Phát triển nghề dệt chiếu cói ở Quảng Xương

Nghề dệt chiếu cói đang phát triển ở các xã Quảng Phúc, Quảng Trường, Quảng Ngọc, Quảng Long, Quảng Văn và Quảng Khê (Quảng Xương), tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, với mức thu nhập dao động từ 3 đến 7 triệu đồng/người/tháng.

Công ty TNHH Dũng Châu ở xã Quảng Trường tạo việc làm cho người lao động địa phương.

Cơ sở sản xuất chiếu cói của gia đình ông Nguyễn Văn Thắng ở thôn Ngọc Bình, xã Quảng Phúc hiện đang tạo việc làm cho 40 lao động với mức thu nhập dao động từ 4 đến 6 triệu đồng/người/tháng. Ông Thắng cho biết: Trước đây, nghề dệt chiếu cói của gia đình được làm hoàn toàn bằng thủ công nên năng suất và giá trị thu nhập đem lại không nhiều. Năm 2006 gia đình đã mạnh dạn đầu tư 600 triệu đồng để mua 3 máy dệt chiếu, 3 máy bìa, máy đánh dây để mở rộng sản xuất. Từ khi sử dụng máy dệt chiếu, việc sản xuất được thực hiện theo dây chuyền, mỗi chiếc chiếu dệt bằng máy chỉ mất khoảng 20 phút, rút ngắn hàng chục lần so với dệt thủ công truyền thống. Từ hiệu quả rõ rệt của việc dệt bằng máy, mỗi năm gia đình lại đầu tư mua thêm máy mới. Hiện tại, gia đình đang có 20 máy dệt chiếu. Trung bình một máy sử dụng 2 lao động thường xuyên, với công suất đạt khoảng 50 đôi chiếu/ngày, sau khi trừ các khoản chi phí, đem lại thu nhập 50 triệu đồng/tháng.

Toàn xã Quảng Phúc hiện có 1.650 hộ tham gia làm nghề, tập trung ở 5/6 thôn là Ngọc Bình, Văn Giáo, Ngọc Đới, Ngọc Nhị và Liên Sơn. Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Phúc Hoàng Văn Thi cho biết: Nghề dệt chiếu cói ở xã có từ lâu đời. Nhiều hộ làm nghề đã mạnh dạn đầu tư, mua sắm máy móc, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, phù hợp với nhu cầu thị trường. Nhờ đó, chiếu cói Quảng Phúc đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Lượng chiếu cói tiêu thụ, không chỉ giúp các hộ làm nghề có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm mà còn tạo việc làm, thu nhập cho 3.650 lao động trong xã có thêm mức thu nhập từ 5,5 đến 7,5 triệu đồng/người/tháng.

Bên cạnh đó, với diện tích đất trồng cói 367,85ha, người dân trong xã đã áp dụng khoa học - kỹ thuật vào thâm canh nên đưa năng suất cói đạt khoảng 16 tấn/ha, sau khi trừ chi phí đem lại thu nhập từ 160 đến 170 triệu đồng/ha/năm, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa.

Xã Quảng Trường hiện có 80 hộ tham gia làm nghề chiếu cói. Đảm bảo nguồn nguyên liệu cho các hộ sản xuất chiếu, xã đã vận động Nhân dân chuyển đổi những diện tích cấy lúa năng suất thấp sang trồng cói; thực hiện đổi điền dồn thửa để thâm canh cây cói. Đến nay, xã đã quy hoạch được gần 10ha đất trồng cói. Bên cạnh đó, xã còn giao cho các đoàn thể đứng ra tín chấp ngân hàng, tạo điều kiện để các hộ được tiếp cận với các nguồn vốn vay đầu tư mua máy móc, mở rộng quy mô sản xuất.

Chủ tịch UBND xã Quảng Trường Trương Ngọc Cường cho biết: Trên địa bàn xã đã phát triển được 120 máy dệt chiếu, giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 400 lao động địa phương, với mức thu nhập dao động từ 3 đến 7 triệu đồng/người/tháng. Để tạo thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ, nhiều hộ dân đã chuyển sang làm chiếu chất lượng cao như chiếu in màu, in hoa, chiếu đặt theo yêu cầu.

Ông Phạm Văn Dũng ở thôn Châu Sơn đã thành lập doanh nghiệp năm 2019, lấy tên Công ty TNHH Dũng Châu. Doanh nghiệp đầu tư mua 20 máy dệt, tạo việc làm tại chỗ cho 30 lao động và 20 lao động làm tranh thủ tại nhà. Ngoài đem lại mức thu nhập cho người lao động dao động từ 5 đến 15 triệu đồng/người/tháng, lợi nhuận hàng năm của công ty gần 1 tỷ đồng.

Để phục vụ cho nghề dệt chiếu, toàn huyện đã quy hoạch vùng trồng cói 550ha tập trung ở các xã Quảng Phúc, Quảng Trường, Quảng Khê, Quảng Long... với sản lượng đạt gần 7.000 tấn cói/năm. Để nâng cao hiệu quả từ nghề trồng và chế biến cói, những năm qua huyện Quảng Xương đã có nhiều cơ chế khuyến khích, động viên, tạo điều kiện cho những hộ tâm huyết với nghề được vay vốn, đầu tư mua máy dệt, mở rộng sản xuất, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động.

Bài và ảnh: Minh Lý

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/phat-trien-nghe-det-chieu-coi-o-quang-xuong/208348.htm