Phát triển năng lực công nghiệp của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước

Đây là nội dung hội thảo do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức chiều ngày 12-6, tại Hà Nội.

Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó viện trưởng phụ trách CIEM đã đại diện nhóm nghiên cứu phân tích những yếu tố cốt lõi cấu thành năng lực công nghiệp của doanh nghiệp. Các yếu tố bao gồm: Năng lực công nghệ được đánh giá bằng mức độ hiện đại và nguồn gốc công nghệ; năng lực quản lý được thể hiện bằng khả năng áp dụng các ISO về quản lý chất lượng và khả năng liên kết với các doanh nghiệp ngoài nhà nước khác; năng lực xây dựng, thực hiện mục tiêu, chiến lược phát triển để cạnh tranh; trình độ học vấn của lao động và đào tạo nghề.

 Quang cảnh hội thảo.

Quang cảnh hội thảo.

Căn cứ vào các yếu tố trên, nhóm nghiên cứu đưa ra những số liệu về thực trạng năng lực công nghiệp của khu vực doanh nghiệp tư nhân. Cụ thể, 89% doanh nghiệp tư nhân trong nước chưa chuẩn bị cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự sẵn sàng còn phụ thuộc nhiều vào quy mô của doanh nghiệp. Ngoài ra, chỉ có khoảng 5% doanh nghiệp có đủ điều kiện về công nghệ trong hợp đồng dài hạn với nhà cung cấp, còn với nhà nhập khẩu nước ngoài tỉ lệ là 5,2%. Còn khoảng 20,5% doanh nghiệp chưa được cấp bất kỳ chứng nhận ISO nào.

Từ thực trạng trên, nhóm nghiên cứu đã kiến nghị một số giải pháp nâng cao năng lực công nghiệp của doanh nghiệp tư nhân trong nước như nâng cao nhận thức của các cơ quan quản lý về vấn đề này; rà soát các công cụ, chính sách, điều chỉnh các ưu đãi, hỗ trợ; cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính; phát triển cơ sở hạ tầng hỗ trợ doanh nghiệp; khuyến khích các hiệp hội, ngành hàng đào tạo và chuyển giao tiêu chuẩn về quản lý chất lượng sản phẩm cho các doanh nghiệp…

Tại hội thảo, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng CIEM đã đánh giá cao những kết quả nhóm nghiên cứu trình bày. Ông cũng kiến nghị trong thời gian tới các doanh nghiệp tư nhân cần xem xét tới việc liên kết với các viện nghiên cứu và các trường đại học. Ở một số nước trên thế giới hoạt động liên kết này mang lại hiệu quả cao, một mặt đáp ứng nhu cầu lao động trình độ cao cho doanh nghiệp, mặt khác đảm bảo đầu ra trong đào tạo cho các trường.

TS Lê Đăng Doanh cũng bày tỏ mong muốn trong thời gian tới nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục bổ sung những nội dung liên quan đến chủ đề này, trong đó chú trọng nghiên cứu về sự tham gia và những đóng góp của doanh nghiệp tư nhân vào nền kinh tế số và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Tin, ảnh: LƯU PHƯƠNG ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/phat-trien-nang-luc-cong-nghiep-cua-khu-vuc-doanh-nghiep-tu-nhan-trong-nuoc-622864