Phát triển làng nghề: Mở không gian mới, đưa sản phẩm vươn tầm thế giới

Với hơn 2.000 làng nghề trên cả nước, không chỉ là không gian kết tinh, lưu giữ giá trị văn hóa, lịch sử mà còn là sinh kế góp phần bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần bền vững của nhân dân, ngày càng nhiều làng nghề trở thành điểm du lịch hấp dẫn.

Không chỉ là câu chuyện bán sản phẩm

Hiện cả nước có hơn 2.000 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận theo tiêu chí của nhà nước, tăng gần 100 làng nghề so với năm 2020. Trong đó, có hơn 1.400 làng nghề và hơn 650 làng nghề truyền thống; 57 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thuộc loại hình nghề thủ công truyền thống được ghi nhận. Ngành nghề nông thôn tạo việc làm cho khoảng 3,69 triệu lao động, thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng; xuất khẩu sản phẩm và nguyên liệu đạt 3,3 tỷ USD.

Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, phát triển làng nghề không chỉ là câu chuyện bán sản phẩm mà làm sao để người tạo ra sản phẩm thấy vui, hạnh phúc với công việc của mình. Do đó, cần mở ra không gian mới cho làng nghề, đưa sản phẩm của làng nghề Việt Nam vươn tầm thế giới. Làng nghề không chỉ là không gian kết tinh, lưu giữ giá trị văn hóa, lịch sử mà còn là sinh kế góp phần bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần bền vững của nhân dân. Ngày càng nhiều làng nghề trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ông Tạ Văn Tường, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho hay thành phố Hà Nội là "cái nôi" của hơn 1.350 làng nghề và làng có nghề, hội tụ 47/52 nghề trong tổng số nghề truyền thống của cả nước.

Hà Nội cũng là nơi tổ nghề của nhiều làng nghề trong cả nước, với 6/7 nhóm nghề, bao gồm: Chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản có 69 làng nghề; Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ có 22 làng nghề; Sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ có 197 làng nghề; Sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh có 13 làng nghề; Xử lý chế biến, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn có 16 làng nghề; Dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn có 5 làng nghề.

"Mỗi làng nghề đều mang một bản sắc riêng, tạo ra những sản phẩm độc đáo, tinh xảo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Các sản phẩm của làng nghề đa dạng, nhiều chủng loại, đa số mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, một số có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước", ông Tường chia sẻ.

Theo ông Tường, các địa phương có làng nghề đã tăng trưởng cả về doanh thu, giá trị sản xuất và giá trị xuất khẩu. Trong đó, khoảng 100 làng nghề đạt doanh thu từ 10 đến 20 tỷ đồng/năm, gần 70 làng nghề đạt từ 20 đến 50 tỷ đồng/năm và khoảng 20 làng nghề đạt trên 50 tỷ đồng/năm.

Thu nhập bình quân của người lao động ở các làng nghề cao hơn nhiều so với lao động thuần nông, mức thu nhập bình quân phổ biến ở mức 4 - 5,5 triệu đồng/lao động/tháng. Các làng nghề khác nhau, mức thu nhập của các lao động cũng có sự khác nhau, như làng nghề mây tre đan thu nhập bình quân lao động đạt 11,2 triệu đồng/người/tháng, điêu khắc mỹ nghệ bình quân lao động đạt 10 triệu đồng/tháng, làng nghề hoa mai trắng thôn An Hòa thu nhập bình quân lao động 17 triệu người/tháng.

“Sự phát triển làng nghề tạo nhiều cơ hội việc làm, không chỉ với người trong độ tuổi lao động mà còn giải quyết việc làm thêm cho cả người già, người khuyết tật, trẻ em. Sự phát triển của làng nghề còn tạo điều kiện kết nối cộng đồng, phát triển những giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống, lưu giữ những tinh hoa nghệ thuật, lưu truyền từ đời này sang đời khác”, ông Tường nhấn mạnh.

Thu hút thế hệ trẻ tham gia

Chia sẻ kinh nghiệm làm việc với cộng đồng dân tộc thiểu số về gìn giữ nghề truyền thống, thu hút sự tham gia của thế hệ trẻ trong công tác bảo tồn nghề truyền thống, bà Trần Thị Thu Oanh - Trưởng tư vấn kỹ thuật của Tổ chức Cứu trợ Phát triển Quốc tế (FIDR) cho biết, FIDR đã triển khai thành công dự án bảo tồn nghề dệt truyền thống của người Cơ Tu, tại tỉnh Quảng Nam vào năm 2007 - 2012 trên quy mô 60 hộ.

Kế thừa thành công này, FIDR đã phát triển du lịch dựa vào cộng đồng cho nhóm đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện tại, từ năm 2021, tổ chức đã thúc đẩy tiểu thủ công nghiệp nông thôn với 100.000 hộ trên toàn tỉnh Quảng Nam.

Qua quá trình làm dự án, bà Oanh nhìn nhận, để bảo tồn làng nghề truyền thống cần thu hút sự tham gia của thế hệ trẻ. Cụ thể là thông qua các cách vận hành nhóm hoạt động, Hợp tác xã, các dịch vụ marketing, tài chính, kế toán, kiến thức, kỹ năng về công nghệ.

"Mỗi thế hệ có một vai trò trong gìn giữ làng nghề. Người lớn tuổi có kinh nghiệm, kỹ năng và giữ vai trò hướng dẫn. Người trung niên chủ yếu sẽ vận hành và điều hành các mô hình sản xuất. Còn người trẻ có kỹ năng, tiếp cận với những xu thế mới", bà Oanh chia sẻ.

Ông Kevin Murray, Phó chủ tịch Hội đồng thủ công thế giới, nêu kinh nghiệm bảo tồn nghề làm gốm tại Stoke-on-Trent, một thành phố ở miền Trung nước Anh. Ngành công nghiệp gốm sứ ở Stoke-on-Trent bắt đầu vào giữa thế kỷ 17 một cách khiêm tốn. Tuy nhiên, với sự dồi dào của than và đất sét địa phương, ngành công nghiệp này nhanh chóng phát triển và giúp thành phố trở thành thủ phủ gốm sứ xứ sương mù.

Vào năm 1956, lò nung thủ công bị buộc phải thay bằng lò nung gas và điện, ngành gốm sứ nói chung và làng nghề Stoke-on-Trent nói riêng đã suy giảm mạnh. Từ chỗ có hơn 300 thợ gốm đầu thế kỷ 20, thành phố chỉ còn lại một phần nhỏ đến ngày nay.

Để gìn giữ, chính quyền địa phương đã nâng cao công tác tuyên truyền cho người dân và đưa các tiết học về gốm sứ đến lứa tuổi học sinh từ sớm. Ngày nay, những người đến từ Stoke-on-Trent được coi là có "đất sét trong huyết quản".

Theo ông Kevin Murray, đây không phải là câu hô hào theo nghĩa đen mà là về mặt cuộc sống, tình cảm. Người Stoke-on-Trent va chạm với vật chất đã hình thành nên thành phố của họ. Những người dân địa phương đến Stoke mang theo niềm tự hào về thành phố và di sản của họ.

Từ kinh nghiệm của Stoke-on-Trent, Phó chủ tịch Hội đồng thủ công thế giới cho rằng công cuộc bảo tồn làng nghề phải bắt đầu càng sớm càng tốt, đồng thời lấy những nghệ nhân làm trung tâm, làm chủ thể và cũng là đối tượng hướng tới.

Thi Thi

Tạp chí in số tháng 1+2/2024

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/phat-trien-lang-nghe-mo-khong-gian-moi-dua-san-pham-vuon-tam-the-gioi-d45971.html