Phát triển nông, lâm nghiệp dựa trên tiềm năng, thế mạnh địa phương

Với những chính sách cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, huyện Nguyên Bình khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, từng bước hình thành các mô hình sản xuất theo hướng hàng hóa ổn định, bền vững.

Thực hiện nội dung đột phá về phát triển nông nghiệp thông minh theo hướng sản xuất hàng hóa đặc hữu gắn với chế biến giai đoạn 2022 - 2025, cây trúc sào được huyện xác định là một trong những cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao. Đến nay, huyện có 2.300 ha trúc sào tại 16 xã, thị trấn, trong đó trên 1.900 ha đang cho khai thác ổn định với sản lượng gần 28.901.000 cây. Thu nhập từ trúc sào đạt trên 10 tỷ đồng/năm. Hiện, 1 công ty chế biến sản phẩm trúc có sản phẩm chiếu trúc đạt sản phẩm OCOP 4 sao. Ngoài cung cấp trúc sào làm nguyên liệu, những vườn trúc sào còn là địa điểm hấp dẫn khai thác dịch vụ du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm như vườn trúc Bản Phường, xã Thành Công. Cùng với cây trúc sào, huyện vận động nông dân đưa giống cây dong riềng cao sản vào trồng thay thế giống địa phương. Đến nay, trên 90% hộ trồng dong riềng giống mới. Nhiều hộ có thu nhập từ trồng và sản xuất miến dong đạt 100 - 200 triệu đồng/năm. Sản phẩm miến dong được thị trường ưa chuộng, huyện xây dựng thương hiệu miến dong, nhãn hiệu tập thể miến dong Nguyên Bình được cấp có thẩm quyền công nhận.

Chủ tịch UBND xã Ca Thành Hoàng Tòn Sao cho biết: Đảng ủy, chính quyền xã đưa cây trúc sào thành cây trồng mũi nhọn trong phát triển kinh tế; giao chỉ tiêu phát triển diện tích trồng trúc sào cho các tổ chức đoàn thể vận động hội viên, đoàn viên thực hiện. Các hộ trồng trúc trong xã đạt thu nhập 60 - 70 triệu đồng/ha từ việc khai thác, chặt tỉa cây trúc để bán ra thị trường. Cùng với phát triển cây trúc, xã tuyên truyền người dân áp dụng khoa học và công nghệ vào trồng trọt, chăn nuôi phù hợp với điều kiện canh tác địa phương. Đến nay, người dân từng bước thay đổi tư duy, nâng cao ý thức sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, theo tiêu chuẩn, quy trình, phát triển sản xuất theo nhu cầu của thị trường mang lại giá trị cao.

Huyện tập trung phát triển cây ăn quả và hình thành vùng trồng cây ăn quả như: cây thanh long tại xã Vũ Minh, Minh Tâm, Tam Kim, Thể Dục và thị trấn Nguyên Bình; cây lê VH6 xã Vũ Nông, Thành Công, Quang Thành…; mận máu xã Ca Thành; cây nho, dâu tây, dưa hấu xã Minh Tâm, Quang Thành, thị trấn Nguyên Bình. Cùng với phát triển cây ăn quả, huyện khai thác tiềm năng, lợi thế đẩy mạnh phát triển và liên kết trồng cây dược liệu dưới tán rừng, tạo ra chuỗi giá trị đã và đang mở ra hướng đi mới theo hướng sản xuất hàng hóa. Đến nay, huyện đã hình thành vùng trồng dược liệu tại các xã: Minh Tâm, Vũ Minh, Tam Kim, Thịnh Vượng, Hoa Thám… với gần 2.000 ha. Một số đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ cung ứng giống cho bà con như: Công ty DACE, Công ty TNHH Công nghệ sinh học Ngân Hà cung ứng giống quế và một số loài dược liệu cho bà con trồng tập trung. Đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật, lựa chọn mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, như: trồng rau bắp cải trái vụ đạt tiêu chuẩn VietGAP xã Vũ Minh, thị trấn Nguyên Bình; mô hình trồng cây thuốc lá, mô hình lúa lai LP 1601, Đại dương 1, Nhị ưu 69…

Lê là cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng huyện Nguyên Bình.

Phát huy tiềm năng, lợi thế tăng trưởng chăn nuôi, huyện vận động người dân chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi theo quy mô trang trại, gia trại theo hướng thâm canh bán công nghiệp gắn với an toàn dịch bệnh và đảm bảo vệ sinh môi trường như: mô hình chăn nuôi dê tại xã Bắc Hợp, Minh Tâm, Ca Thành, Thể Dục; chăn nuôi lợn đen, lợn lai tại các xã: Hưng Đạo, Thịnh Vượng, Tam Kim, Hoa Thám, thị trấn Tĩnh Túc…

Huyện tích cực triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đến các xã, thị trấn, thông qua các sản phẩm đạt OCOP phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương. Đến nay, huyện có 12 sản phẩm đạt OCOP. Một số sản phẩm thông qua chương trình trở thành hàng hóa có giá trị kinh tế được thị trường đón nhận, như: chiếu trúc hoạt hóa, chiếu trúc, hồng trà, lục trà, tinh dầu sả, miến dong, lê, thanh long ruột đỏ, thanh long ruột trắng, mật ong...

Với những thành quả đạt được trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, góp phần đảm bảo an ninh lương thực, ổn định đời sống nhân dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Năm 2023, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 22.780,4 tấn, bằng 92,07% kế hoạch, thu ngân sách Nhà nước trên 24,5 tỷ đồng, bằng 120% dự toán tỉnh giao, bằng 127% so với cùng kỳ. Tỷ lệ giảm nghèo đạt 6,58%. Bình quân tiêu chí nông thôn mới của huyện đạt 9,6 tiêu chí/xã, bằng 101,5% kế hoạch.

Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nguyên Bình Hoàng Thị Hòa cho biết: Phòng tiếp tục lồng ghép nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia triển khai hỗ trợ các mô hình sản xuất có liên kết nhằm thúc đẩy mở rộng quy mô sản xuất, góp phần khai thác tiềm năng, thế mạnh cây trồng, vật nuôi lợi thế ở địa phương. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, ngô kém hiệu quả, đất canh tác một vụ sang các cây trồng có thế mạnh. Đối với những địa phương vùng sâu, vùng xa không có khả năng thực hiện liên kết chuỗi thì tổ chức hỗ trợ phát triển sản xuất theo mô hình cộng đồng trên cơ sở phù hợp với điều kiện thực tế, lợi thế của địa phương và nhu cầu đăng ký thực hiện của người dân, đảm bảo tính hiệu quả của nội dung hỗ trợ, hướng tới dần hình thành vùng sản xuất, tạo sản phẩm hàng hóa…

Ngọc Dung

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/phat-trien-nong-lam-nghiep-dua-tren-tiem-nang-the-manh-dia-phuong-3168620.html