Phát triển kinh tế từ nông nghiệp

Từng công tác tại một cơ quan nhà nước, công việc ổn định, nhưng vì đam mê làm kinh tế nông nghiệp, anh Võ Thành Long ở thôn Tân Lập, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập quyết định rời công sở về đầu tư trồng trọt và chăn nuôi, làm giàu ngay trên mảnh vườn của gia đình.

NHỮNG QUẢ NGỌT ĐẦU TIÊN

Thời điểm tháng 5 âm lịch, một số loại trái cây ở Bình Phước bước vào giai đoạn thu hoạch rộ. Vườn cây gồm bơ sáp 034, sầu riêng và bưởi da xanh của anh Võ Thành Long 5 năm tuổi, cũng cho những lứa trái đầu tiên.

Bơ sáp 034 được anh trồng thành hàng bao quanh khu vườn; từng chùm sai trĩu, trái níu cành sà xuống mặt đất. Anh Long cho biết: “Bơ sáp 034 được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng bởi vị béo, dẻo, trái dài, hạt nhỏ. Trong điều kiện chăm sóc tốt, trọng lượng mỗi trái từ 300-800g, năng suất bình quân 170-200kg/cây/vụ. Vì cây còn nhỏ nên tôi cắt tỉa bớt trái, chỉ để lại số lượng vừa đủ cho cây phát triển”.

Những cây bơ sai trĩu quả của gia đình anh Võ Thành Long ở thôn Tân Lập, xã Phú Nghĩa

Những cây bơ sai trĩu quả của gia đình anh Võ Thành Long ở thôn Tân Lập, xã Phú Nghĩa

Trong vườn, anh Long trồng bơ xen sầu riêng. Trong đó, sầu riêng có 2 loại là Ri6 và Monthong. Những cây sầu riêng xanh tốt cao khoảng 4-5m, đã được cắt cành, tạo thế vững chãi. Mỗi cây anh để từ 5-7 trái theo trục đối xứng. Đi dạo một vòng quanh rẫy, anh Long tìm những trái sầu riêng chín cây ngon nhất để đãi khách, đồng thời như để khẳng định chất lượng chăm sóc cũng như hài lòng với mô hình mình đã dày công đầu tư suốt mấy năm qua.

Anh Long giới thiệu những trái bơ bắt đầu cho thu hoạch lứa đầu tiên

Anh Long giới thiệu những trái bơ bắt đầu cho thu hoạch lứa đầu tiên

Sau gần 5 năm chăm sóc, vườn sầu riêng của anh Long đã cho thu hoạch những trái đầu tiên

Sau gần 5 năm chăm sóc, vườn sầu riêng của anh Long đã cho thu hoạch những trái đầu tiên

Khu vườn 8 ha của anh thoai thoải theo triền dốc. Vườn bưởi da xanh trồng riêng một khoảnh xuống sát gần bờ suối. Ngoài hệ thống tưới được đầu tư bài bản thì cứ cách vài cây lại có một bẫy côn trùng, chủ yếu là bẫy ruồi vàng. Anh Long chia sẻ: “Ruồi vàng là loại côn trùng gây hại nhiều loại trái cây, nhất là bưởi. Khi trái bị ruồi chích thường rụng sớm hoặc thối trên cây, ảnh hưởng tới năng suất. Do vậy, trong vườn tôi đặt nhiều bẫy phòng trừ rất hiệu quả”.

Theo anh Long, muốn đạt năng suất, chất lượng thì việc chăm sóc, bảo vệ cây không bị sâu bệnh, có đủ dinh dưỡng là điều quan trọng nhất. Do vậy, vườn cây được anh chăm sóc theo hướng hữu cơ, trừ sâu bằng thuốc sinh học, bón phân chủ yếu từ phân bò đã qua xử lý. Với anh, sản xuất nông nghiệp hiện nay theo tiêu chuẩn hữu cơ được ưu tiên hàng đầu.

SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP THEO HƯỚNG HỮU CƠ

Ngoài anh Long là nhân lực chính chăm sóc kỹ thuật, còn có 2 nhân công lao động thường xuyên ở vườn. Công việc chính của người lao động là trồng cỏ và chăm sóc đàn bò. Từ khi quyết định về làm nông nghiệp, anh Long đã xây dựng phương án trồng cỏ, nuôi bò lấy phân bón cây trồng. Do vậy, đàn bò được anh gây dựng từ 5 năm trước, đến nay tổng đàn gần 30 con.

Đàn bò của gia đình anh Long được nuôi trong chuồng thoáng mát, sạch sẽ

Đàn bò của gia đình anh Long được nuôi trong chuồng thoáng mát, sạch sẽ

Sản xuất theo hướng hữu cơ thì con người phải lao động vất vả hơn. Cỏ trong vườn không xịt thuốc mà phải dùng máy để phát. Việc bón phân bò cũng theo đúng quy trình, thời gian và liều lượng phù hợp. Hiện nay, xu hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ là phổ biến. Chất lượng sạch, dinh dưỡng cao là tiêu chuẩn hàng đầu. Tôi sẽ tiếp tục xây dựng các tiêu chuẩn chất lượng cùng với mã vùng trồng để sau này khi sản lượng trái cây nhiều sẽ liên kết với doanh nghiệp nhằm tiêu thụ dễ dàng.

Anh Võ Thành Long, thôn Tân Lập, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập

Trong vườn rộng 8 ha, anh Long dành 1 ha trồng cỏ voi. Mùa mưa cỏ nhiều, thức ăn cho bò dồi dào. Mùa nắng, thức ăn khan hiếm nên phải dự trữ cỏ khô hoặc mua rơm. Anh Long cho hay, mỗi năm bò sinh sản một lần, việc nhân đàn nhanh. Để có điều kiện chăm sóc tốt, trong quá trình phát triển sẽ chọn lọc và chỉ để số lượng đàn vừa phải. Ngoài cung cấp đủ thức ăn dinh dưỡng, anh còn đầu tư chuồng trại thoáng mát, sạch sẽ. Trong mỗi chuồng có hệ thống máng đựng thức ăn, nước uống. Nước cho bò uống được lọc và kiểm tra chất lượng với đầy đủ tiêu chuẩn để phòng ngừa bệnh. Vì rẫy ở xa trung tâm huyện nên việc chăm sóc bò gặp nhiều khó khăn. Để khắc phục vấn đề này, anh đã tham gia các khóa học kỹ thuật chăm sóc thú y, tuyển chọn bò giống, tránh trùng huyết thống để bò phát triển khỏe mạnh. Với phương pháp chăn nuôi này, mỗi năm đàn bò thải ra hàng chục tấn phân, qua đó ủ hoai mục để đáp ứng nhu cầu phân bón cây trồng.

Đàn bò của gia đình anh Long được nuôi nhốt tại khu vực có không gian thoáng đãng, hạn chế bệnh tật

Đàn bò của gia đình anh Long được nuôi nhốt tại khu vực có không gian thoáng đãng, hạn chế bệnh tật

Khu vực anh Long trồng cỏ nuôi bò

Khu vực anh Long trồng cỏ nuôi bò

Ông Nguyễn Trọng Trường, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Nghĩa khẳng định: “Phân chuồng tuy không giúp cây cho năng suất và sản lượng cao như phân bón hóa học, song sẽ làm đất tơi xốp, nhiều côn trùng có ích phát triển, tăng độ phì nhiêu của đất, giúp cây phát triển bền vững. Trong khi phân hóa học khiến đất bị chai, cây nhanh phát triển nhưng sức đề kháng kém, dễ bị sâu bệnh gây hại. Do vậy, phương pháp trồng cỏ, nuôi bò lấy phân bón cây trồng của gia đình anh Long là cách phát triển nông nghiệp bền vững. Chúng tôi đang xây dựng kế hoạch tổ chức cho hội viên nông dân đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm mô hình này trong điều kiện thích hợp”.

Quang Minh

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/146151/phat-trien-kinh-te-tu-nong-nghiep