thực Vật (Bộ NN&PTNT) đặt câu hỏi, nếu phát triển NNCNC mà thiếu nguồn lực lao động NN có tay nghề thì lấy nguồn lực ở đâu để vận hành, sản xuất, tiếp thu ứng dụng KHCN vào NN? Vì thế, cần tập trung hơn nữa trong vấn đề đào tạo nguồn lực NN có tay nghề khi chưa quá muộn.

Đến chọn sản phẩm cho thị trường chưa sát

Nhằm giải quyết những khó khăn trên, Vụ trưởng Vụ tín dụng (NHNH) Nguyễn Quốc Hùng kiến nghị, trước mắt Bộ Tài nguyên - Môi trường cần sớm nghiên cứu sửa đổi quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất, hướng dẫn chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp để Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét. Trong đó, bao gồm tài sản hình thành trên đất của các dự án nông nghiệp công nghệ cao, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm vay vốn ngân hàng. Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cần phối hợp với Bộ Công Thương đánh giá, dự báo và cảnh báo về nhu cầu thị trường đối với sản phẩm NNCNC; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm để việc triển khai chương trình tín dụng NNCNC theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đạt hiệu quả.

Nếu như nhân lực và vốn là hai rào cản khiến các nhà đầu tư băn khoăn khi quyết định đầu tư vào NNCNC, thì thị trường cũng là một trong những yếu tố có tính quyết định đến sự thành công của NNCNC.

Đề cập về vấn đề này, ông Lê Thành - Viện trưởng Viện kinh tế NN Hữu cơ Việt Nam cho biết, hiện có nhiều người lầm tưởng về NNCNC khi cho rằng đầu tư vào lĩnh vực này sẽ giúp nâng cao sức cạnh tranh của các mặt hàng nông sản trên thị trường. Tuy nhiên, đó là cách hiểu chưa đầy đủ. Bởi theo ông Thành, NNCNC cũng chỉ là một phương thức sản xuất, chứ không phải là một mô hình kinh tế. Vì thế, việc cần thiết phải chủ động tìm đầu ra, chủ động tìm thị trường ổn định cho sản phẩm NNCNC là một trong những vấn đề then chốt. Đối với vấn đề này các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp đang gặp nhiều bất lợi, bởi họ không chỉ gặp khó khăn trong việc vay vốn, chứng minh tài sản thế chấp, mà ngay cả đến nguồn lực lao động NN có tay nghề cũng thiếu, khiến cho việc tìm kiếm, mở rộng thị trường là điều không hề đơn giản.

Đồng tình với quan điểm của ông Thành, ông Ngô Tiến Dũng- nguyên Phó cục trưởng Cục Bảo vệ Thực Vật (Bộ NN&PTNT) cho biết thêm, sản xuất NNCNC hiện nay chủ yếu vẫn dùng để xuất khẩu bởi giá thành cao. Tuy nhiên, thời gian tới khi có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào NNCNC, nguồn cung sẽ lớn hơn, trong khi đó không phải doanh nghiệp nào cũng có được thị trường xuất khẩu ra nước ngoài do các tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng và hàng rào thuế quan của từng nước. Vì thế, nhà đầu tư cần nghiên cứu kỹ về thị trường trong nước, để có những sản phẩm phù hợp đến tay người tiêu dùng.

Vì thế, để giải quyết những rào cản hiện nay để NNCNC phát triển, điều quan trọng NHNN, các bộ, ngành và cộng đồng doanh nghiệp cần ngồi lại với nhau để tháo gỡ về cơ chế tiếp cận nguồn vốn. Một khi nguồn vốn được khơi thông, thì việc tiến hành đầu tư mới được thông suốt. Cạnh đó, để NNCNC phát huy hiệu quả, bản thân mỗi doanh nghiệp cũng cần phải xác định rõ thị trường. Nguồn vốn hỗ trợ từ Nhà nước không cho phép chúng ta sử dụng theo phong trào.

Đỗ Đạt

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/phat-trien-nong-nghiep-cong-nghe-cao-can-pha-bang-cac-rao-can-56487.html