Phát triển liên kết sản xuất lúa nếp

Với mục tiêu nâng cao chất lượng, giá trị nông sản và tiêu thụ ổn định sản phẩm, ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh đang tích cực phát triển chuỗi liên kết trong sản xuất lúa nếp.

Người dân xã Đông Văn (Đông Sơn) chăm sóc lúa nếp vụ thu mùa 2023.

Từ bao đời nay, lúa nếp đã gắn liền với đời sống bà con các dân tộc huyện Lang Chánh trong sinh hoạt, ẩm thực và các dịp lễ, tết. Để duy trì và phát triển diện tích lúa nếp, huyện Lang Chánh đã thực hiện mô hình thâm canh lúa nếp 98 gắn với tiêu thụ sản phẩm ở bản Năng Cát, xã Trí Nang, với 30 hộ dân tham gia, trên diện tích 3 ha. Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ giống, tập huấn kỹ thuật gieo mạ, chăm sóc và được công ty bao tiêu sản phẩm khi đến mùa thu hoạch. Ông Lê Quang Tùng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lang Chánh, cho biết: Hiện trên địa bàn huyện đã phát triển được hơn 60 ha lúa nếp, tập trung tại các xã Yên Khương, Yên Thắng và Lâm Phú... Nhằm mở rộng diện tích lúa nếp, hàng năm huyện xây dựng kế hoạch phát triển lúa nếp trên địa bàn một cách cụ thể đến từng xã, thị trấn. Đồng thời, huyện đang tích cực kêu gọi tổ chức, doanh nghiệp tham gia liên kết phát triển những vùng sản xuất tập trung các loại lúa nếp, tạo chuỗi giá trị bền vững cho loại đặc sản này.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã phát triển, gieo trồng 11.428 ha lúa nếp (chiếm 5% tổng diện tích gieo trồng lúa). Trong đó, vụ xuân 4.716 ha, vụ mùa 6.712 ha. Sản lượng lúa nếp toàn tỉnh đạt 60.854 tấn. Một số giống lúa nếp được người dân ở các địa phương trong tỉnh gieo trồng với diện tích lớn, như: Lúa nếp hạt cau 1.500 ha tại các huyện Ngọc Lặc, Bá Thước, Thạch Thành, Vĩnh Lộc và Hà Trung; nếp cái hoa vàng tại huyện Hà Trung 220 ha; nếp Cay Nọi tại huyện Mường Lát 700 ha... và các giống nếp cẩm đen lõi, Kháu Phào, Kháu Mắc Khẻn, Kháu Puốc, Kháu Pé lẹng. Theo tính toán của người dân, trong 1 vụ sản xuất lúa nếp đặc sản sẽ đạt từ 51 - 60 triệu đồng. Hiện trên địa bàn tỉnh đã có một số doanh nghiệp, HTX liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm lúa nếp. Các doanh nghiệp có diện tích lúa nếp liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm lớn như: Công ty TNHH Cúc Phương Ninh Bình 250 ha, sản lượng 1.350 tấn; Công ty TNHH Thương mại Lựu Sướng 201 ha; Công ty TNHH An Thành Phong 106 ha... Các doanh nghiệp liên kết với các HTX dịch vụ nông nghiệp các vùng nguyên liệu để sản xuất và thu mua lúa nếp. Doanh nghiệp có trách nhiệm về quy trình kỹ thuật sản xuất, cung cấp phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, bao tiêu sản phẩm. HTX chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện các khâu sản xuất (làm đất, gieo cấy, thủy lợi, thu hoạch...) và tổ chức thu mua.

Mặc dù vậy, sản xuất lúa nếp cũng như việc áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất lúa nếp của tỉnh còn nhiều bất cập, hạn chế, như: Nhiều diện tích lúa nếp sản xuất nhỏ lẻ, không kiểm soát được sâu bệnh, thu hoạch, phơi sấy bảo quản thủ công dẫn đến chất lượng gạo chưa đạt tiêu chuẩn, tỷ lệ gạo nguyên thấp; hầu hết diện tích lúa nếp đặc sản, nếp địa phương còn sử dụng giống chưa được phục tráng, sau nhiều năm sử dụng đã có dấu hiệu thoái hóa, sinh trưởng, phát triển, trỗ bông không đều, hạt lép nhiều, năng suất thấp, chất lượng gạo giảm. Liên kết trong sản xuất lúa nếp còn ít, chưa bền vững, chặt chẽ... Với mục tiêu hình thành các vùng sản xuất lúa nếp hàng hóa có diện tích lớn gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; kết hợp xây dựng, phát triển các thương hiệu sản phẩm từ lúa nếp để nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích và nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. Ngành nông nghiệp tỉnh đã xây dựng và triển khai thực hiện Phương án liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa nếp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2023-2025. Theo đó, toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2025 diện tích gieo trồng lúa nếp đạt 20.000 - 23.000 ha (chiếm 8 - 10% tổng diện tích gieo trồng lúa) trở lên, năng suất bình quân đạt 50 tạ/ha, tổng sản lượng lúa nếp đạt từ 100.000 - 115.000 tấn/năm. Toàn tỉnh xây dựng được 2 thương hiệu gạo nếp hoặc sản phẩm từ gạo nếp của Thanh Hóa đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao trở lên; 3 sản phẩm lúa nếp đạt từ 3 sao trở lên.

Theo ông Vũ Quang Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thanh Hóa, tỉnh ta có nhiều địa phương, nhiều vùng có đủ điều kiện để phát triển mở rộng lúa nếp với quy mô lớn. Cùng với đó, nhu cầu thị trường tiêu thụ các sản phẩm từ lúa nếp ngày càng cao. Vì vậy, phát triển mở rộng sản xuất lúa nếp là điều rất cần thiết, qua đó nhằm nâng cao giá trị thu nhập/đơn vị diện tích đất trồng lúa, tạo ra sản phẩm đồng bộ có chất lượng cao, gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nông dân thông qua liên kết đầu tư sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Từ vụ mùa 2023, cùng với ban hành kế hoạch trồng trọt, ngành nông nghiệp ban hoành kế hoạch trồng lúa nếp. Qua đó, hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương và doanh nghiệp thực hiện phương án theo quy định, áp dụng khoa học công nghệ và kỹ thuật canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ... Đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và các địa phương tiếp cận các cơ chế, chính sách khuyến khích sản xuất trồng trọt.

Bài và ảnh: Lê Hợi

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/phat-trien-lien-ket-san-xuat-lua-nep/189653.htm