Phát triển nông nghiệp cần nhiều cải cách trong chính sách đất đai

Một trong những yêu cầu bức thiết cho sự phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam hiện nay là sự thay đổi tư duy. Đặc biệt cho người nông dân. Đây là nội dung được đề cập đến trong diễn đàn 'Nông nghiệp Mùa Thu 2019' được diễn ra ngày hôm nay 24/10.

Theo PGS. TS. Vũ Trọng Khải, Vùng sản xuất chuyên canh này sẽ không phụ thuộc vào địa giới hành chính mà phụ thuộc vào vùng lãnh thổ sinh thái tự nhiên và nhân văn.(Ảnh: An Khang)

Diễn đàn "Nông nghiệp mùa thu" được tổ chức thường niên hàng năm. Mỗi năm một chủ đề khác nhau. Theo đó, chủ đề năm nay được tập trung vào nội dung: "Chính sách đất đai và sự phát triển nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế".

Với chủ đề này, diễn đàn chủ yếu tập trung vào các vấn đề chính sách đất đai, hộ sản xuất nhỏ trong chính sách đất đai, những điều kiện thuận lợi, khó khăn trong việc định hướng hoàn thiện các chính sách đất đai để phát triển nông nghiệp nước ta trong thời kỳ mới - thời kỳ hội nhập quốc tế mạnh mẽ. Đã có rất nhiều vấn đề trong chính sách đất đai được đề cập trong các bài tham luận và ý kiến chuyên gia về định hướng phát triển ngành nông nghiệp của Việt Nam.

Nói về định hướng chính sách đất đai trong phát triển nông nghiệp, PGS- TS Vũ Trọng Khải, nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp và Phát triển nông thôn II tại Hồ Chí Minh bày tỏ rõ quan điểm: "Muốn khắc phục những vấn đề đã nảy sinh và đang tồn tại của các chính sách hiện hành, nhằm thúc đẩy tiến trình phát triển nông nghiệp sang một giai đoạn mới, cao hơn, cần phải dựa trên những tư duy kinh tế mới."

Ngoài các điều kiện cơ bản, nông nghiệp Việt Nam muốn phát triển phải tập trung sản xuất theo hướng chuyên môn hóa. Đó là, trên một vùng nông nghiệp – sinh thái, nhiều tổ chức kinh doanh nông nghiệp cùng sản xuất một hay vài loại nông sản hàng hóa chủ lực. Khi quy mô của vùng sản xuất tập trung đủ lớn sẽ tạo ra vùng chuyên môn hóa sản xuất hay vùng chuyên canh.

Trong bài tham luận của mình, ông Vũ Trọng Khải nhấn mạnh: "Vùng sản xuất chuyên canh này sẽ không phụ thuộc vào địa giới hành chính mà phụ thuộc vào vùng lãnh thổ sinh thái tự nhiên và nhân văn. Do vậy, chỉ có Chính phủ mới có đủ trách nhiệm và quyền hạn chỉ đạo phát triển vùng sản xuất chuyên môn hóa với những sản phẩm chiến lược của mỗi vùng. Các tỉnh không thể tự nguyện liên kết với nhau để xây dựng vùng sản xuất chuyên môn hóa do sự khác biệt về lợi ích".

PGS. TS Nguyễn Đức Thành đại diện cơ quan điều phối liên mình nông nghiệp, Viện trưởng Viện nghiên cứu và chính sách. Ảnh: An Khang

Theo PGS. TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách, với yêu cầu hiện nay của thị trường quốc tế về xuất sứ, chất lượng sản phẩm thì rõ ràng người nông dân Việt Nam rất khó đáp ứng. Ngoài đất đai, người nông dân cần phải đầu tư trang thiết bị máy móc, kỹ thuật nhiều hơn. Tuy nhiên, phần lớn, họ đều không tự đầu tư vì quá trình sử dụng đất của họ không rõ ràng và lâu dài. Họ thường ra thành phố và các khu công nghiệp để làm việc để sống nhưng họ vẫn giữ lại đất đai chứ không buông bỏ. Bởi giá đất thấp. Theo đó, chúng ta cần phải cải cách lại toàn bộ thị trường.

Ông Thành đưa ra hai giải pháp, một là phải có chính sách để người nông dân buông bỏ ruộng đất với giá cao để họ trở thành những người công nhân hoặc những người làm việc ở thành phố. Hai là tăng giá trị đất để người nông dân đầu tư vào đất đai của chính mình, nâng cao kỹ thuật và xây dựng họ trở thành những người nông dân thế hệ mới. Từ đó vấn đề căn cơ nằm ở thị trường đất đai.

"Bây giờ chúng ta có nhiều ý kiến nói rằng phải đào tạo những thanh niên trẻ ở nông thôn để hiểu đất đai hơn, hiểu nông nghiệp hơn thì mới sinh sống được nhưng bản thân họ không có động lực để tiếp thu những kiến thức đó thì sao họ có thể gắn bó với mảnh đất. Đó chính là vấn đề lớn của chúng ta hiện nay", PGS. Nguyễn Đức Thành nói.

Lương Minh - An Khang

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/phat-trien-nong-nghiep-can-nhieu-cai-cach-trong-chinh-sach-dat-dai-post69650.html