Phát triển kinh tế xanh từ phiên chợ - sự kiện tử tế

Những thử nghiệm với quy mô nhỏ, liên tục hướng đến hình thành văn hóa bảo vệ môi trường sẽ hình thành thị trường kinh tế xanh, nơi tôn vinh sản phẩm dịch vụ xanh, chất lượng, có giá trị cho xã hội.

Vùng đất Thủy Biều, “thủ phủ” của cây trái thanh trà nổi tiếng với hương vị thơm ngon. Ảnh: Bảo Phước

Huế giàu tiềm năng

Trong chuyến làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại tỉnh Thừa Thiên Huế vào tháng 3/2023, ông đã dành nhiều thời gian để bàn về vấn đề Huế chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế về di sản, văn hóa lịch sử, tài nguyên thiên nhiên. Ông cũng nhấn mạnh, Huế cần có giải pháp để biến thế mạnh thành giá trị kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân Huế tương xứng với vị thế thành phố trực thuộc Trung ương.

Từ bao đời nay, người dân Huế đều có niềm tin mãnh liệt về những đặc trưng riêng của Huế, hiếm nơi nào có được. Ngay thời điểm này là thời gian người dân háo hức chờ đợi mùa thanh trà chín, nhất là thanh trà Thủy Biều để nhanh chóng đóng gói từng bao tải gửi cho người thân, bạn bè xa xứ. Chúng ta cũng thân thuộc câu chuyện người Huế trở về từ phương Tây, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội sẽ ngay lập tức tìm thưởng thức một tô cơm hến, tô bún bò cho thỏa cơn thèm. Mỗi sáng tinh mơ, những bà nội trợ cố gắng dậy sớm để kịp chọn đặc sản cá, tôm từ đầm phá để chuẩn bị bữa cơm đậm đà cho gia đình. Huế còn nhiều đặc sản mang hương vị, phong thái đặc trưng nổi tiếng khác nữa…

Tuy vậy, người nông dân, hộ kinh doanh Huế vẫn hiền lành, chất phác. Họ buôn bán với tập quán truyền thống nên sản phẩm, dịch vụ Huế đa phần vẫn loanh quanh khu vực sinh sống, chưa đi xa được, sản lượng cũng chưa được nhiều. Như một thực tế buồn, bản thân người viết mong muốn trải nghiệm những nông sản ngon, bổ, sạch nổi tiếng như cam Nam Đông, gạo Ra Dư, gạo De An Cựu, thịt bò vàng A Lưới,… nhưng chưa biết nơi nào bán đúng sản phẩm chất lượng; và không có dân địa phương chỉ dẫn cách thức chế biến đặc sản đó thành món ngon. Với thực trạng như vậy, thu nhập của người nông dân vẫn còn thấp so với mặt bằng chung cả nước.

Cần sáng tạo hơn

Cũng với câu chuyện làm sao để những sản phẩm nông sản nổi tiếng về chất lượng, xanh, sạch được kết nối giữa người nông dân và người bán. Người nông dân quảng bá được sản phẩm, bán được nhiều hàng hóa hơn; người tiêu dùng được mua sản phẩm chất lượng, đúng nguồn gốc, thỏa mãn đúng nhu cầu. Ở TP. Hồ Chí Minh, người ta tổ chức Phiên chợ xanh - tử tế hàng tuần. Đó là sân chơi với quy định về “sự tử tế”. Người bán phải bán sản phẩm xanh, sạch, đúng tiêu chuẩn và qua kiểm định của ban tổ chức.

Phiên chợ hướng đến mục tiêu lan tỏa kiến thức tiêu dùng bảo vệ môi trường và hình thành lối sống xanh, để người tiêu dùng được mua sản phẩm xanh đúng chất lượng, giá cả phải chăng và góp phần bảo vệ môi trường. Ngoài các sản phẩm nông sản xanh, ban tổ chức còn kêu gọi các đơn vị thực hiện chương trình khuyến mãi để thu hút được nhiều khách, và phiên chợ được duy trì bền vững hơn. Các bạn trẻ, doanh nghiệp nhỏ khởi nghiệp những ý tưởng hay về sản phẩm thân thiện bảo vệ môi trường cũng có không gian để giới thiệu đến khách hàng tiềm năng. Phiên chợ cũng là nơi để người tiêu dùng đóng góp ý kiến, sáng kiến cho doanh nghiệp xanh phát triển tốt hơn, cải thiện môi trường sống trong lành hơn.

Huế là thành phố du lịch, dịp cuối tuần du khách và người dân tấp nập trên các con đường là cơ hội tốt để tổ chức sự kiện thúc đẩy kinh tế xanh. Khi Huế có một phiên chợ hội tụ sản phẩm xanh, người bán tử tế thì đây sẽ là một không gian để người nông dân, nghệ nhân văn hóa có thể quảng bá, bán sản phẩm tốt hơn. Đặc sản của Huế có cơ hội tiếp xúc với khách hàng tiềm năng trong và ngoài nước, có cơ hội vươn xa hơn. Chợ còn là nơi để hình thành niềm tin, cũng như thói quen tiêu dùng xanh, sự tử tế với thiên nhiên của con người Huế.

Huế là thành phố xanh, đang hướng đến kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn thì những không gian kết nối, giới thiệu, phát triển sản phẩm xanh cần được hình thành một cách định kỳ, như là một nếp văn hóa, thói quen của con người Huế. Khi đó hình ảnh Huế xanh, người Huế yêu và đối xử tử tế với thiên nhiên chính là một hình ảnh đẹp để thúc đẩy kinh tế xanh đúng nghĩa, bao gồm du lịch xanh và sản xuất xanh. Ngoài phiên chợ xanh, Huế có thể nghiên cứu thử nghiệm sự kiện kinh tế thể thao là nơi tổ chức sự kiện thể thao, nhà sản xuất, mua bán đồ thể thao và người yêu thể thao. Thử nghiệm mô hình trải nghiệm văn hóa nghệ thuật với sự tử tế từ giáo dục văn hóa, sáng tạo, giá trị sống. Thử nghiệm chuỗi hoạt động bảo vệ môi trường với các giải pháp thu gom rác, sản phẩm thay thế bao bì ni lông để người dân được đóng góp trong trách nhiệm bảo vệ môi trường sống của tỉnh.

Những thử nghiệm với quy mô nhỏ, liên tục hướng đến hình thành văn hóa bảo vệ môi trường sẽ hình thành thị trường kinh tế xanh, nơi tôn vinh sản phẩm dịch vụ xanh, chất lượng, có giá trị cho xã hội.

NGUYỄN QUỐC ANH

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/phat-trien-kinh-te-xanh-tu-phien-cho-su-kien-tu-te-131599.html