Phát triển kinh tế tuần hoàn, thúc đẩy tăng trưởng xanh

Áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn (KTTH) trong hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ không còn là một lựa chọn mà trở thành một yêu cầu cấp thiết cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp cũng như của cả nền kinh tế.

Mô hình kinh tế tuần hoàn áp dụng trong chế biến cà phê.

Giải pháp giúp giảm khai thác tài nguyên, hạn chế phát thải

Ước tính của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) cho biết, đến năm 2030 nếu tiếp tục phát triển với mô hình kinh tế tuyến tính (khai thác tài nguyên, sản xuất và loại bỏ sau tiêu thụ), thì nhu cầu sử dụng tài nguyên của thế giới sẽ tăng gấp 3 lần so với hiện nay, vượt khả năng cung ứng của trái đất. Vì vậy, chuyển đổi từ mô hình kinh tế tuyến tính sang KTTH là một giải pháp quan trọng cho tình trạng này.

Theo Quỹ Ellen MacArthur, KTTH là một hệ thống có tính khôi phục và tái tạo thông qua các kế hoạch và thiết kế chủ động. Nó thay thế khái niệm “kết thúc vòng đời” của vật liệu bằng khái niệm khôi phục, chuyển dịch theo hướng sử dụng năng lượng tái tạo, không dùng các hóa chất độc hại gây tổn hại tới việc tái sử dụng và hướng tới giảm thiểu chất thải thông qua việc thiết kế vật liệu, sản phẩm, hệ thống kỹ thuật và cả các mô hình kinh doanh trong phạm vi của hệ thống đó.

Mục tiêu chính của KTTH là 1) giảm khai thác và tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên, tiết kiệm năng lượng, 2) kéo dài thời gian sử dụng vật liệu, sản phẩm, 3) hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.

Cơ hội và thách thức

Tại Việt Nam, các chính sách của Nhà nước liên quan đến thực hiện KTTH đang dần được hình thành. Bên cạnh đó, các yêu cầu và xu hướng tiêu dùng sản phẩm thân thiện với môi trường, sản phẩm xanh, đặc biệt quy định từ các thị trường phát triển, sẽ là động lực để DN chuyển dịch sang các mô hình kinh doanh theo hướng tuần hoàn.

Hiện nay đã có một số DN đi đầu trong việc chuyển đổi sang KTTH. Trong đó, Nestlé Việt Nam được biết đến là một trong những DN chuyển đổi thành công sang KTTH và tích cực chia sẻ mô hình này đến cộng đồng DN thông qua các diễn đàn.

Nhờ áp dụng mô hình KTTH và nhiều giải pháp khác, tất cả nhà máy Nestlé Việt Nam đã đạt mục tiêu “Không rác thải chôn lấp ra môi trường” từ năm 2015. Chất thải từ sản xuất (nước thải, khí thải, chất thải rắn) đều được xử lý, tái chế và tái sử dụng.

Trung bình 60 - 65% tổng lượng nước thải trong quá trình sản xuất tại nhà máy sản xuất cà phê của Nestlé Việt Nam đang được tái sử dụng. Ngoài ra, 100% bã cà phê sau sản xuất được dùng làm năng lượng sinh khối. Cát thải trong lò hơi được cung cấp cho nhà sản xuất gạch tại địa phương để làm nguyên liêu sản xuất gạch không nung.

Bên cạnh việc giảm phát thải trong sản xuất tại nhà máy, Nestlé Việt Nam đang nỗ lực giảm phát thải trong toàn bộ chuỗi giá trị, từ khâu nguyên liệu đầu vào, chế biến và sản xuất, đến khi sản phẩm được phân phối đến người tiêu dùng.

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, mặc dù có nhiều cơ hội, DN sẽ gặp không ít khó khăn khi chuyển đổi sang mô hình KTTH. Việc chuyển sang mô hình KTTH đòi hỏi đầu tư đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng kéo dài vòng đời sản phẩm, thu hồi chất thải...

Điều này đòi hỏi DN phải có nguồn lực, công nghệ phù hợp cho sự chuyển đổi. Đây là thách thức lớn khi hầu hết DN tại Việt Nam đều có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Do đó, chính phủ cần ban hành các chính sách khuyến khích, thúc đẩy đầu tư nghiên cứu khoa học... cũng như phát triển thị trường tái sử dụng sản phẩm thải bỏ, tái chế chất thải.

Các chính sách ưu đãi về thuế cho phát triển KTTH cần được bổ sung và hoàn thiện để khuyến khích các đối tượng tham gia và chuyển đổi mô hình hoạt động. Ngoài ra, cần áp dụng ưu đãi cho các tổ chức, cá nhân có hoạt động, dự án áp dụng mô hình KTTH, bảo vệ môi trường, cấp tín dụng xanh cho các dự án theo quy định của pháp luật…/.

Thu Nguyệt - Lê Thanh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/phat-trien-kinh-te-tuan-hoan-thuc-day-tang-truong-xanh-134987.html